Nhanh và chậm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo thông tư mới, hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu dùng làm nguyên liệu gia công, chế biến xuất khẩu, bên xuất (từ các nước khác) không cần phải có chứng nhận chấp thuận của các cơ quan chức năng Việt Nam mới được nhập vào. Như vậy, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được tự do nhập khẩu nguyên liệu để chế biến và tái xuất, với điều kiện là các lô hàng đáp ứng các yêu cầu kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch tại cửa khẩu.

Doanh nghiệp than trời

Trước đó, ngày 2-2-2010, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 06/2010/TT-BNNPTNT về quy định trình tự thủ tục kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản. Tiếp đó, ngày 8-4-2010, bộ này ban hành tiếp Thông tư số 25, hướng dẫn việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu.

Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, nhập khẩu nguyên liệu bổ sung từ các nước cho chế biến xuất khẩu đã trở nên khá phổ biến trong những năm gần đây, do nguyên liệu trong nước thường xuyên biến động về lượng và giá.

Với Thông tư số 06, doanh nghiệp phải bỏ công sức đi đăng ký kiểm dịch theo kế hoạch nhập khẩu, khai báo kiểm dịch, mời cơ quan thú y kiểm tra, lấy mẫu chuyển sang Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản… trước khi làm thủ tục thông quan, làm mất rất nhiều thời gian và chi phí.

Trong khi đó, nguyên liệu thủy sản nhập khẩu luôn được bảo quản dưới -18 độ C, nên không có khả năng truyền dịch, lại sẽ được tái xuất ngay sau đó, nên việc áp dụng thông tư trên chỉ thêm… phiền phức.

Còn Thông tư số 25, dù đã được dời thời hạn hiệu lực thêm hai tháng, tức đến 1-9, nhưng nhiều doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) liên tục phản ứng.

Cụ thể, hồi cuối tháng 8, ông Nguyễn Quang Tuyến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần CAFICO Việt Nam (Khánh Hòa), đã gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị không áp dụng Thông tư 25 cho nguyên liệu thủy sản nhập khẩu.

Theo ông Tuyến, nếu áp dụng Thông tư số 25, tức doanh nghiệp ở các nước muốn xuất nguyên liệu sang Việt Nam phải được Chính phủ của nước họ đăng ký trong danh sách và được phía Việt Nam chấp thuận. Chỉ có điều, phía Việt Nam thường mua số lượng không nhiều, nên doanh nghiệp các nước không mặn mà với việc đăng ký theo yêu cầu phía Việt Nam. Còn một số doanh nghiệp đăng ký, thì được Chính phủ nước họ trả lời rằng họ không áp dụng quy định tương ứng đối với Việt Nam nên họ cũng sẽ không thực hiện quy định của Việt Nam.

Tóm lại, cả hai thông tư trên chỉ khiến việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam bị ách tắc, ảnh hưởng sản xuất và khả năng cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu phải… “chết đứng”.

May mà sau một thời gian kiến nghị quyết liệt, Bộ NN&PTNT đã ban hành thông tư tháo gỡ!

Khó hiểu?

Chuyện đã qua, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn còn ấm ức vì những quy định khó hiểu của Bộ NN&PTNT, và dĩ nhiên, không ai muốn những quy định kiểu ấy xuất hiện trở lại trong thời gian tới. Nhất là khi Bộ NN&PTNT vừa được đánh giá về chỉ số xây dựng pháp luật khá cao, đứng đầu các bộ với 6,51 điểm, theo “Báo cáo đánh giá chất lượng hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật của các bộ liên quan đến doanh nghiệp”, do VCCI mới công bố.

Theo giám đốc một doanh nghiệp thủy sản ở ĐBSCL, việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm là việc nên làm trong giai đoạn hội nhập. Tuy nhiên, chuyện phải đăng ký theo Thông tư số 25, thực ra là chuyện giữa cơ quan chức năng các nước, họ nên ngồi lại phối hợp với nhau giải quyết và đòi hỏi phải có lộ trình. “Đằng này, mọi chuyện áp dụng quá nhanh, lại trút lên đầu doanh nghiệp, bắt chúng tôi phải giải quyết!”, ông này nói.

Và thực tế đã chứng minh, do không phối hợp nên chính cơ quan chức năng một số nước cũng không đồng tình với quy định từ phía Việt Nam. Hậu quả chỉ có doanh nghiệp Việt Nam gánh khi không nhập được nguyên liệu, ảnh hưởng tiến độ giao hàng, công nhân mất việc… trong hơn mười ngày qua.

Và theo một số doanh nghiệp, giả sử áp dụng theo Thông tư 25, các quốc gia nhập khẩu nguyên liệu thủy sản chỉ cần gửi danh sách các nhà máy, cơ sở đăng ký cho phía Việt Nam là xong. Còn việc đi kiểm tra thực địa tại các nhà máy ấy có lẽ là chuyện xa vời, do thiếu kinh phí.

Như vậy, liệu có đảm bảo nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm như Bộ NN&PTNT mong muốn, hay chỉ làm cho có? Mặt khác, phần lớn nguyên liệu ấy sẽ được tái xuất, nên yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước hoặc nhằm hạn chế nhập siêu, có lẽ là chuyện quá thừa!

“Đại diện Bộ NN&PTNT cũng có bàn bạc với VASEP trước khi ban hành hai thông tư trên, và chúng tôi cũng đã nói rõ những khó khăn gặp phải. Tuy nhiên, một phía ở cương vị quản lý, còn một phía đứng về quyền lợi doanh nghiệp nên khó thống nhất và hai thông tư trên vẫn được ban hành”, ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP, nói.

Lần này, đó là phản ứng quá… nhanh của bộ chủ quản, còn chậm? Còn nhớ, cách đây không lâu, khi Liên hiệp châu Âu ra quy định về chống đánh bắt cá bất hợp pháp (có hiệu lực từ ngày 1-1-2010), phải mãi đến ngày 4-12-2009, Bộ NN&PTNT mới ban hành Quy chế 3477 về chứng nhận thủy sản khai thác. Động thái này được đánh giá là siêu chậm, bởi chỉ trong chưa đầy một tháng, làm sao ngư dân có thể được hướng dẫn để cập nhật thành thục sổ nhật ký, báo cáo khai thác, ngư cụ, sản phẩm khai thác… để bán nguyên liệu cho doanh nghiệp?

Tất nhiên, hậu quả cũng chỉ có các doanh nghiệp xuất khẩu hứng chịu. Hiểu rõ quy định này và nhằm bảo vệ “nồi cơm” của mình, bảo vệ thị phần xuất khẩu, trước đó các doanh nghiệp, VASEP đã liên tục thúc giục, đề nghị Bộ NN&PTNT ban hành quy chế trên nhằm đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của Liên hiệp châu Âu, nhưng kết quả có được quá muộn!

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online