Ngành ngân hàng năm 2010: Dấu hỏi về “quả trứng vàng”!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lạm phát xuống một con số

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động ngành ngân hàng năm 2009, triển khai công tác năm 2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao những đóng góp của ngành Ngân hàng trong thời năm qua. Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, ngành Ngân hàng đã góp phần duy trì sự ổn định của nền kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, NHNN đã có những chính sách điều hành linh hoạt nhằm giữ an toàn cho hệ thống ngân hàng vốn được coi là hệ thống huyết mạch của toàn nền kinh tế. Về cơ bản, NHNN đã có chính sách tiền tệ đúng đắn, đáp ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế nhưng vẫn kiềm chế lạm phát, bảo đảm tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.

Theo bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, NHNN, chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ khi góp phần đưa lạm phát xuống còn một con số (Dự kiến lạm phát 2009 là 6,2%, trong khi năm 2008 gần 20%). Đồng thời, chương trình hỗ trợ lãi suất đạt hiệu quả cao, giúp DN có giá vốn rẻ, vực dậy nền kinh tế và các NH cũng làm ăn có lãi. NHNN cũng mạnh tay điều hành tỷ giá, hỗ trợ xuất khẩu, tăng cung ngoại tệ giúp ổn định thị trường. Từ đó, giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn suy giảm, kinh tế tăng trưởng 5,2%.

Vẫn cần hoàn thiện luật hơn

Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Anh Tuấn cho rằng, từ tháng 7 tới nay, lãi suất huy động tăng lên sát ngưỡng cho vay, đây là điều không bình thường. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước phải có cơ chế kiểm soát, không thể để một số ít ngân hàng hoạt động không bình thường gây ra cả hệ thống ngân hàng hoạt động không bình thường, bất ổn cho toàn hệ thống. Cần sử dụng vai trò của Hiệp hội, cần có tiếng nói thống nhất, ủng hộ để thông qua thực hiện các nội dung này.

Về vấn đề kiểm soát thị trường ngoại hối, bà Dương Thu Hương cho rằng, cần phải kiểm soát thường xuyên, liên tục, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành. Tránh lúc chặt, lúc lỏng, có lúc bỏ lơi. Tuy nhiên, theo bà Hương, việc điều chính sách tiền tệ linh họat chưa được thể hiện rõ, có một số chính sách còn phản ứng chậm, thủ tục hành chính trong nội bộ NHNN còn chậm, có chính sách thống đốc có chủ trương nhưng để ban hành ra mất một tháng, lạc hậu.

Tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank Nguyễn Đức Vinh cho rằng, NHNN cần hoàn thiện hệ thống luật, chính sách hoàn chỉnh hơn nữa để ngành ngân hàng có môi trường pháp lý hoạt động ổn định. Ngoài ra, sự phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ cần làm tốt hơn vì thời gian qua đã có lúc chưa đồng bộ. Ví dụ, chính sách dừng hỗ trợ lãi suất, và kiểm soát tỷ giá sớm thì có thể làm đỡ căng thẳng hơn, trả về thị trường dựa trên chi phí vốn thực. Ngoài ra, xã hội nhận xét ngành ngân hàng lãi nhiều nhưng trên thực tế, ngành ngân hàng ít lợi nhuận nhất, nhiều rủi ro nhất. Hơn nữa, hệ thống ngân hàng đang tiệm cần dần với thông lệ quốc tế, nếu áp dụng đủ thì chi phí phòng ngừa rủi ro thì chi phí rất lớn. Do vậy, hiệu quả của ngành ngân hàng thực sự thấp hơn nhiều so với thể hiện ra bên ngoài.

Trước vấn đề đặt ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao nhiệm vụ cho ngành ngân hàng trong năm 2010, cùng với Chính phủ điều hành chính sách theo hướng tăng cường yếu tố ổn định, không để lạm phát vượt 7%. Tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2010, (năm đạt 5,2%). NHNN vừa tham mưu cho Chính phủ vừa là đơn vị nòng cốt thực hiện chính sách tiền tệ. Tăng cường quản lý Nhà nước của NHNN đối với các tổ chức tín dụng, quản lý sàn vàng, thị trường ngoại hối. Đảm bảo an sinh xã hội trong đó vai trò ngân hàng là rất lớn. Bên cạnh đó, kiện toàn bộ máy, cải cách hành chính.

Trần Quyết
Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử