Ngành gỗ tăng trưởng trong nỗi lo
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lợi nhuận thấp

Trong 6 tháng đầu năm 2013, thị trường XK gỗ của Việt Nam tiến triển khá tốt, nhìn chung các DN gỗ có đơn hàng và có lãi, dù ít. Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (Bifa) và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho biết, hầu hết DN gỗ đã có đơn hàng đến tháng 9-2013, và nhiều DN XK đạt kết quả tốt, như: Tập đoàn Gỗ Trường Thành đã ký được 40% hợp đồng của năm 2013; Công ty XK Gỗ Mori Shige đã thực hiện XK được hơn 11 triệu USD, đạt 46% kế hoạch năm 2013 và đã ký được 60% hợp đồng của năm 2013; Công ty TNHH Phát Triển đã XK được 16,6 triệu USD, đạt 52% kế hoạch, tăng 19% so với cùng kỳ…

Thị trường XK chủ yếu của ngành gỗ Việt Nam 6 tháng qua nhiều nhất vẫn là Hoa Kỳ (chiếm 40%), tiếp theo là thị trường EU (28%) Nhật Bản (10%)… Theo Hiệp hội Ngành công nghiệp đồ gỗ ASEAN, hiện Việt Nam đang là nước dẫn đầu về XK đồ gỗ ở Đông Nam Á, đứng thứ 2 châu Á và đứng thứ 6 trên thế giới.

Tuy nhiên, các DN gỗ cho biết họ được lợi nhuận rất thấp, chỉ đủ duy trì hoạt động. Lãi thực năm nay còn thấp hơn các năm trước do chi phí đầu vào đã tăng cao so năm trước khoảng 30%, trong khi giá gia công tăng theo không kịp do khó khăn kinh tế nói chung. Nguyên nhân lợi nhuận thấp cơ bản vẫn là do DN Việt Nam bị động, phải phụ thuộc vào nước ngoài hầu như toàn bộ chuỗi sản phẩm từ nguyên liệu cho đến thiết kế, tiêu thụ.

Việc thu lợi nhuận thấp còn làm cho các DN gỗ bị động trong dự trữ nguyên liệu. Khoảng hơn 70% nguyên liệu sản xuất của ngành gỗ Việt Nam hiện nay phải nhập khẩu (NK), thường thì các DN  phải NK nguyên liệu dự trữ từ nửa năm trở lên để chủ động sản xuất, tuy nhiên do lãi thấp nên các DN bị thiếu vốn NK nguyên liệu. Dù thiếu vốn nhưng các DN hiện không dám vay vì lợi nhuận giờ không đủ trả lãi ngân hàng.

Do vậy, hầu hết DN chỉ dám NK nguyên liệu vừa đủ trong vài tháng, sản xuất trong sự lo lắng nguyên liệu có thể tăng giá. Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng GĐ Công ty Đồ gỗ Hiệp Long, Chủ tịch Bifa cho biết, từ đầu năm đến nay nhiều DN gỗ đã giảm hơn 50% lượng gỗ nguyên liệu NK. Các DN tại TP.HCM cũng cho biết, họ rút kinh nghiệm năm 2012 là riêng chi phí lãi vay để NK nguyên liệu đã chiếm hơn 30% chi phí sản xuất,  năm nay họ chỉ NK nguyên liệu cầm chừng, giảm tối đa việc vay vốn.

Tăng khả năng chủ động

Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Tập đoàn Gỗ Trường Thành cho rằng, mấu chốt nhất là DN phải có sự chủ động, nhất là trong vấn đề đầu ra. Tuy nhiên, muốn chủ động thì bản thân DN phải mạnh. Về phía các DN, phải nhìn thẳng vào các nguyên nhân làm giảm sức mạnh, giảm lợi nhuận của ngành gỗ để khắc phục. Các DN cần liên kết lại để khắc phục nhược điểm quy mô nhỏ, san sẻ các đơn hàng nhằm đáp ứng kịp thời gian của hợp đồng.

Ai cũng biết, khâu phân phối là khâu có lợi nhuận cao nhất, có thể gấp cả chục lần so với khâu sản xuất nhưng DN Việt Nam đang rất yếu khâu này. Do vậy, phải chú trọng nâng cao khả năng thương mại, tích cực thâm nhập thị trường, tiếp cận đa dạng khách hàng, tránh quá phụ thuộc vào một số khách hàng cố định. DN Việt Nam phải  nâng cao tay nghề, năng suất lao động, chú trọng khâu thiết kế, mua sắm trang thiết bị hiện đại để đáp ứng các yêu cầu về mẫu mã, chất lượng sản phẩm…

Ông Võ Trường Thành cảnh báo, nhìn chung nhiều DN Việt Nam hiện vẫn khá mù mờ về các quy định, luật pháp quốc tế, khi xảy ra vướng mắc ở nước ngoài khó ứng phó kịp. Nhất là các quy định ngăn chặn việc sử dụng gỗ bất hợp pháp yêu cầu nhà XK phải có đầy đủ các giấy tờ chứng minh nguồn nguyên liệu hợp pháp.

Về phía ngành chức năng, cần hỗ trợ DN vốn ưu đãi để đổi mới trang thiết bị, vốn để NK nguyên liệu. Cần xúc tiến đàm phán để Việt Nam đáp ứng được chứng chỉ FSC (Bộ tiêu chuẩn của Hội đồng quản trị rừng thế giới về cấm buôn bán gỗ và các sản phẩm từ nguồn bất hợp pháp), nhằm giúp DN Việt Nam sử dụng thêm nguyên liệu trong nước. Cần có biện pháp giảm XK gỗ nguyên liệu.

Ái Vân
Nguồn: Báo Hải quan Online