Nguy cơ bị “cướp“ thị trường xuất khẩu vì thiếu vốn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu (XK) tháng 9 ước đạt 8,3 tỷ USD, giảm 10,2% so với tháng trước và tăng 33,6% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch XK 9 tháng đầu năm ước đạt 70 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ, trong đó khu vực 100% vốn trong nước đạt 31,9 tỷ USD (tăng 33,1%), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 38, tỷ USD (tăng 37,5%).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đánh giá, tốc độ tăng trưởng của các nhóm hàng đều tăng, nhưng cơ cấu sản phẩm XK vẫn dịch chuyển chậm, các mặt hàng XK dưới dạng thô vẫn chiếm tỷ trọng cao. Mặc dù tình hình chung của XK là lạc quan, nhưng khó khăn của DN vẫn tiềm ẩn, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.

XK cao su, điều, cà phê, thủy sản, dệt may đều đạt mức tăng trưởng dương nhưng khó khăn của từng ngành thì vẫn chưa được giải tỏa.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hầu hết các thị trường chủ lực (Hoa Kỳ, Nhật và EU) vẫn đang gặp khó khăn về tài chính, tiền tệ, gây ảnh hưởng trực tiếp cho hàng dệt may của Việt Nam. Hiện nay chỉ có những DN lớn, có thương hiệu, uy tín trên thị trường mới có được đơn hàng XK đến hết năm 2011, nhiều DN nhỏ và vừa đang rơi vào tình cảnh thiếu đơn hàng XK, trong khi họ vẫn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nguồn vốn để duy trì sản xuất.

Ông Phạm Văn Bảy – Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại các DN xuất khẩu gạo đã ký được hợp đồng xuất khẩu với sản lượng 6,9 triệu tấn, dự kiến trong năm nay xuất khẩu gạo cả nước sẽ đạt 7 triệu tấn. Tuy nhiên do ngành lương thực có rất nhiều thành phần tham gia cung ứng, XK nên dễ gây biến động mạnh cho thị trường. Ông Bảy nói, sắp tới hiệp hội này sẽ tiến hành triển khai “giá sàn” XK gạo cho các DN để đảm bảo giá XK tốt nhất cho DN và người dân.

Để hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, Hiệp Hội Chế biến và XK thủy sản kiến nghị cần có chính sách ưu đãi cho việc nhập nguyên liệu thủy sản chế biến hàng XK; giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thủy hải sản (tôm sú, tôm chân trắng, bạch tuộc, tôm biển, mực các loại) về mức 1%, thay vì 18-20% như hiện nay.

Ông Đặng Hoàng Giang – Tổng thư ký Hiệp hội Điều cho biết, các DN ngành điều đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn để mua nguyên liệu sản xuất. Do các khoản vay nợ ngân hàng đến kỳ phải trả nên các DN có qui mô nhỏ phải bán hàng với giá thấp để trả nợ ngân hàng (các DN nhỏ chiếm tới 50% sản lượng xuất khẩu của ngành điều). Điều này vô hình đã dẫn đến việc phá giá thị trường, làm khó cho những DN lớn và kéo theo hệ lụy giá điều trên thị trường nội địa sụt giảm liên tục trong thời gian qua.

Đại diện Hiệp hội Cà phê Việt Nam cho biết, giá thành cà phê hiện khá cao, có thời điểm đạt 50 triệu đồng/tấn, trong khi năng lực tài chính của các DN trong nước còn hạn chế. Do thiếu vốn, các DN trong nước không thể cạnh tranh với các DN nước ngoài. DN nước ngoài được vay vốn với lãi suất thấp (mức lãi suất khi vay USD của các DN ngoại chỉ 5,5%), trong khi các DN Việt Nam lại khó vay vốn, nếu có thì phải vay với lãi suất cao. Đến khi DN Việt Nam tìm được vốn cũng không còn nhiều cà phê để thu mua, bởi các thương nhân nước ngoài đã mua đến 70% sản lượng cà phê trên thị trường.

Tựu trung, các ngành hàng có sản phẩm chiếm tỷ trọng XK cao đều kiến nghị Nhà nước tác động với ngân hàng để gia hạn các khoản nợ vay cũ vào tạo điều kiện để DN tiếp cận thêm nguồn tín dụng mới, để có sức vượt qua giai đoạn “ba đào”.

Mị Na
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam