Nhập siêu thấp vẫn chưa vội mừng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhập siêu thấp nhất trong nhiều năm qua

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhập siêu tháng 6-2012 ước tính đạt 150 triệu USD, bằng 1,5% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nhập siêu 6 tháng đầu năm 2012 ước tính 685 triệu USD, bằng 1,3% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Trong khi đó nhập siêu cùng kỳ năm trước là 6,7 tỷ USD, bằng 15,7% kim ngạch xuất khẩu.

Tổng cục Thống kê cho rằng: Đây là mức nhập siêu thấp nhất trong nhiều năm qua và là hệ quả của nền sản xuất vốn chủ yếu sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu nhưng do gặp nhiều khó khăn nên nhu cầu đầu vào cho sản xuất giảm.

6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 53,1 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 20,5 tỷ USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 32,6 tỷ USD, chiếm 61,5% tổng kim ngạch (cùng kỳ năm 2011 chiếm 54,7%) và tăng 37,3%.

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thương mại (Tổng cục Thống kê) đánh giá: Tỉ lệ nhập siêu ở mức 1,3% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu là con số rất thấp trong vòng 10 năm nay. Đây là tín hiệu đáng mừng tuy nhiên vẫn còn những băn khoăn.

Bà Thủy phân tích: Sản xuất trong nước phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu nguyên phụ liệu, tiêu dùng trong nước cũng liên quan đến việc nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào. Vì vậy nhập siêu 6 tháng đầu năm giảm cũng phản ánh sức sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước hạn chế.

Do đó thời gian tới Nhà nước cần có những giải pháp hữu hiệu và đồng bộ nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng lượng hàng xuất khẩu. Từ đó kích thích thị trường tiêu thụ hàng nhập khẩu ở trong nước trong sự kiểm soát để có mức nhập siêu hợp lý.

Ngoài ra, vị lãnh đạo Vụ Thương mại cũng tỏ ra băn khoăn trước tình hình nhập siêu từ thị trường Trung Quốc. 6 tháng đầu năm nhập siêu của cả nước chưa đến 700 triệu USD nhưng Trung Quốc vẫn được coi là thị trường nhập khẩu số 1 của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 13,2 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2011.

“Chúng ta chưa đạt được mục tiêu dần giảm việc nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa máy móc thiết bị từ thị trường Trung Quốc để có thể đảm bảo được những công nghệ nguồn từ châu Mỹ, châu Âu tiếp cận được cho đầu tư trong nước” – bà Thủy nói.

Cho nên, theo bà Vụ trưởng Vụ Thương mại, thời gian tới Nhà nước cần đưa ra chính sách hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc cũng như giảm dần tỉ lệ nhập khẩu những mặt hàng thuộc nhóm thiết bị máy móc ở thị trường này. Qua đó, tạo điều kiện nhập khẩu nhiều hơn những công nghệ hiện đại từ các nước tiên tiến phục vụ cho hoạt động sản xuất trong nước.

Xuất khẩu của khu vực FDI tiếp tục giữ “phong độ”

Trong 6 tháng đầu năm 2012, tăng trưởng xuất khẩu của nước ta đạt 22,2% so với cùng kì năm trước, trong đó doanh nghiệp xuất khẩu FDI vẫn tiếp tục thể hiện rõ ưu thế vượt trội trong hoạt động xuất khẩu.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, bà Lê Thị Minh Thủy cho rằng: Dễ dàng nhận ra tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm phần lớn đến từ khu vực doanh nghiệp FDI. Khu vực FDI luôn xuất siêu còn khu vực trong nước thường xuyên nhập siêu.

Điều này có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Về chủ quan, việc sản xuất của khu vực trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Về khách quan, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước không có những thuận lợi như những doanh nghiệp FDI.

Bà Lê Thị Minh Thủy phân tích: Đối với hoạt động xuất khẩu thì đơn hàng đến từ nước ngoài có vai trò rất quan trọng. Điều này doanh nghiệp FDI có lợi thế hơn. Mạng lưới tiêu thụ ở nước ngoài cùng sự hỗ trợ của các công ty mẹ về đầu ra và hệ thống phân phối tiêu thụ sản phẩm tốt hơn đã giúp các doanh nghiệp FDI đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan. Ngoài ra, quản trị của doanh nghiệp FDI cùng hiệu quả sản xuất cao hơn đã tạo ra lợi thế cạnh tranh về mặt giá cả cũng như thị trường làm cho doanh nghiệp FDI đóng góp rất nhiều vào tăng trưởng xuất khẩu chung.

Lương Bằng
Nguồn: Báo Hải quan Online