Nhiều DN nhỏ sẽ bị tổn thương từ TPP
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại Hội thảo “Quốc hội với việc đàm phán, ký kết các FTA” do Ủy ban đối ngoại của Quốc hội cùng Cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USAID) tổ chức mới đây ở TP.HCM, trong nhiều vấn đề được nêu ra liên quan đến các FTA mới, mà tiêu biểu là TPP, các đại biểu cũng thảo luận về các giải pháp hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương.

Ông Trần Hữu Huỳnh- Chủ tịch Ủy ban tư vấn chính sách thương mại quốc tế- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho rằng, bên cạnh những tác động tích cực, các hiệp định FTA Việt Nam đã và sẽ ký kết cũng có tác động tiêu cực đến một số đối tượng trong nước.

Ông Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương:

Trước những khó khăn do mức độ cam kết sâu của các FTA thế hệ mới như TPP, vai trò của Chính phủ trong việc hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương trong giai đoạn đầu là cần thiết, nhưng phải cẩn trọng với các quy định liên quan. Đàm phán cần có tiếng nói của doanh nghiệp, cộng đồng người dân chứ không đơn thuần là kênh của các tập đoàn đa quốc gia.

Cụ thể, sẽ xuất hiện những nhóm bị tổn thương nhiều hơn so với các nhóm khác. Chẳng hạn như, nông sản sẽ bị cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Việt Nam nếu chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng cũng sẽ bị “sốc” và hiện nhiều doanh nghiệp SME đang điều chỉnh để tồn tại nhiều hơn là tận dụng cơ hội.

Thực tế đã cho thấy những bài học từ các FTA mà Việt Nam tham gia với nhiều quốc gia đã xuất hiện các rào cản kỹ thuật trong thương mại và các biện pháp kiểm dịch động thực vật như việc Trung Quốc tiến hành kiểm dịch ở biên giới, hay các biện pháp phòng vệ thương mại ở một số nước ASEAN với mặt hàng thép của Việt Nam gần đây.

“Với mức độ cam kết sâu rộng và bao trùm hầu hết các lĩnh vực, TPP sẽ đặt các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với nguy cơ gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại, trong đó có chống bán phá giá tại các thị trường quan trọng nhất của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Ôxtrâylia. Các hàng rào kỹ thuật trong thương mại và các yêu cầu kiểm dịch từ các thị trường này sẽ tăng lên chứ không giảm đi do rào cản thuế không còn”, ông Trần Hữu Huỳnh chia sẻ.

Ở khía cạnh khác, việc mở rộng phạm vi và thời hạn bảo hộ sáng chế (sở hữu trí tuệ) đang được bàn đến trong TPP nếu được thông qua và thực thi, có thể khiến cho giá thuốc đắt lên, như thuốc cho những người bị nhiễm HIV,…

Rõ ràng Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng vì các FTA mới sẽ có những tiêu chuẩn cao vượt quá sức chịu đựng của các nhóm dễ bị tổn thương (nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, SMEs) và các đối tượng xã hội nhạy cảm (người lao động, người bệnh…).

Ông Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương – khẳng định, TPP sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho Việt Nam và nói “không có hội nhập, chắc chắn Việt Nam không phát triển”.

Ông Thành chia sẻ, nhiều người đặt câu hỏi rằng “Liệu TPP có quá mạnh, quá lớn không?. Tôi không có câu trả lời bởi lẽ điều này phụ thuộc vào cách thức Việt Nam hợp tác với Mỹ trong TPP, cũng như cách hỗ trợ cho nhóm người bị tổn thương trong giai đoạn đầu hiệp định có hiệu lực”.

Chắc chắn trong giai đoạn đầu người chăn nuôi sẽ là đối tượng bị tổn thương, ví dụ như thuế nhập khẩu bò Úc nếu xuống 0%, thì người chăn nuôi bò Việt Nam sẽ không cạnh tranh nổi. Chính phủ có thể hỗ trợ những doanh nghiệp SME bằng cách đào tạo, tư vấn – đây là những hỗ trợ không bị cấm theo các cam kết trong FTA. Về các rào cản thương mại, đây là biện pháp cần thiết và phải sử dụng đúng thời điểm, nhưng Việt Nam đừng lạm dụng như một công cụ bảo hộ.

Hùng Cường
Nguồn: Báo điện tử Công thương