Nhân công rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Số lượng doanh nghiệp dệt may, gia dày tại nước ta đã tăng cao trong những năm qua. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp thuộc các ngành này đang chịu sức ép cạnh tranh lớn khi kinh tế thế giới bất ổn kéo dài, sức mua hàng hóa giảm mạnh. Đặc biệt là giá cả đầu vào hàng dệt may, da giày ngày một tăng cao, làm cho giá bán của doanh nghiệp nước ta kém cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực. Trong đó, giá nhân công tại nước ta hiện cao hơn so với nhiều quốc gia lân cận. Điều này làm nảy sinh lo lắng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ chuyển sản xuất từ Việt Nam sang những nước khác có giá nhân công rẻ hơn?

Theo số liệu của Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam (Lefaso), mức lương bình quân của lao động ở nước ta khoảng 100 – 150 USD/tháng. Mức lương này chỉ đứng sau lương lao động tại Trung Quốc là từ 120 – 180 USD/tháng. Trong khi đó, mức lương của ẤËn Độ 100 – 120 USD/tháng, Indonesia 70 – 100 USD/tháng, Bangladesh 50 – 70 USD/tháng. So sánh mức chênh lệch trên, giá sản xuất tại nước ta kém cạnh tranh so với nhiều nước khác. Hơn nữa, sức ép tăng lương với doanh nghiệp tại nước ta vẫn còn. Bởi theo tính toán thì lao động tại khu vực nông thôn có thể sống được với mức lương khoảng 3 triệu đồng/ tháng. Lao động tại các thành phố cần mức lương từ 4 đến 5 triệu đồng/ tháng mới có thể bảo đảm các nhu cầu sống tối thiểu. Nếu so sánh với mức 60 USD/tháng của Myanmar – là quốc gia đang được dự báo sẽ là điểm nóng về thu hút đầu tư nước ngoài khi mở cửa kinh tế, thì rõ ràng lo ngại của doanh nghiệp hoàn toàn có lý.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa xuất khẩu dệt may và gia dày của nước ta mất lợi thế. Bởi so sánh với các quốc gia lân cận thì thấy Việt Nam còn một số lợi thế nhất định. Trước hết là các quốc gia cung cấp nguyên liệu cho hai ngành công nghiệp này như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc đều nằm gần nước ta hơn so với  Bangladesh, Indonesia – là những quốc gia phát triển dệt may, da giày. Như vậy, nước ta có lợi thế về thời gian tiếp nhận, chi phí vận chuyển nguyên vật liệu hơn. Đây cũng là yếu tố tạo lợi thế về giá so với các quốc gia này. Ngoài ra, khách hàng nước ngoài cũng đánh giá cao tay nghề của lao động nước ta.

Đại diện Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết, doanh nghiệp trong nước đang dần làm chủ được công nghệ sản xuất, nguồn nguyên liệu tại chỗ. Trong khi đó, các nhà đầu tư phải xem xét nhiều yếu tố tạo nên giá thành sản phẩm. Mà giá thành nhân công chưa quyết định đến giá sản phẩm bằng những chi phí khác như giá nguyên liệu sản xuất, tay nghề và năng suất lao động… Với cách tính này thì việc di chuyển sản xuất từ nước ta sang một quốc gia lân cận sẽ không khả thi bằng. Hơn nữa, so với ngành dệt may, nguồn nguyên liệu trong nước sản xuất cung ứng cho da giày tốt hơn. Hiện nay, thặng dư xuất khẩu da giày khoảng 50% – 60%. Nội địa hóa nguyên liệu sản xuất giày vải đạt hơn 50%, có nhiều doanh nghiệp sử dụng đến 90%; giày thể thao sử dụng 60% nguyên liệu nội địa.

Nhưng trở ngại lớn nhất trong thu hút đầu tư, nhà nhập khẩu với hai ngành này là năng suất lao động chưa cao. Vì thế, theo Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Phạm Xuân Hồng, doanh nghiệp cần đổi mới quản trị để nâng cao năng suất, chất lượng, từ đó thu hút khách hàng. Yêu cầu này càng quan trọng trong giai đoạn hiện nay vì khủng hoảng kinh tế thế giới khiến người tiêu dùng chú ý đến giá sản phẩm nhiều hơn. Trong khi đó, các yếu tố đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp trong nước như điện, xăng dầu, giá nguyên vật liệu, chi phí vận tải… đều tăng cao. Vì thế, doanh nghiệp cần lấy năng suất lao động để bù đắp những chi phí tăng này, qua đó thu hút nhà nhập khẩu. Thực hiện yêu cầu này không chỉ giúp doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh, mà còn giúp bảo đảm chất lượng sống cho người lao động.

Từ sức ép về giá nhân công của hai ngành sử dụng nhiều lao động nhất này có thể thấy không được phép chần chừ trong đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề nói riêng, cũng như chất lượng giáo dục – đào tạo nói chung. Việc làm này không chỉ tạo ra những công nhân có kỹ năng lao động cao, ý thức kỷ luật tốt, mà xa hơn sẽ tạo nên lợi thế về nguồn nhân lực, tăng sức cạnh tranh cho nước ta.

Mạnh Quang
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân