Nhận diện bức tranh kinh tế 2012
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Báo cáo sơ bộ của các cơ quan chức năng cho thấy, có khoảng 14/22 chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2011 nhiều khả năng sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra, 2 mục tiêu xấp xỉ đạt và chỉ có 6 chỉ tiêu là không đạt.

Tuy nhiên, phần lớn chỉ tiêu không đạt kế hoạch lại là những chỉ tiêu kinh tế quan trọng nhất, như tăng trưởng GDP, lạm phát. Nếu đúng như dự đoán, thì tăng trưởng GDP năm nay chỉ khoảng 5,8-6%, thấp hơn đáng kể so với chỉ tiêu đề ra ban đầu là 7-7,5%. Trong khi đó, lạm phát lại vượt quá xa ngưỡng kiềm chế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP cũng thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch.

Với các chỉ tiêu vượt kế hoạch, mừng nhất là xuất khẩu, có thể tăng trưởng tới 31,6%, chứ không chỉ là 10% như dự báo. Nhập siêu cũng tương tự: chỉ ở mức 10%, không lên tới 18% như chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua hồi cuối năm 2010.

Trong phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp tục có những đánh giá tích cực về nền kinh tế Việt Nam năm 2011. Điều này là chính xác, nếu nhìn vào các chỉ số sản xuất công nghiệp (11 tháng tăng 6,9% so với cùng kỳ), kim ngạch xuất nhập khẩu hay cán cân thương mại, dự trữ ngoại hối… Tuy nhiên lạm phát vẫn đang ở mức cao và diễn biến khó lường, khi các động lực cho tăng trưởng trong năm tới không còn mạnh như kỳ vọng.

Cắt giảm đầu tư công là cơ hội để nâng cao chất lượng hiệu quả, tái cơ cấu đầu tư, nhưng với một nước mà tốc độ tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư như Việt Nam, thì đầu tư giảm cũng đồng nghĩa với kiềm chế tăng trưởng GDP. Vì vậy, nếu không có các biện pháp hữu hiệu để khơi thông nguồn vốn ĐTNN và vốn tư nhân trong nước khó có thể nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP của năm 2012 và các năm tiếp.

Mục tiêu đề ra cho năm tới là tăng trưởng GDP ở mức 6 – 6,5%. Đây là mục tiêu không cao vì phải ưu tiên kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực trạng các doanh nghiệp, khu vực đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng thì có thể thấy việc thực hiện mục tiêu này hoàn toàn không dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp đang vật lộn với khó khăn, với lạm phát và lãi suất, cũng như chi phí đầu vào tăng quá cao. Dấu hiệu suy giảm sản xuất nằm ở ngay các con số thống kê về chỉ số sản xuất công nghiệp và nằm ở cả nỗi lo về “mặt trái” của thành tích giảm nhập siêu năm 2011. Một nước phụ thuộc lớn vào nguyên nhiên liệu nhập khẩu, mà nhập khẩu tăng chậm, thì có thể thấy sản xuất đang diễn ra như thế nào?

Phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội vừa rồi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao quyết tâm, sự nhất quán trong quan điểm ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; ưu tiên thúc đẩy sản xuất – kinh doanh… và đặc biệt là quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế trong năm tới. Điều quan trọng là cần sớm có giải pháp cụ thể và quyết liệt để thực hiện các quan điểm và mục tiêu đó. Bức tranh nền kinh tế Việt Nam năm 2012 sẽ phụ thuộc nhiều vào hành động từ Chính phủ, từ các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và cả toàn xã hội.

Theo báo Đầu tư