Những tín hiệu khả quan từ quý I/2011
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Những chuyển biến khả quan

Rõ nhất là thị trường vàng và thị trường ngoại tệ đã ổn định trở lại.

Giá vàng đã giảm từ đỉnh điểm 38,5 triệu đồng/lượng, cao hơn nhiều giá vàng trên thị trường thế giới, xuống mức 36,6 triệu đồng/lượng (ngày 29/3), trong khi giá vàng trên thị trường thế giới đã có lúc vượt qua đỉnh điểm trước đây (1.435 USD/ounce).

Việc ổn định thị trường vàng trong nước có tác động trên nhiều mặt. Một mặt, ổn định tâm lý, củng cố lòng tin vào đồng tiền quốc gia, góp phần vào việc kiềm chế lạm phát- mục tiêu số một hiện nay. Mặt khác, góp phần kiềm chế nhập siêu, khi nhà nước không phải tốn ngoại tệ để nhập khẩu vàng nhằm ổn định thị trường vàng trong nước mỗi lần “dậy sóng” như trước đây.

Mặt khác nữa đó còn là tín hiệu khả quan để có thể thu hút một phần lượng vàng miếng còn tồn đọng lớn trong dân.

Sự ổn định của thị trường vàng do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ chủ trương kiên quyết xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do

Thị trường ngoại tệ đã có sự chuyển biến quan trọng. Thị trường tự do bị thu hẹp sau việc phối hợp kiểm tra, thanh tra, xử lý của các ngành chức năng ở Trung ương và địa phương; chênh lệch tỷ giá VND/USD đã giảm từ mức đỉnh điểm (lên đến trên dưới 10% hay trên dưới 2.000 VND/USD so với tỷ giá niêm yết ở các ngân hàng thương mại) xuống còn khoảng 2%, hay 400- 500 VND/USD.

Tình trạng găm giữ ngoại tệ bắt đầu có xu hướng giảm, khi doanh nghiệp và người dân đã bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại.

Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo cho các ngân hàng thương mại bán ngoại tệ đáp ứng các nhu cầu chính đáng (chữa bệnh, du học, du lịch,…).

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, sáng 26/3 bên hành lang kỳ họp Quốc hội đã cho biết, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam đã có xu hướng chuyển biến từ thâm hụt 8,8 tỷ USD trong năm 2009 xuống còn trên 3 tỷ USD trong năm 2010. Sang năm 2011, với nhiều biện pháp quyết liệt nhằm kiềm chế lạm phát, hạn chế đầu tư công, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ, thặng dư cán cân thanh toán có thể đạt trên 2 tỷ USD.

Một kết quả tích cực khác là xuất khẩu quý I đạt được một số vượt trội. Quy mô xuất khẩu đạt 19, 245 tỷ USD, trong đó, tháng 1 và tháng 3 vượt qua mốc 7 tỷ USD.

Tốc độ tăng so với cùng kỳ năm 2010 là 33,7%, cao gấp 3,3 lần tốc độ tăng theo mục tiêu đề ra cho cả năm, cũng là chỉ tiêu Quốc hội thông qua (10%).

Nhiều mặt hàng chủ lực đạt quy mô khá và tăng với tốc độ cao (dệt may đạt 2,795 tỷ USD, tăng 27,9%; dầu thô đạt 1,557 tỷ USD, tăng 15,7%, giày dép đạt 1,295 tỷ USD, tăng 29,7%; thủy sản đạt 1,142 tỷ USD, tăng 30,5%… so với cùng kỳ 2010)…

Do tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước của kim ngạch nhập khẩu thấp hơn của kim ngạch xuất khẩu (23,8% so với 33,7%), nên nhập siêu đã giảm so với cùng kỳ năm trước cả về quy mô tuyệt đối (3,029 tỷ USD so với 3,598 tỷ USD), cả về tỷ lệ nhập siêu (15,7% so với 25%).

Giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng 2 chữ số (14,1%) trong điều kiện gặp khó khăn lớn cả về đầu vào, cả về đầu ra.

Tăng trưởng đạt được ở cả 3 khu vực: khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 5,5%. Đặc biệt công nghiệp nhà nước địa phương thường giảm trong mấy năm qua nay đã tăng 4,3%; khu vực ngoài nhà nước tiếp tục tăng cao nhất đạt 16,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,3%.

Một số sản phẩm chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có dầu thô, than đá, giày dép, xi măng, thép tròn, điện sản xuất, khí hóa lỏng, thủy hải sản chế biến, sữa bột, đường kính, vải, quần áo, phân hóa học, sơn hóa học, máy giặt, xe chở khách,….

Như vậy công nghiệp tiếp tục giữ vai trò động lực của tăng trưởng kinh tế.

Vốn đầu tư phát triển tăng 14,7% so với cùng kỳ và bằng 38,8% GDP. Tỷ lệ này tuy giảm so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn mục tiêu đề ra cho cả năm, nhưng đây là tín hiệu tích cực trong điều kiện kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên số một của  năm nay và cũng là xu hướng của việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong thời gian tới. Trong điều kiện vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tăng thấp (tính bằng VND 3,8%), nguồn vốn đầu tư trong nước đã tăng với tốc độ cao hơn (khu vực nhà nước tăng 15,2%, trong đó từ ngân sách nhà nước tăng 19,6%; khu vực ngoài nhà nước tăng 28,3%).

Tiêu thụ trong nước tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá (nếu loại trừ tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân thì tăng 8,7%), cao gấp 1,6 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Xét về mặt tích cực, tốc độ tăng cao này đã góp phần vào việc ngăn chặn suy giảm kinh tế; tuy nhiên, nếu xét trong điều kiện kiềm chế lạm phát, phải “thắt lưng buộc bụng”, thì đó là tốc độ tăng khá cao.

Trong điều kiện kinh tế thế giới có những biến động lớn, vốn FDI thực hiện đạt 2,540 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước và đã tăng lên qua các tháng (tháng 1 là 420 triệu USD, tháng 2 là 730 triệu USD, tháng 3 là 1,810 tỷ USD).

Thách thức không nhỏ

Bên cạnh những tín hiệu khả quan, kinh tế quý I còn có những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải có giải pháp để khắc phục, ứng phó.

Đó là tăng trưởng kinh tế bị chậm lại. Tốc độ tăng GDP ước đạt 5,43%, thấp hơn tốc độ tăng 5,84% của quý I năm trước, lại diễn ra ở cả 3 nhóm ngành: nông, lâm nghiệp- thủy sản (2,05% so với 3,74%); công nghiệp – xây dựng (5,47% so với 5,6%); dịch vụ ( 6,28% so với 6,64%). 

Vì vậy cũng cần có giải pháp hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ để ngăn chặn việc suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm việc làm.

Thứ hai, thách thức lớn vẫn  là lạm phát cao. Sau 3 tháng, (tức là tháng 3/2011 so với tháng 12/2010) CPI đã tăng khoảng 6,12%.

Ngân hàng Thế giới dự báo, CPI cả năm 2011 của Việt Nam sẽ ở mức 9,5%; nhưng có chuyên gia đã cảnh báo, nếu không thực hiện một cách nhất quán, đồng bộ, quyết liệt và khẩn trương các giái pháp kiềm chế lạm phát hơn nữa, thì khả năng cả năm CPI sẽ vượt một chữ số.

Nhập siêu tuy giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng đã liên tục tăng lên trong 3 tháng qua (tháng 1 là 767 triệu USD, tháng 2 là 1,112 tỷ USD, tháng 3 là 1,150 tỷ USD) và quy mô nhập siêu bình quân 1 tháng vẫn ở mức trên 1 tỷ USD.

Nhập siêu cao do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân sâu xa, có tầm quan trọng hàng đầu là hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước còn thấp, do cơ cấu kinh tế còn những hạn chế, bất cập.

Để giảm nhập siêu, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp cơ bản là đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động, thì việc mở rộng diện mặt hàng hạn chế nhập khẩu, thu hẹp mức đáp ứng ngoại tệ đối với việc nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ, nghiên cứu để tăng thuế nhập khẩu, lập hàng rào kỹ thuật,…

Minh Ngọc
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ