Nhà đầu tư hỏi Bộ GD&ĐT về yêu cầu 1.000 tỷ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Tại sao trước đây cơ sở đào tạo nước ngoài chỉ cần vốn đầu tư 300 tỷ đồng, mà bây giờ lại là 1000 tỷ đồng. Cơ sở nào đưa ra con số này?”, ông Võ Thanh Bình – Trưởng ban Tổ chức phát triển Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, đặt câu hỏi tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Từ góc nhìn của một luật sư, bà Nguyễn Kim Dung – Giám đốc pháp chế của Apollo Việt Nam và Đại học Anh Quốc cho rằng quy định vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng là hợp lý, nhưng quy định về việc xác định nguồn vốn là chưa hợp lý khi yêu cầu xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư.

“Khi vào Việt Nam, trong giai đoạn xin cấp phép đầu tư và thành lập, nhà đầu tư chỉ có thể chứng minh họ có đủ nguồn vốn minh chứng bằng báo cáo kiểm toán (tài sản sở hữu và vốn chủ sở hữu), cộng với nguồn vốn vay (nếu có) để chứng minh họ có đủ khả năng đầu tư thành lập trường. Vì vậy, việc xác định bằng tiền mặt là chưa hợp lý. Việc xác định bằng tài sản đã chuẩn bị để đầu tư cũng chưa hợp lý trong giai đoạn xin cấp phép đầu tư vì giai đoạn này chỉ là đề án thành lập” – bà Dung diễn giải.

Ở một góc nhìn khác, đại diện của Trường Cao đẳng ASEAN (Hưng Yên) cho rằng con số 1.000 tỷ đưa ra chỉ là “nói đại”. Bởi vì, “Với những trường chỉ dạy ngoại ngữ, kinh tế thì 1.000 tỷ là quá dư, nhưng nếu chế tạo máy bay, đào tạo khoa học kỹ thuật thì mấy nghìn tỷ cũng không đủ. Tôi cho rằng dự thảo Nghị định đưa ra con số không hợp lý, không sát thực tế thì sau đó lại tiếp tục ra nhiều Thông tư hướng dẫn, gây khó cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.

Bà Hồ Thúy Ngọc, Trưởng khoa Đào tạo Quốc tế, Đại học Ngoại thương cho rằng dự thảo nghị định vẫn chưa tiếp cận từ góc độ các đơn vị tự chủ. Đơn vị này là đơn vị tự chủ từ tháng 8/2015, trước đây khi triển khai các trương trình liên kết về đào tạo cử nhân và thạc sĩ phải xin phép Bộ GD&ĐT. “Nhưng sau khi trường tự chủ, trường tiếp tục làm hồ sơ xin giấy phép thì Bộ trả về với lý do là trường tự chủ rồi trường phải tự ban hành giấy phép, dự thảo này chưa làm rõ được vai trò của trường tự chủ trong việc cấp giấy phép và hậu kiểm”, bà Ngọc rồi.

Đặc biệt, một vướng mắc lớn là về chương trình đào tạo bắt buộc. Dự thảo quy định chương trình đào tạo phải có các nội dung bắt buộc, học viên phải hoàn thành trước khi được công nhận đủ điều kiện tham gia chương trình.

“Chúng tôi đề cập đến vấn đề này khi đàm phán với đối tác và vấp phải sự phản đối kịch liệt của họ. Bởi vì đối tác là đơn vị cấp bằng và họ yêu cầu chương trình phải là chương trình của họ, không đồng ý đưa thêm chương trình bắt buộc của Việt Nam vào vì họ coi đây là một sự ‘bóp méo’ chương trình. Bản thân chúng tôi cũng không thể tìm thấy một cơ sở hợp lý để thuyết phục được đối tác trong việc này”, bà Ngọc nói.

Bà phân tích thêm, nếu đưa quy định này vào sẽ là một điểm trừ và rào cản khiến cho học viên và các tổ chức đào tạo ở Việt Nam khó khăn trong tiếp nhận với những chương trình chất lượng nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài.

Một vấn để nữa được đông đảo các đại diện cơ sở đào tạo cũng như các chuyên gia quan tâm đó là việc quy định về trình độ giáo viên đối với từng cấp học.

Theo bà Dương Thị Hoài Sơn, đại diện Trường quốc tế Sakura Montessori, trong phần đòi hỏi trình độ của giáo viên trong trường mầm, các giáo viên ít nhất phải tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non.

“Vậy những cô giáo chỉ tốt nghiệp trung cấp mầm non thì sẽ không có cơ hội làm việc trong lĩnh vực có vốn đầu tư nước ngoài hay sao? Thực tế, đối với trường của tôi, với các cháu bé từ 12- 18 tháng tuổi thiết nghĩ không cần yêu cầu cô giáo phải có trình độ cao mà cần những cô yêu trẻ, và nhiệt tình”, bà Sơn đề nghị.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ bên lề hội thảo, đại diện Đại học quốc tế Trưng Vương, có trụ sở tại Vĩnh Phúc cho biết hiện trường đang triển khai đào tạo cử nhân về hai lĩnh vực kinh tế và điều dưỡng.

Theo quy định tại dự thảo này, đối với cơ sở giáo dục đại học, giảng viên ít nhất phải có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ không ít hơn 50% tổng số giảng viên của cơ sở. Tuy nhiên, hiện tại ở Việt Nam chỉ có Đại học Điều dưỡng Nam Định đào tạo hệ cao học điều dưỡng, nhưng mới triển khai được 1 khóa, mỗi khóa cũng chỉ có từ 15-20 học viên tốt nghiệp. Do đó, Đại học Trưng Vương thực sự sẽ phải đối mặt với việc thiếu giáo viên nếu điều khoản này được thông qua.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), đại diện đơn vị chủ trì và trực tiếp biên soạn dự thảo Nghị định, ban đầu Bộ GD&ĐT chỉ định sửa đổi một số điều khoản của Nghị định 73. Tuy nhiên, trước sự ra đời của hàng loạt văn bản luật mới, cần thiết phải soạn thảo một nghị định mới phù hợp hơn để thay thế.

Ông Nguyễn Xuân Vang, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết với những ý kiến tham luận, kiến nghị được nêu trong hội thảo, ông Vang khẳng định sẽ tiếp tục tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Nghị định trong thời gian sớm nhất. 

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết ông “khá bất ngờ” vì những thay đổi tích cực trong dự thảo.

“Như có ý kiến nói, trước đây kiến nghị tới 50 điểm nhưng nay chỉ còn 6-7 điểm. Ban soạn thảo đã làm việc nghiêm túc, khách quan vì mục đích có thể đưa ra cơ sở pháp lý có tính khả thi, tạo thuận lợi cho việc liên kết đầu tư nước ngoài”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Võ Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng cho rằng dự thảo nghị định đã tham khảo, rút kinh nghiệm từ ý kiến, kiến nghị của các chuyên gia, luật sư, đại diện các cơ sở đào tạo trong những lần trước.

Trước đây, theo quy định tại Nghị định cũ, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động từ hai mươi năm trở lên tại Việt Nam phải có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất của mình, điều này là không sát với thực tế vì có rất nhiều đơn vị chỉ xây dựng cơ sở vật chất để cho thuê, và một bộ phận, ví dụ nhưng các trung tâm ngoại ngữ thì lại chỉ cần thuê cơ sở để đào tạo.

Nay dự thảo nghị định đã quy định linh hoạt hơn: “Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được phép thuê cơ sở vật chất ổn định trong thời gian ít nhất 5 (năm) năm” (Khoàn 5, điều 29).

Về các điều khoản liên quan đến quy trình cho phép thành lập, Nghị định 73 quy định chung với với tất cả các loại hình và cấp đào tạo gây nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, nhất là đối với các cơ sở quy mô nhỏ hoặc hình thức đào tạo ngắn hạn. Điều khoản này cũng đã được điều chỉnh trong dự thảo với những quy định riêng cho từng loại hình, giản lược những hồ sơ thủ tục hành chính không cần thiết. 

Thu Hương

 Nguồn: http://canhtranhquocgia.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Nha-dau-tu-hoi-Bo-GDDT-ve-yeu-cau-1000-ty/303652.vgp