Người mua bảo hiểm luôn lép vế, ai bảo vệ?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đó là ý kiến nhiều bạn đọc gửi đến chuyên mục Pháp luật và hội nhập của báo DVT.

Nhiều bạn đọc: Người mua bảo hiểm luôn lép vế khi mua bảo hiểm. Khi có sự cố, nhiều công ty thường nại đủ lý do để không thực hiện hay trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ chi trả bảo hiểm. Ai khôn thì chạy, thì móc nối với nhân viên hay trưởng phòng. Ai bảo vệ quyền lợi cho người trung thực?

– Chúng ta có thể thấy một thực tế rằng: Trong cơ chế thị trường có nhiều cái không bình đẳng, thí dụ bình đẳng thông tin. Chỉ có người sản xuất, người bán hàng mới biết được giá thành, giá trị của sản phẩm. Người mua bị áp bức.Tuy nhiên, anh cũng có thể lựa chọn mua hay không mua. Tham gia bảo hiểm cũng vậy.

Văn bản mang tính pháp lý đầu tiên đưa ngành kinh doanh bảo hiểm trở thành ngành mang tính thị trường là Nghị định 100/1993/NĐ-CP. Hiện nay, cùng với sự hội nhập và phát triển của cả nền kinh tế, thị trường kinh doanh bảo hiểm Việt Nam đã có 21 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, 7 công ty bảo hiểm nhân thọ, 1 công ty tái bảo hiểm và 8 công ty môi giới bảo hiểm với đa dạng loại hình doanh nghiệp khác nhau. Đây là những dấu hiệu tích cực của thị trường kinh doanh bảo hiểm Việt Nam, xét về mặt phát triển ngành. Song, nếu là rắc rối thì cũng chừng ấy rắc rối. Trong chủ trương tái cơ cấu kinh tế hiện nay, ngành kinh doanh bảo hiểm cũng càn xem xét.
 
Nhiều quyền lợi của  người tham gia bảo hiểm do các công ty bảo hiểm đưa ra khá trừu tượng. Trừu tượng nên khó thực hiện. Và phải hiểu mục đích thực chất của họ là kiếm lời. Giá trị xã hội tích cực của bảo hiểm là nhiều người góp cho ít người.

Người tham gia bảo hiểm cần tính toán, không nên chạy theo phong trào.

Còn bảo vệ cho người bảo hiểm đương nhiên là pháp luật. Pháp luật của ta có chỗ có thể chưa hoàn thiện nhưng cơ bản đã đủ. Việc vận dụng luật, lách luật là chuyện của cuộc sống, mà cuộc sống thì luôn sinh động, phức tạp…
Các cơ quan chức năng cần kiểm tra hoạt động của các công ty bảo hiểm chặt chẽ hơn. Thí dụ quảng cáo không đúng với thực chất, cạnh tranh nhau không phải bằng chất lượng dịch vụ mà lại bằng cách hạ phí, thí dụ tìm cách”xù” tiền hay câu kết để chi tiền rồi ăn chia với nhau…

Tại sao Luật Kinh doanh bảo hiểm lại có quy định có các loại hình bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm bắt buộc? (Trần Đức Liêu, Thanh Xuân, Hà Nội).

– Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định loại hình bảo hiểm bắt buộc là loại bảo hiểm do Pháp luật quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu mà tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện. Hiện nay có bốn hình thức được quy định bảo hiểm bắt buộc. Các hình thức khác là bảo hiểm tự nguyện. Sở dĩ có quy định trên là bởi vì tầm quan trọng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước, cũng như trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của Pháp luật của một số lĩnh vực mà theo đó cần phải bắt buộc được bảo hiểm. Ví dụ: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách, Bảo hiểm cháy nổ…Đây đều là những lĩnh vực liên quan đến đảm bảo tính mạng con người và giá trị tài sản lớn, cần thiết phải có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước và sự đảm bảo tuân thủ của người tham gia.

Tôi đang đóng bảo hiểm tại một doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhưng hiện nay gia đình lâm vào cảnh khó khăn không có khả năng đóng đủ phí theo thời hạn đã gia hạn trong hợp đồng bảo hiểm. Vậy nếu chấm dứt hợp đồng trong trường hợp này thì hậu quả pháp lý sẽ ra sao? (Nguyễn Tín- TPHồ Chí Minh).

–  Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp này được quy định cụ thể tại Điều 24 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000: Doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian gia hạn đóng phí; bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng phí bảo hiểm cho đến hết thời gian gia hạn theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm con người.

Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán thì Bộ Tài chính sẽ can thiệp như thế nào? (Trần Trung , Nghệ An).

–  Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán thì pháp luật có quy định rất rõ về sự can thiệp của Bộ Tài chính tại Điều 80 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000:
  
1. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không khôi phục được khả năng thanh toán theo phương án đã chấp thuận, Bộ Tài chính ra quyết định thành lập ban kiểm soát khả năng thanh toán để áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán của các doanh nghiệp bảo hiểm.
2. Ban kiểm soát khả năng thanh toán có những nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
a) Chỉ đạo và giám sát khả năng thực hiện các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán theo phương án đã được chấp thuận;
b) Thông báo  cho các cơ quan nhà nước có liên quan về việc áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán để phối hợp thực hiện;
c) Hạn chế phạm vi và lĩnh vực hoạt động của doanh  nghiệp bảo hiểm;
d) Đình chỉ hoạt động có thể dẫn đến việc doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán;
đ) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm chuyển giao toàn bộ hợp đồng bảo hiểm của một hoặc một số nghiệp vụ bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm khác.
 e) Tạm đình chỉ quyền quản trị, điều hành và yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm thay thế thành viên hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó tổng giám đốc ( phó giám đốc) nếu thấy cần thiết.
 g) Yêu cầu hội đồng quản trị, Tổng giám đốc(Giám đốc) miễn nhiệm, đình chỉ công tác đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành phương án khôi phục khả năng thanh toán đã được chấp thuận;
h) Kiến nghị với bộ tài chính tiêp tục hoặc chấm dứt các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán;
i) Báo cáo bộ tài chính về  việc áp dụng và kết quả của việc áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán;
3. Ban kiểm soát khả năng thanh toán phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy định của pháp luật trong quá trình áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm.
4. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thực hiện yêu cầu, quyết định của ban kiểm soát khả năng thanh toán.

 Trong những trường hợp nào thì hợp đồng bảo hiểm vô hiệu? Xử lý đối với hợp đồng bảo hiểm vô hiệu ra sao? (Thu Hoài, Nam Định).

– Theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật kinh doanh bải hiểm 2000, Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong các trường hợp sau:
1. Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm;
2. Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm không tồn tại;
3. Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
4. Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;
5. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
                                                                               

                                         DVT
Nguồn:  Báo điện tử Doanh nhân Việt Nam toàn cầu