Những điểm nhấn 2010 và dự báo kinh tế 2011
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Với quyết tâm chính trị cao và những chỉ đạo linh hoạt, sát sao của Chính phủ nhằm tạo động lực đầu tư cho tăng trưởng kinh tế, cũng như trong công tác cứu trợ, bảo đảm an sinh xã hội, với sự chủ động vượt khó của các doanh nghiệp và cả cộng đồng, trong năm qua nền kinh tế nước ta tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, duy trì được đà tăng trưởng kinh tế khá cao (gần 7%), kinh tế vĩ mô về cơ bản là ổn định và có nhiều chuyển biến tích cực.

Thêm những sản phẩm “tỷ đô”

Theo Tổng cục Thống kê, so với năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 14%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng khoảng 15%. Mức nhập siêu vào khoảng 12 tỷ USD, thấp hơn dự báo 13,5 tỷ USD và có cải thiện nhiều so với 18 tỷ USD năm 2008 và 13 tỷ USD năm 2009. Tuy bị hạ thấp hệ số tín nhiệm tín dụng chính phủ từ mức BB xuống còn BB-, nhưng năm 2010 Việt Nam có sự gia tăng đáng kể chất lượng môi trường đầu tư theo bảng xếp hạng của Báo cáo môi trường kinh doanh quốc tế.

Về tổng thể, các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Thu ngân sách đạt cao so với cùng kỳ năm trước; đầu tư phát triển được đẩy mạnh; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; các lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm và có sự phát triển tốt. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam, tiêu biểu như ngành dệt, may đã rất năng động tìm kiếm thị trường và các hợp đồng xuất khẩu mới. Đây là nguyên nhân giúp Việt Nam có thêm 3 sản phẩm xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD trong năm 2010.

Năm 2010 Chính phủ đã tiếp tục chỉ đạo gia tăng đầu tư, coi trọng cả thị trường trong nước và nước ngoài và đặc biệt quan tâm công tác thu hút các nguồn đầu tư ngoài NSNN. Đồng thời, Chính phủ cũng đã quan tâm lắng nghe Quốc hội, doanh nghiệp, bước đầu có sự tự điều chỉnh cách thức điều hành theo tinh thần thượng tôn pháp luật và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư.

Chưa có cơ quan tư vấn xứng tầm!

Tuy nhiên, năm 2010 Việt Nam vẫn còn tồn tại những nghịch lý về kinh tế vĩ mô cần được xem xét và xử lý, nổi bật là: lạm phát cao (mức cả năm 2010 so với năm trước là 9,19%, còn nếu mức tháng 12/2010 so cùng kỳ năm trước là 11,75%) trong một thế giới lạm phát thấp hoặc giảm phát; lãi suất tiết kiệm và cho vay cao hàng đầu thế giới, trong khi ở các trung tâm kinh tế thế giới lãi suất rất thấp; giá VND cao trong điều kiện tỷ giá dường như cố định và xu hướng tô đậm thêm những mất cân đối đáng chú ý (cán cân thanh toán thâm hụt trong 6 tháng đầu năm 2010 là 2,84 tỷ USD, cán cân vãng lai thâm hụt 3,87 tỷ USD, dự báo thâm hụt thương mại cả năm 2010 sẽ là 12 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ giảm). Nếu những mất cân đối này kéo dài và chậm được khắc phục, chắc chắn sẽ dẫn đến những rủi ro về kinh tế vĩ mô. Một vòng xoáy đã xuất hiện: VND cao giá dẫn tới thâm hụt thương mại, dẫn tới giảm sút dự trữ ngoại tệ, buộc phải điều chỉnh tỷ giá; nhưng tỷ giá không được điều chỉnh thích hợp thì vòng xoáy lại tiếp tục theo hướng tiêu cực hơn. Do không có một chính sách chủ động về tỷ giá nên sẽ phải bị động đối phó, rủi ro sẽ tích tụ.

Điều hành kinh tế vĩ mô trong điều kiện một nền kinh tế đang phát triển đang chuyển đổi, trong điều kiện quốc tế đầy biến động hẳn là không dễ dàng. Cần có sự nghiên cứu khoa học nghiêm túc, phân tích, đánh giá khách quan, cập nhật mọi diễn biến… để từ đó đưa ra các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô phù hợp. Đáng tiếc là các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước chưa có những cơ quan tư vấn xứng tầm giúp nhà nước điều hành kinh tế vĩ mô có hiệu quả. Do vậy không tránh khỏi tình trạng điều hành theo kiểu “giật cục”, “thay đổi bất ngờ”, “thiếu nhất quán” như một số tờ báo nước ngoài đã nhận xét.

Những tồn tại trên ít nhiều cũng cho thấy cần có sự điều chỉnh mạnh mẽ hơn trong công tác điều hành của Chính phủ, cũng như đặt ra yêu cầu trước hết phải xây dựng những nền tảng cơ bản cho sự điều chỉnh kinh tế của Nhà nước. Những nền tảng này là một hệ thống doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, minh bạch không có sự phân  biệt đối xử, được cạnh tranh bình đẳng; một thể chế kinh tế và hành chính hướng tới hiện đại, có hiệu lực cao; một hệ thống tài chính tiền tệ hướng tới hiện đại, minh bạch, hiệu quả; một hệ thống an sinh xã hội đủ sức đảm bảo sự ổn định xã hội; mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Những dự báo kinh tế Việt Nam 2011

Năm 2011 sẽ là một năm hứa hẹn nhiều thành công, nhưng cũng có không ít thách thức mà nền kinh tế nước ta sẽ đối diện và phải vượt qua.  Tại báo cáo trình lên Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dựng lên một kịch bản khá sáng sủa cho tăng trưởng năm 2011. Dự kiến, các ngành kinh tế trọng điểm đều tăng mức đóng góp vào tăng trưởng chung; tỷ giá VND/USD ở mức 20.000 đồng/USD. Tổng thu ngân sách nhà nước năm tăng 16,7% so với ước thực hiện năm 2010 và bằng khoảng 26,7% GDP; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 5,5% GDP.

Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ tình hình hiện nay thì hệ quả có thể nhìn thấy là doanh nghiệp và người dân (người có thu nhập cao) sẽ phải đối mặt với khả năng phải nộp ngân sách nhiều hơn; mức tăng đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước là 9,5%; với doanh nghiệp ngoài nhà nước và dân cư là 37,9%, tương đương 344 nghìn tỷ đồng. Vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước tăng gần 18,2% so với ước thực hiện năm 2010. Như vậy, tăng trưởng của nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào tăng vốn; tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu 2011 sẽ chỉ quanh mức 10%. Nhập siêu khoảng 14,5 tỷ USD, bằng 19,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tức sẽ cao hơn so với ước thực hiện năm 2010. Cán cân vãng lai năm 2011 có khả năng thâm hụt khoảng 10,9 tỷ USD do cán cân thương mại thâm hụt khoảng 9,51 tỷ USD, dịch vụ thâm hụt 1,75 tỷ USD, thu nhập đầu tư thâm hụt 5,12 tỷ USD và chuyển tiền thặng dư 5,5 tỷ USD. Số thâm hụt này được bù đắp bởi thặng dư trong cán cân vốn 11,8 tỷ USD.

Đáng lưu ý, nhu cầu về điện năm 2011 dự báo tăng khoảng 14-15%, tương đương điện thương phẩm đạt khoảng 97 tỷ KWh, điện sản xuất và nhập khẩu khoảng 110,5 tỷ KWh. Công suất dự kiến tăng thêm năm 2011 vào khoảng 4.585 MW; đồng nghĩa với việc phương án tính toán cân đối điện năm 2011 có thể bị phá vỡ khi chỉ một dự án nguồn điện chậm tiến độ, hoặc thời tiết không thuận lợi…

Cần nhấn mạnh rằng, trong năm 2011 và cả thời gian trước mắt, Việt Nam vẫn tiếp tục đối diện với nhiều bài toán kép. Nền kinh tế tiếp tục phải giải bài toán tăng trưởng thiếu bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, hiệu quả đầu tư thấp… Đặc biệt giá cả nhiều mặt hàng sẽ tăng nhanh do sự khởi đầu chuỗi điều chỉnh giá một loạt mặt hàng và sản phẩm đầu vào quan trọng của nền kinh tế, theo lộ trình thực hiện giá cả thị trường mà Chính phủ đã định, như giá điện, than, xi măng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là những người có thu nhập thấp, ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Nợ công tiếp tục ở mức cao và đi liền với sự gia tăng sức ép tín dụng quá hạn do cho vay lãi suất cao trong năm 2010.

Để khắc phục những khó khăn, khai thác các tiềm năng và đạt được một số chỉ tiêu chính năm 2011mà Quốc hội đã thông qua, Việt Nam cần tập trung làm tốt những nhiệm vụ sau:

Một là, tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường; rà soát các cơ chế, chính sách có liên quan để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng trọng yếu, chống liên kết độc quyền nâng giá và đầu cơ trái pháp luật; huy động mọi tiềm năng và tận dụng tối đa cơ hội nhằm thúc đẩy xuất khẩu tăng mạnh.

Hai là, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế; phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến và nông nghiệp công nghệ cao. Tiếp tục chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, đi đôi với tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích đầu tư vào những ngành, những lĩnh vực có lợi thế so sánh, có tiềm năng phát triển; khuyến khích đầu tư vào những ngành, sản phẩm áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, có hàm lượng công nghệ cao, đi đôi phát triển các ngành tạo nhiều việc làm. Tăng cường đầu tư để phát triển các vùng kinh tế trọng điểm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời chú trọng đầu tư để phát triển các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn khác, nhằm nâng cao đời sống và giảm bớt chênh lệch phát triển giữa các vùng miền. Tăng cường đầu tư chiều sâu và hiện đại hóa các cơ sở đào tạo-giáo dục và nghiên cứu khoa học, công nghệ. Ưu tiên đầu tư cho công tác giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng cơ sở vật chất khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và các lĩnh vực văn hóa, xã hội khác. Tăng cường đầu tư vào lĩnh vực môi trường, phòng chống ô nhiễm không khí, nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm sự phát triển bền vững.

Tuy bị hạ thấp hệ số tín nhiệm tín dụng chính phủ từ mức BB xuống còn BB-, nhưng năm 2010 Việt Nam có sự gia tăng đáng kể chất lượng môi trường đầu tư

Hoàn thiện các cơ chế chính sách để huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Thu hút tối đa các nguồn vốn đầu tư tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài,… để chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất theo hướng hiệu quả, phát huy lợi thế từng ngành, từng vùng, từng sản phẩm; tăng cường trang thiết bị có công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa từng phần các ngành sản xuất công nghiệp, trong đó ưu tiên đầu tư các ngành và sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Đặc biệt, cần  ưu tiên tập trung tái cơ cấu ngành điện theo hướng xã hội hóa mạnh hơn và mang tính thị trường thực sự hơn để huy động mọi nguồn đầu tư xã hội cho ngành điện.

Bên cạnh tiếp tục thúc đẩy ký kết và giải ngân vốn ODA, tạo môi trường và khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài, cần bổ sung, mở rộng, hoàn thiện các cơ chế thu hút vốn đầu tư thông qua các hình thức BOT, BT, BO và hợp tác giữa nhà nước và tư nhân (PPP) để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ một cách chặt chẽ, chủ động và linh hoạt; điều hành chính sách tài khóa theo hướng cắt giảm chi tiêu hợp lý, giảm dần mức bội chi ngân sách; tiếp tục hoàn thiện hệ thống thuế và thực hiện kiểm soát toàn bộ các luồng tiền tệ trong nền kinh tế

Ba là, giải quyết dứt điểm các vấn đề xã hội bức xúc bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh và phúc lợi xã hội, hoàn thiện cơ chế chính sách và phát triển hệ thống trợ giúp xã hội linh hoạt nhằm mở rộng sự tham gia của cộng đồng vào việc cung cấp ngày càng nhiều hơn với chất lượng tốt hơn các dịch vụ công cộng; đẩy mạnh việc chủ động phòng chống và ứng phó kịp thời, có hiệu quả thiên tai nhằm hạn chế thiệt hại về người và của, nhất là những vùng thường xuyên xảy ra bão lũ. Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng tới việc xây dựng chuẩn hóa nền giáo dục; phát triển khoa học, công nghệ, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc ứng dụng và phát triển công nghệ cao; thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường; sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tiếp tục giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về môi trường…

Đáng tiếc là các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước chưa có những cơ quan tư vấn xứng tầm giúp nhà nước điều hành kinh tế vĩ mô có hiệu quả

Bốn là, coi trọng đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý vốn, tài sản của nhà nước. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, trước hết tập trung vào những ngành mất cân đối như năng lượng; lĩnh vực đang có dấu hiệu cung vượt cầu như sắt thép, xi măng… Bảo đảm cân đối giữa kế hoạch đầu tư và vốn đầu tư, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài quy hoạch; tiếp tục cải cách chế độ công vụ, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa DNNN. Đặc biệt, tập trung củng cố, tăng cường năng lực và sự phát triển bền vững của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên cơ sở tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh chính, thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính, thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc, tách biệt chức năng quản lý hành chính nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan nhà nước…

Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp