Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan : Lạm phát chưa đến mức “bi quan, khóc lóc”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

  Bài phát biểu của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại hội thảo “Hướng tới các giải pháp thủ đẩy phát triển kinh tế xã hội sau khủng hoảng tài chính toàn cầu”, diễn ra hôm nay 9/7 rất được các diễn giả chú ý và nhiều phát biểu sau đó đã liên tục đề cập tới các khía cạnh ông Khoan đặt ra.       Lạm phát có thể mang tính toàn cầu   Ông Vũ Khoan nhận định, chắc chắn nền kinh tế toàn cầu không thể phục hồi nhanh và mạnh được do cuộc khủng hoảng lần này “quá rộng và quá sâu”. Dự báo mới đây, kinh tế thế giới 2009 sẽ -2,7%, thay vì -1,9% như dự báo trước đây và như vậy kinh tế thế giới không thể vọt lên theo hình chữ V. Sự phục hồi cũng không diễn ra ở mọi quốc gia, mọi lĩnh vực mà ở nước này, nước khác, lĩnh vực này, lĩnh vực khác.   Theo ông Khoan, có nhiều khả năng xuất hiện lạm phát mang tính toàn cầu. Các quốc gia đều tung ra gói kích thích kinh tế lớn, thâm hụt ngân sách cao, mầm mống lạm phát nảy sinh, từ đó có thể khiến giá cả thế giới biến động, gây bùng nổ lạm phát toàn cầu.   Một vấn đề khác, xu thế bảo hộ mậu dịch tăng lên mạnh mẽ trong khủng hoảng, nhiều nước còn tồn lượng hàng hóa lớn. Sau khủng hoảng, lượng hàng hóa này tung ra sẽ khiến tính cạnh tranh sẽ rất quyết liệt.   Sau khủng hoảng, cơ cấu kinh tế của nhiều quốc gia và cơ cấu kinh tế toàn cầu cũng sẽ có nhiều thay đổi. “Chưa có căn cứ để dự báo như thế nào, nhưng chí ít cuộc khủng hoảng này liên quan đến hai cuộc khủng hoảng khí hậu và năng lượng, nên cơ cấu sẽ nghiêng theo hướng tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường”, ông Khoan phân tích.   Hệ thống giá trị của đồng USD bị thách thức, xuất hiện những tính toán mới và dự trữ ngoại tệ sẽ đa dạng hóa. Vị trí của các nền kinh tế cũng có những thay đổi, trong đó các nền kinh tế mới nổi đang giữ được tình hình không quá tồi tệ, tới đây sẽ có những ảnh hưởng quan trọng.   Vẫn phải ra bằng cửa xuất khẩu   Trong những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, xuất khẩu được ông Vũ Khoan đề cập đến đầu tiên vì theo ông nền kinh tế nước ta quá phụ thuộc vào xuất khẩu.   Nếu như năm 1980, xuất khẩu chỉ chiếm 5% GDP thì năm 2000 đã là gần 50% và năm 2008 lên đến 80%. “Muốn ra khỏi khủng hoảng thì cũng phải ra cửa này”, ông Khoan phân tích.   Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo ông cần thay đổi, nhưng không thể làm nhanh được. Chính vì thế, những lĩnh vực nào hồi phục trước, những thị trường nào hồi phục trước, ta cần tập trung vào đó. Cũng không nên quá kì vọng vào dầu thô do đã có nhà máy lọc dầu Dung Quất nên lượng dầu thô cho xuất khẩu không còn nhiều.   Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (trái) nhận được nhiều chia sẻ, trao đổi trong giờ nghỉ giải lao.     Cũng theo ông Khoan, trong khủng hoảng chúng ta đã rất coi trọng thị trường trong nước và khi kinh tế phục hồi cũng không nên quên nó mà phải ưu tiên lâu dài. “Thị trường của ta lớn, hấp dẫn và nhiều nước đổ vào, không lẽ gì chúng ta bỏ thị trường này”, ông Khoan nhấn mạnh.   Thực tế vừa qua, tổng mức bán lẻ trong nước tăng 20%, trong khi xuất khẩu giảm tới 10% và tương tự như vậy, du lịch nước ngoài giảm 4%, nhưng du lịch trong nước tăng 14%. Đã có rất nhiều biện pháp thúc đẩy xuất khẩu được thực hiện, nhưng biện pháp cho thị trường nội địa lại rất thiếu. Vì thế, phải có kế hoạch tổng thế, bài bản về thị trường nội địa là đề nghị của ông Khoan.   Về tài chính tiền tệ, mức lạm phát hiện tại theo ông Khoan chưa đến mức phải “bi quan, khóc lóc”, nhưng phải chú ý, không thể xem thường do bội chi ngân sách lớn và khi nền kinh tế phục hồi, lượng tiền tung ra tăng lên. Việc giảm bội chi cần có lộ trình, nếu không nền kinh tế chịu gánh nặng lớn và nguy cơ lạm phát luôn rất rõ.   Nguyên Phó Thủ tướng cũng cho rằng, chúng ta nói nhiều đến cơ cấu kinh tế, nhưng lại ít đề cập đến cơ cấu lại doanh nghiệp. Về gói kích thích kinh tế, ông Khoan có “cảm giác” là cào bằng, chưa tạo sức ép cơ cấu lại doanh nghiệp, loại bỏ những doanh nghiệp kém hiệu quả. Nếu chưa làm việc này, coi như đã mất cơ hội!   Ông Khoan cũng đề nghị có lộ trình giảm dần các biện pháp kích thích kinh tế đang thực hiện. Trong khi đó, với an sinh xã hội phải tiếp tục chú ý, bởi chúng ta bị hai “cú đánh” liên tiếp là lạm phát 2008 và suy giảm 2009, trong khi nước ta lại nghèo, số người bị ảnh hưởng lớn.   Bao giờ có thể tăng trưởng cao trở lại?   Bao giờ khôi phục lại GDP cao là câu hỏi ông Khoan đặt ra ở cuối bài phát biểu của mình. Theo ông, sau cuộc khủng hoảng kinh tế lần trước, chúng ta phải mất đến 8 năm để lấy lại mức tăng trưởng. Cụ thể, sau khi năm 1997 đạt mức tăng 8,2% phải đến 2005 mới đạt được mức tăng trưởng 8,4%.   Lần này nội lực của chúng ta hơn, kinh nghiệm cũng nhiều hơn và nền kinh tế vẫn giữ được những mức nhất định trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, nhưng theo ông Khoan: “May ra chúng ta có thể trở lại tăng trưởng cao sớm hơn lần trước, còn cụ thể bao nhiêu năm là tài của các đồng chí”.

Nguồn: Báo Điện tử Dân trí