Nhà quản lý "vênh", người tiêu dùng thiệt
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 

Độ vênh nhau từ các thông điệp quản lý nhiều khi tạo sự rối rắm, phát sinh những hệ quả khó lường. Khi cơn bão sữa melamine tạm lắng xuống thì những câu hỏi khác lại nổi lên. Chẳng hạn, chúng ta tuyệt đối không chấp nhận melamine hay chấp nhận nó ở một tỷ lệ nhất định? Và để thuyết phục quan điểm chấp nhận một tỷ lệ melamine nhất định, người ta đã dẫn nguồn ở Mỹ, ở Trung Quốc đã có tiêu chuẩn tỷ lệ cho phép về vấn đề nhạy cảm này.

Cũng có ý kiến bác lại quan điểm trên rằng, Mỹ và Trung Quốc là những quốc gia xuất khẩu những sản phẩm, nguyên liệu sữa lớn họ có quan điểm trên là dựa trên yếu tố lợi ích của họ. Chúng ta là quốc gia nhập khẩu chủ yếu các sản phẩm trên, sự không chấp nhận melamine là cần thiết để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Bản thân Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng có khuyến cáo không chấp nhận melamine, dù ở bất cứ tỷ lệ nào. Quan điểm tuyệt đối không melamine được đại diện Bộ Y tế ủng hộ mạnh mẽ và nhất quán. Ngược lại, quan điểm từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) lại có độ vênh khi chấp nhận một tỷ lệ nhất định là 2,5mg melamine có trong 1kg  thức ăn chăn nuôi.

Trước đó, Cục Chăn nuôi – Bộ NN&PTNT từng yêu cầu các doanh nghiệp không nhập khẩu thức ăn chăn nuôi nhiễm melamine. Nhưng bằng quyết định cho phép thức ăn chăn nuôi có một tỷ lệ nhất định chất melamine thể hiện trong Quyết định 3762/QĐ-BNN-CN của Bộ NN&PTNT cho thấy sự thay đổi đáng chú ý trong các nhà quản lý đối với vấn đề melamine.

 Không rõ độ vênh trong vấn đề quản lý đối với chất melamine sẽ gây hệ lụy đến đâu nhưng một kết quả kiểm tra được công bố mới vào ngày 4/12/2008 từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản – Bộ NN&PTNT đã cho thấy, thức ăn cho thuỷ sản do Xí nghiệp Cataco (Công ty Nông súc sản xuất nhập khẩu Cần Thơ) sản xuất có melamine. Nguyên nhân do xí nghiệp này đã sử dụng nguồn nguyên liệu bột cá nhập khẩu không đạt chuẩn chất lượng dẫn đến nhiễm melamine.

Trong quá khứ, đã có không ít hợp đồng xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp trục trặc do những e ngại về chất phoóc-môn phát hiện trong bánh phở vì qua truyền thông đối tác liên tưởng đến chuyện không an toàn của gạo Việt Nam. Liệu sự “thoả hiệp” với chất melamine dư với tỷ lệ rất nhỏ trong thức ăn chăn nuôi của Bộ NN&PTNT có gây những hệ lụy không thể lường trước đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam như hạt gạo Việt Nam đã từng gặp phải vì vấn đề phoóc-môn trong bánh phở?

Mới đây, đã xảy ra những tranh cãi về sự đúng luật hay không đúng luật trong việc huy động vốn tại một số dự án xây nhà cao tầng. Bản chất của vấn đề “góp vốn” trên là đóng tiền đặt cọc để nhận quyền mua căn hộ. Nhưng sự đóng băng của thị trường bất động sản đã làm những khổ chủ “góp vốn” gánh chịu thiệt thòi, tổn thất vì số tiền đặt cọc đã không thể gọi đúng tên.

Sự rắc rối, vòng vo hoặc những đúng sai không được rõ ràng của những tranh cãi, khiếu nại trên xuất phát từ độ vênh quá lớn trong vấn đề quản lý. Ở lĩnh vực bất động sản, nhà ở, độ vênh này lại là sự trái ngược nhau của các điều luật.

Nếu theo hướng dẫn của Nghị định 153 về Luật Kinh doanh bất động sản quy định: Chủ đầu tư được mua bán nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo hình thức ứng tiền trước, tức là nộp tiền theo tiến độ và việc huy động được tiến hành từ khi bắt đầu triển khai cơ sở hạ tầng. Thông tư 04 hướng dẫn Nghị định 02 về quy chế khu đô thị mới cũng khẳng định, chủ đầu tư sau khi giải phóng mặt bằng và bắt đầu triển khai dự án được phép huy động vốn. Nhưng theo Luật Nhà ở lại quy định, việc huy động vốn chỉ được hoàn thành khi đã hoàn thành xong phần móng.

Sự vênh nhau giữa Luật Kinh doanh bất động sản với Luật Nhà ở trong vấn đề về thời điểm được phép huy động vốn đã làm nảy sinh vô số rắc rối lẫn thiệt hại. Sự vênh nhau đó khiến người có nhu cầu mua căn hộ có thể sa vào tình thế bị chiếm dụng vốn hoặc những chủ đầu tư có thể qua mặt các cơ quan quản lý để thực hiện những dự án theo kiểu “tay không bắt giặc”.

Cùng một vấn đề quản lý nhưng lại quá vênh nhau trong cách hiểu giữa các điều luật hoặc những diễn giải hướng dẫn không sát với tinh thần của luật vô hình trung đã vô hiệu hóa sự tuân thủ luật pháp.

Nguyễn Đông Phong
Nguồn: Báo Công an nhân dân điện tử