Những rào cản thương mại mới
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bởi từ 1/1/2010 là ngày bắt đầu có hiệu lực thi hành của hàng loạt những quy định mới mà một số đạo luật tại các thị trường XK chính của Việt Nam đã ban hành như: Luật IIIegal Unreported Unregulated fishing – IUU về truy xuất nguồn gốc thủy hải sản xuất khẩu vào EU; đạo luật Bảo vệ môi trường cho người tiêu dùng Mỹ; Đạo luật cải tiến an toàn sản phẩm tiêu dùng – CPSIA của Mỹ; Những tiêu chuẩn REACH (quy định sản xuất không sử dụng hóa chất độc hại của EU); Luật Lacey sửa đổi của Mỹ về quy định liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu sản xuất đồ gỗ; Quy định về chứng nhận phân tích an toàn vệ sinh thực phẩm cho hàng hoa quả của Inđônêxia; những quy định mới cho hàng dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm của luật FDCA (Mỹ); Hiệp định FLEGT của EU về thẩm quyền cấp phép sau khi kiểm tra tính hợp pháp của lô hàng thông qua các bằng chứng gốc…!

Thực chất đây là những rào cản kỹ thuật, là những hành vi bảo hộ thương mại mà các nước NK này dựng lên một cách tinh vi, nhằm hạn chế nguồn hàng XK của các nước khác vào thị trường nước họ, nhằm bảo hộ sản xuất và tiêu dùng nội địa. Do khủng hoảng kinh tế, rào cản thương mại đang được dựng lên ở khắp nơi trên thế giới và ngày thêm dày đặc. Theo Báo cáo của WTO công bố mới đây, các quốc gia trên thế giới đang liên tục áp đặt các rào cản thương mại, bất chấp những cam kết tại Hội nghị G20 cũng như các diễn đàn chống bảo hộ thương mại. WTO tổng kết trong những tháng giữa năm 2009 đã có 83 biện pháp thắt chặt thương mại được áp dụng tại 24 quốc gia và con số này gấp hơn hai lần số lượng các biện pháp tự do hóa thương mại mà EU áp dụng trong cùng kỳ năm trước. Từ thực tế này WTO đã đưa ra cảnh báo về sự gia tăng các cuộc điều tra chống bán phá giá mới. Trong số những mặt hàng được bảo hộ bằng rào cản có nhiều mặt hàng là thế mạnh XK của Việt Nam như hàng dệt may, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ…

Trước những rào cản này các nhà xuất khẩu Việt Nam đã đối mặt như thế nào? Mặc dù đã được thông tin trước và để có lộ trình khá dài chuẩn bị ứng phó với các rào cản này, nhưng thời gian qua việc triển khai thích ứng với quy định mới này của các DN xem ra vẫn chưa mấy tích cực. Tuy biết trước khoảng hai năm và đến những tháng cuối năm 2009 thông tin về thời hạn thực thi IUU được thông báo ráo riết hơn, nhưng sự chuẩn bị vẫn chưa nhất quán, sẵn sàng. Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết tại hầu hết các DN chế biến, xuất khẩu thủy hải sản đều thu mua nguyên liệu qua các chủ vực, thương lái tại các cảng cá chứ không trực tiếp thu mua của ngư dân.

Những chủ vựa này cũng không mua từ một tàu mà từ hàng chục, thậm chí hàng trăm tàu thuyền, mà đa phần các chủ tàu lại không thực hiện nghiêm việc lấy chứng nhận khai thác, truy nguyên nguồn gốc một cách rõ ràng. Một số tàu hoạt động ngoài khơi còn bán hải sản ngay trên biển cho các tàu dịch vụ chứ không cần về bến. Mặc khác do nghề cá nước ta quy mô nhỏ, khó quản lý giám sát, Nhà nước chưa có quy định nghiêm ngặt về mùa vụ, ngư trường đánh bắt theo mùa. Do vậy, việc bắt buộc DN ghi rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm đánh bắt được theo quy định của EU cũng gặp khó khăn!

Đối với hàng dệt may, không chỉ riêng thị trường Mỹ đưa ra những rào cản kỹ thuật mà hầu hết các nước có NK hàng Việt Nam cũng đều có những rào cản riêng, khiến hàng dệt may Việt Nam phải đối đầu với nhiều thách thức. Chẳng hạn Nhật Bản thị trường NK nhiều hàng dệt may Việt Nam chỉ đứng sau Mỹ và EU đưa ra rào cản kỹ thuật là việc yêu cầu các sản phẩm phải có chứng chỉ sạch và thân thiện môi trường. Mỹ thị trường NK hàng dệt may Việt Nam lớn nhất chiếm 57% cũng đã đưa ra đạo luật về bảo vệ môi trường cho người tiêu dùng để nhằm vào hàng dệt may.

Theo đạo luật này các lô hàng XK vào Mỹ phải có giấy kiểm nghiệm của bên thứ ba xác nhận sản phẩm sử dụng nguyên liệu đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng. Nhà sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ thiệt hại nào gây ra cho người tiêu dùng. Theo rào cản kỹ thuật này, Việt Nam phải có phòng thí nghiệm hiện đại đủ tiêu chuẩn để được phía Mỹ công nhận và cấp giấy chứng nhận. Với mặt hàng đồ gỗ cũng vậy cả Mỹ và EU đều có những quy định nhà sản xuất, XK về việc không được sử dụng hóa chất độc hại theo tiêu chuẩn REACH. Theo đó DN sản xuất XK đồ gỗ phải đăng ký cam kết hóa chất trong nguyên liệu sử dụng là gỗ, vecni, sơn keo… có độc hại hay không, tỷ lệ nồng độ các loại hóa chất này được phép là bao nhiêu để đối tác đăng ký với cơ quan quản lý nước sở tại nhằm dễ kiểm soát. Thời khắc “nước đến chân”, dù muốn hay không thì bắt buộc các DN vẫn phải “nhảy”.

Thực tế các rào cản thương mại do các nước dựng lên đều hết sức ngặt nghèo với mục đích hạn chế NK và áp dụng cho các nước XK. Bộ Công Thương cho rằng, vấn đề của chúng ta là cần phải nhanh chóng tổ chức lại sản xuất và kinh doanh theo yêu cầu của nước NK. Để chủ động, điều đầu tiên là DN cần phải nắm thật chắc các quy định và phải tuân thủ nghiêm ngặt. Thực tế hiện nay các DN chỉ biết và thực hiện các quy định mới khi đối tác yêu cầu mà không có một đầu mối quản lý một cách hệ thống và cập nhật các yêu cầu mang tính quy chuẩn tại thị trường NK. Vẫn biết để thực hiện được những quy định mới này từ các nước NK, ban đầu các DN nước ta phải tăng thêm chi phí và về lâu dài phải tốn thêm tiền đầu tư vào hạ tầng nhà xưởng… Nếu không đáp ứng được những yêu cầu này thì hàng xuất sang có thể bị trả về hoặc bị phạt rất nặng. Như vậy, nguy cơ bị mất đơn hàng, hoặc có thêm những vụ kiện mới là rất lớn, khi đó thiệt hại sẽ là không nhỏ!

Hiền Thư
Nguồn: Báo điện tử Công thương