Nhiều doanh nghiệp ‘chết tức tưởi’ sau Nghị định 19
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngày 22/3, Bộ Công Thương  đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Nghị định kinh doanh khí.

Ông Hà Thanh Tùng là Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại và Dịch vụ Đồng Tùng (Hà Giang). Đại diện cho nhiều doanh nghiệp nhỏ cùng hoạt động trong lĩnh lực kinh doanh khí, ông Tùng đã thẳng thắn chỉ trích tác động của Nghị định 19 hiện tại.

“Hôm nay tôi đến cùng với nhiều doanh nghiệp nhỏ khác. Trước khi Nghị định 19 ban hành, có 43 người cùng ngồi với tôi. Giờ chỉ gần 30. Nếu chờ thêm 1 năm nữa chắc còn lại vài người” – ông Tùng nói. Ông Tùng cho biết, nhiều doanh nghiệp đã phá sản sau khi Nghị định 19 được ban hành.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng, Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho hay đúng là Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí đang tồn tại nhiều bất cập; nhiều quy định bộc lộ rõ sự bất hợp lý.

Cụ thể, quy định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải có kho tổng dung tích các bồn chứa tối thiểu 3.000m3 gas, có số lượng chai gas với với tổng dung tích chứa tối thiểu hơn 3,93 triệu lít; thương nhân phân phối khí có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300m3, có số lượng chai với tổng dung tích chứa tối thiểu 2,62 triệu lít… là quá lớn.

“Các điều kiện kinh doanh trên dẫn đến việc loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mới vào thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp đã có quá trình đầu tư, hoạt động có hiệu quả. Các doanh nghiệp này muốn tiếp tục kinh doanh thì phải đáp ứng được các điều kiện trên tức là bình quân mỗi doanh nghiệp sẽ buộc phải đầu tư thêm hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng để đầu tư vào hệ thống bồn chứa, bình gas chỉ với mục đích để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mà không cần thiết để sử dụng vào sản xuất, kinh doanh”, Bộ Công Thương cho biết.

Chính vì lẽ đó, dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 19/2016 có những điểm mới như bãi bỏ các điều kiện thương nhân đầu mối gồm thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu và thương nhân phân phối phải sở hữu các bồn chứa khí và sở hữu chai chứa LPG.

Đồng thời, bãi bỏ quy định về điều kiện thương nhân kinh doanh khí phải sở hữu cầu cảng, sở hữu trạm nạp và sở hữu trạm cấp khí; quy định thương nhân kinh doanh khí phải thiết lập hệ thống phân phối.

Bên cạnh đó, bổ sung các quy định về an toàn trong hoạt động kinh doanh khí; các quy định liên quan tới an toàn đối với cơ sở tồn chứa khí, đối với trạm nạp và trạm cấp khí; an toàn trong vận chuyển giao nhận khí; an toàn đối với cửa hàng bán lẻ LPG chai và an toàn đối với cơ sở sản xuất, sửa chữa chai LPG.

Muốn giảm giá cũng không được

Ông Trần Trọng Hữu,Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết do thói quen làm việc “ngồi bàn giấy” nên Nghị định 19 có những quy định không đúng với thực tiễn. Chẳng hạn quy định phải có kho chứa khí CNG (khí nén thiên nhiên được khai thác từ các mỏ khí tự nhiên), nhưng loại khí này hoàn toàn không cần kho chứa. Chỉ khí hóa lỏng LPG (gas) mới cần kho chứa.

Ông Nguyễn Văn Giám, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần vật tư, thiết bị dầu khí Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp gas đang gặp rắc rối với thủ tục đăng ký giá bán.

Cụ thể, mỗi tháng doanh nghiệp phải đăng ký giá bán 1 lần với cơ quan chức năng nhưng giá gas cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước có thể thay đổi từng ngày. Việc áp giá cố định trong 1 khoảng thời gian làm giảm cạnh tranh.

“Mặt khác, chi phí kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, với mỗi khách hàng là khác nhau. Người bán bình gas cho ông hàng xóm chi phí phải thấp hơn người bán gas cho khách cách 5-7km.

Quản lý nên để doanh nghiệp cạnh tranh. Hiện tại giá bán sau mỗi lần đăng ký điều chỉnh chỉ được dao động trong phạm vi 3%, nhiều khi doanh nghiệp muốn giảm giá sâu hơn cũng không được vì cơ quan quản lý cho rằng bán giá thấp để lách thuế, mà khoản 8 Điều 57 của dự thảo vẫn đề cập đến việc thương nhân đầu mối tuân thủ giá bán, chắc chắn vấn đề giá gas vẫn như cũ”- đại diện doanh nghiệp bày tỏ ý kiến.

Bổ sung ý kiến đóng góp, ông Hữu cho rằng quy định về tập huấn và đảm bảo 100% nhân viên kinh doanh khí gas phải có chứng nhận đã qua đào tạo về an toàn phòng chống cháy nổ cũng có điểm chưa phù hợp.

Ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại và Dịch vụ Đồng Tùng (Hà Giang) cho rằng, nên sửa đổi quy định này theo hướng chỉ những bộ phận trực tiếp, nhân viên làm trực tiếp hay lãnh đạo quản lý phải đảm bảo có chứng nhận; đồng thời cần nêu rõ việc đơn vị có thể tự tổ chức việc tập huấn cho cán bộ, nhân viên hay không để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Quan điểm bãi bỏ nhiều quy định về điều kiện kinh doanh khí đã được đông đảo doanh nghiệp ủng hộ, nhất là các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp quy mô lớn, đã có sự đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trạm chiết nạp gas, bồn chứa… lại không đồng tình.

Ông Nguyễn Minh Châu, Tổng giám đốc, Công ty cổ phần dầu khí EPIC (Nghệ An) cho rằng, bãi bỏ quy định về điều kiện thương nhân kinh doanh khí phải sở hữu cầu cảng, sở hữu trạm nạp và sở hữu trạm cấp khí có thể khó khắc phục tình trạng “loạn” thị thường; nhất là khi ở nhiều nơi, nhiều chỗ vẫn diễn ra việc chiết, nạp “chui” dẫn tới khó đảm bảo quy chuẩn an toàn trong phòng chống, cháy nổ; hay giá gas sẽ mỗi nơi, mỗi kiểu.

Thanh Hằng
Nguồn: http://canhtranhquocgia.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Nhieu-doanh-nghiep-chet-tuc-tuoi-sau-Nghi-dinh-19/301333.vgp