Nhiều khoản phí đè nặng lên doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tình trạng bị các chủ tàu nước ngoài thu phí THC (phí xếp dỡ cao) và nhiều khoản phí vô lý như: phí tắc nghẽn cảng, phí cân đối container do chênh lệch giữa hàng hóa nhập khẩu về và hàng xuất khẩu đi các nước khác đã được các doanh nghiệp Việt Nam phản ánh nhiều lần với các cơ quan chức năng. Theo Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Tăng Văn Hấn, những khoản thu này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Bởi lẽ, phí của các hãng tàu rất cao, đặc biệt là khoản thu phí chênh lệch giữa hàng nhập về và hàng xuất đi. Hàng nhập về nhiều, hàng xuất đi ít, hãng tàu phải kéo container rỗng, doanh nghiệp xuất khẩu phải nộp thêm phí… Mà sự cạnh tranh hiện nay chủ yếu về giá, nên rất khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo các chủ tàu nước ngoài, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có sự chênh lệch lớn, hàng hóa nhập khẩu cao hơn xuất khẩu nên thường xuất hiện tình trạng rỗng container chiều đi và vào lúc cao điểm hàng nhập nhiều, hàng xuất ít, do đó phải thu thêm phí để bù đắp chi phí chở container rỗng ra khỏi Việt Nam. Các khoản phí này thường được các chủ tàu thu theo hình thức mùa vụ, tại các thời điểm cảng bị quá tải, hàng hóa tồn ứ nhiều. Lý do khác khiến chủ tàu thu phí tắc nghẽn cảng là do hạ tầng giao thông và cảng biển của Việt Nam còn nhiều bất cập. Nhìn nhận về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, sự yếu kém của đội tàu Việt Nam đã dẫn đến thói quen của doanh nghiệp Việt Nam là mua CIF, bán FOB, tự đặt mình vào sự lệ thuộc các hãng tàu, đội tàu nước ngoài. Và từ sự lệ thuộc này, chủ tàu nước ngoài quay lại áp đặt điều kiện đối với các doanh nghiệp trong nước. Đây là yếu tố cơ bản, hình thành trong nhiều năm qua. Đồng thời, hệ thống pháp lý chưa thực sự phát huy hiệu quả, nên điều kiện để thực hiện các biện pháp chế tài đối với doanh nghiệp nước ngoài là việc rất khó.

Theo điều tra mới đây của tổ liên ngành do Bộ Giao thông – Vận tải chủ trì tại các cảng biển ở Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh, có trên 10 loại phí đã bị các chủ tàu nước ngoài lạm thu. Theo Bộ Giao thông – Vận tải, hiện Việt Nam có 36 tàu container, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu vận chuyển của doanh nghiệp trong nước; còn lại, các doanh nghiệp phải thuê các đội tàu nước ngoài. Chính vì vậy, các hãng tàu đã lạm thu thêm các khoản phí như dịch vụ container, cân đối container, tắc nghẽn cảng, sửa chữa vỏ container và phí làm lạnh, phí thủ tục, hóa đơn, kho bãi, cầu đường… dẫn đến chi phí của doanh nghiệp trong nước bị đội lên khá cao. Bên cạnh đó, phí dịch vụ container THC (phí trả cho bến bãi đối với hàng nguyên container) vốn do cảng thu, nhưng hiện nay các chủ tàu thu trực tiếp từ chủ hàng và nộp cho cảng. Điều vô lý ở chỗ, cảng thu với mức chỉ 20 USD/container 20 feet, còn chủ tàu đã thu tới 60 – 70 USD/container 20 feet. Container 40 feet đáng lẽ chỉ chịu phí 35 USD cũng bị thu đội lên 100 – 120 USD. Chênh lệch giữa lượng hàng nhập lớn hơn nhiều so với hàng xuất (năm 2010, lượng hàng xuất là 24 triệu tấn, hàng nhập lên tới 32 triệu tấn) đã phát sinh phí mất cân đối container khá lớn. Ngoài ra, giá bốc xếp tại cảng Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực khoảng 40 USD/container 20feet, trong khi các cảng trong khu vực thu gần gấp đôi như Shanghai 76 USD, Jakarta 83 USD/container 20 feet. Nhưng các chủ tàu nước ngoài thu phí bốc xếp của chủ hàng Việt Nam lên tới 75 USD/container 20 feet và 115 USD/container 40 feet. Tỷ lệ này gây ảnh hưởng rất lớn đến việc đầu tư kinh doanh khai thác cảng và các lợi ích của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tạo điều kiện cho các hãng tàu nước ngoài thu lợi nhuận rất cao từ các dịch vụ bốc xếp.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông – Vận tải sẽ giao cho Hiệp hội chủ hàng Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì hiệp thương, đàm phán về giá với các chủ tàu để tiến tới một thị trường giá cước và các loại phí minh bạch hơn. Về dài hạn, Bộ đã kiến nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích phát triển đội tàu trong nước, nâng cấp cơ sở hạ tầng để tránh việc đối tác nước ngoài vin vào cớ này bắt chẹt doanh nghiệp trong nước.

Anh Tú
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân