Nhìn lại vai trò ưu đãi thuế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thất thu thuế ngày càng gia tăng

Tại Hội thảo chia sẻ báo cáo Công bằng thuế nhìn từ hoạt động của các tập đoàn, ngân hàng đa quốc gia, tổ chức ngày 18/5, các chuyên gia của Oxfam đặc biệt lưu ý: Việt Nam cùng với nhiều quốc gia đang bị cuốn vào cuộc đua xuống đáy về thuế để thu hút đầu tư. Hệ quả là một nguồn lực rất lớn không được bổ sung vào ngân sách nhà nước, khiến bội chi ngân sách ngày càng gia tăng, trong khi chi tiêu cho các hoạt động an sinh xã hội vẫn tiếp tục thiếu hụt. Còn các tập đoàn đa quốc gia thì có điều kiện để tránh thuế.

Dẫn báo cáo nghiên cứu về hành vi tránh thuế, bà Babeth Ngoc Han Lefur, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, trên phạm vi toàn thế giới, hệ thống thuế hiện tại đang cho phép các công ty tránh đóng hàng tỷ USD tiền thuế trong khuôn khổ pháp luật. 20 ngân hàng lớn nhất châu Âu đăng ký 26% tổng lợi nhuận của họ (khoảng 25 tỷ euro) tại các thiên đường thuế.

Oxfam cũng ước tính rằng, với mỗi 1 USD mà 50 công ty lớn nhất nước Mỹ (bao gồm những thương hiệu toàn cầu như Pfizer, Goldman Sachs, GE, Chevron, Walmart và Apple) dùng để vận động về vấn đề thuế từ năm 2009 – 2015, họ giảm mức đóng thuế xuống 1.200 USD. Bằng cách này, hiện mức thuế suất mà các công ty này phải đóng là 25,9%, thấp hơn gần 10% so với mức thuế quy định trong luật. Ngoài việc vận động để giảm thuế suất, các công ty trên đã chuyển 1.600 tỷ USD đến các thiên đường thuế, tăng 200 tỷ USD so với năm ngoái.

Ông Francis Weygiz, Cố vấn cao cấp về thuế của Oxfam bổ sung, song song với sự chủ động trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia, nhiều nước đang phát triển đang “tiếp tay” cho hoạt động này thông qua thực hiện các ưu đãi thuế có hại, thậm chí giảm mức thu nhập doanh nghiệp (TNDN) xuống còn 0%, và có nhiều ưu đãi ở các chính sách thuế khác.

Trong một vài thập kỷ vừa qua, số liệu cho thấy số tiền nộp thuế của các công ty lớn đang giảm dần, do các quốc gia đang cạnh tranh trong cuộc đua xuống đáy về thuế TNDN. Thuế suất thuế TNDN trên toàn cầu đã giảm từ mức trung bình 27,5% vào 10 năm trước, xuống còn 23,6% hiện nay. Quá trình này đang có dấu hiệu tăng tốc. “Ưu đãi thuế đóng vai trò tích cực trong thu hút đầu tư hoặc giúp một quốc gia định hình nền kinh tế của mình. Tuy nhiên, ưu đãi thuế thường xuyên được cho là không hiệu quả và tốn kém”, ông Francis Weygiz lưu ý.

Xem xét lại “cuộc đua xuống đáy”

Nhận xét về các chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam, bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp Chương trình Quản trị của Oxfam cho biết, Việt Nam áp dụng nhiều hình thức ưu đãi thuế lớn và dàn trải tạo ra lỗ hổng tránh thuế. Trong khi thuế thấp không phải là yếu tố quan trọng tác động đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư.

Các ưu đãi mà Oxfam thống kê ra rất đa dạng, gồm miễn thuế, ưu đãi thuế suất thuế TNDN, ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế, chuyển lỗ và khấu hao tài sản cố định; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân làm việc trong các khu kinh tế; miễn thuế nhập khẩu cho máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải để tạo tài sản cố định, nguyên liệu thiết bị để gia công xuất khẩu, miễn 5 năm cho nguyên liệu/thiết bị cho dự án tại địa bàn đặc biệt khuyến khích đầu tư; miễn thuế giá trị gia tăng đối với 25 loại hàng hóa/dịch vụ, ưu đãi 5% một số hàng hóa/dịch vụ thiết yếu… Bên cạnh đó, ưu đãi thuế dàn trải theo lĩnh vực, địa bàn với 30 lĩnh vực khuyến khích đầu tư, 27 lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư; hơn 300 khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo tính toán của Oxfam, ưu đãi thuế đặc biệt cao đối với các dự án đầu tư có quy mô lớn. Chẳng hạn, 1 DN đầu tư mới tại khu kinh tế được hưởng thuế TNDN ưu đãi 10% (thay vì 20%) trong 15 năm, miễn 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Như vậy mức thuế TNDN chỉ còn là 8,57%.

Bà Hương cho biết, thuế TNDN của Việt Nam hiện thấp hơn mức bình quân trong khu vực, đồng thời ưu đãi thuế ở Việt Nam cao hơn Thái Lan, Malaysia hay Indonesia. Năm 2014, Indonesia ưu đãi Samsung 10 năm miễn giảm thuế, thì Việt Nam ưu đãi tới 15 năm. Nhiều nước như Jamaica, Ai Cập, Trung Quốc đã bãi bỏ ưu đãi thuế, chỉ áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với DN công nghệ cao.

Đồng tình rằng ở Việt Nam đã có những cuộc đua xuống đáy về thuế, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu thực tế, đầu những năm 2000 nhiều địa phương đã chạy đua ưu đãi thuế mạnh mẽ, thậm chí phá rào để thu hút đầu tư. Các địa phương này ra sức chào mức thuế ưu đãi rẻ nhất, đầu tư hạ tầng nhiều nhất, tuyển dụng lao động tốt nhất… Đằng sau đó suy cho cùng chính là sử dụng vốn ngân sách để bằng mọi cách thu hút đầu tư.

Cuộc đua này chính là con đường dẫn đến thất thu thuế bằng nhiều cách. TS.Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách phân tích, Việt Nam có khuynh hướng thích các tập đoàn lớn với các khoản đầu tư “ra tấm ra món”, hy vọng họ vào lan toả và tạo ra chuỗi sản xuất. Tuy nhiên những ông lớn này cũng có nguy cơ chuyển giá cao, và đây chính là con đường khác dẫn đến thất thu thuế. Ông Thành dẫn chứng từ thực tế là nhiều DN kêu lợi nhuận không cao nhưng vẫn tuyên bố mở rộng sản xuất. Rủi ro khác ở đây là nhà nước cung cấp hạ tầng, môi trường, địa vị pháp lý… cho NĐT bằng nguồn lực thật, nhưng không nhận lại tương xứng.

Chốt lại, các chuyên gia khuyến nghị ưu đãi thuế chính là khoản mất đi của ngân sách nhà nước hàng năm, tuy nhiên việc áp dụng ưu đãi để thu hút đầu tư lại chưa mang lại nguồn lực tương xứng. Do đó, cần tính lại bài toán được – mất trong ưu đãi chính sách nhằm thu hút đầu tư, thay vì tiếp tục cuộc đua xuống đáy như hiện nay.

Ngọc Khanh
Nguồn: http://thoibaonganhang.vn/nhin-lai-vai-tro-uu-dai-thue-63018.html