Nông dân muốn cạnh tranh bình đẳng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Những ngày này, nông dân trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên vui mừng bởi giá cà phê trong nước liên tục tăng, đạt mức cao nhất trong khoảng 14 năm qua (dao động từ 40.500 – 41.000 đồng/kg, thậm chí ngày 17.2, các đại lý ở Gia Lai mua giá 42.500 đồng/kg). Một chuyên gia về cà phê ở Đăk Lăk cho biết, có nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy giá cà phê tăng như hiện nay. Đầu tiên phải kể đến nguồn cung arabica (cà phê chè, chiếm 61% các sản phẩm cà phê toàn thế giới) eo hẹp trong năm 2010 và 2011. Tiếp đó, như một hiệu ứng, chỉ số giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới tăng kéo giá cà phê lên. Việc USD giảm so với đồng euro cũng là một yếu tố khiến giá cà phê tăng mạnh. Ngoài ra, còn một yếu tố khác, hiện đang trở thành vấn đề gây tranh luận giữa các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê (doanh nghiệp trong nước) và nông dân trồng cà phê, là việc các doanh nghiệp nước ngoài đã tổ chức nhiều hệ thống thu mua trực tiếp cà phê trong dân. Trên thực tế, sự hiện diện của các doanh nghiệp nước ngoài, với tiềm lực tài chính mạnh, đã tác động lên giá thu mua cà phê nội địa. Vì thế, trong khi người trồng cà phê vui mừng vì được giá thì doanh nghiệp nội khiếu nại các doanh nghiệp ngoại đã vi phạm luật pháp Việt Nam.

Lý lẽ của doanh nghiệp

Trong văn bản trả lời Câu lạc bộ 20 nhà xuất k hẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam (G20) về quyền hạn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia vào sản xuất chế biến, xuất khẩu và thu mua cà phê để xuất khẩu, Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng, các doanh nghiệp nước ngoài đang vi phạm pháp luật Việt Nam, cụ thể là Thông tư số 09/2007/TT – BTM ngày 17.7.2007 do Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) ban hành. Theo đó, Thông tư 09 quy định: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép thực hiện quyền xuất khẩu không được lập cơ sở để thu mua hàng xuất khẩu.

Trước đây, doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu thu mua cà phê xuất khẩu thông qua các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng năm nay hoạt động thu mua trực tiếp trong dân của doanh nghiệp nước ngoài diễn ra dồn dập hơn. Hiện có khoảng 10 doanh nghiệp nước ngoài đang lập đại lý thu mua trực tiếp của nông dân trồng cà phê ở Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đăk Nông, với khối lượng vào khoảng 60% lượng cà phê trong nước. Một số thành viên của G20 cho biết đang phải đối mặt với những khó khăn như thiếu vốn, lãi suất cho vay ở mức cao nên cạnh tranh không nổi với doanh nghiệp ngoại. Theo các chuyên gia cà phê, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nào đã bán khống trước đó với mức giá thấp, thì nay sẽ rơi vào cảnh giá càng tăng mạnh lỗ càng nhiều.


Nguồn: copencoffee.com

Nông dân muốn cạnh tranh bình đẳng

Ngược với doanh nghiệp, trên diễn đàn của người nông dân trồng cà phê (Y5cafe) tại địa chỉ www.giacaphe.com, các ý kiến đều mong muốn có sự cạnh tranh bình đẳng trong thu mua cà phê giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. “Hãy để nông dân làm ra hạt cà phê được hưởng lợi chính đáng bằng cách tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh với nhiều thành phần kinh tế tham gia mua bán”, thành viên Bien Ho bày tỏ. “Nhớ vụ 2000 – 2001, chưa có doanh nghiệp nước ngoài thu mua trực tiếp, giá cà phê xô chỉ có 4.000 đồng/kg, nay giá lên tới 42.500 đồng/kg. Nói thế để chúng ta thấy rõ lợi ích của một thị trường có cạnh tranh lành mạnh của nhiều thành phần kinh tế”. Thành viên Trần Ngọc Tích nói: “Hãy để buôn bán cạnh tranh công bằng. Việc mua bán giữa nông dân và doanh nghiệp nước ngoài là thuận mua vừa bán. Dĩ nhiên nông dân suy tính bán cho ai và với giá bao nhiêu mà người nông dân được hưởng lợi cao nhất!”. “Là nông dân, tôi không cần biết ông A là doanh nghiệp nước ngoài hay ông B là doanh nghiệp nội địa. Tôi chỉ cần biết ai mua giá cao, ai trả tiền liền… Mong nhà nước tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo điều kiện để nông dân có thể bán được giá sát với thị trường”, thành viên Hoàng nêu. Một thành viên khác cho rằng, “nếu các doanh nghiệp nước ngoài mua cà phê giá cao hơn các doanh nghiệp trong nước và họ đóng thuế đúng và đủ cho nhà nước thì rõ ràng là ích nước lợi dân rồi”.

Y5cafe đã tổng hợp kiến nghị của người trồng cà phê về vấn đề này. Theo đó, nông dân trồng cà phê đề nghị Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09, theo hướng cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép thực hiện quyền xuất khẩu được phép lập cơ sở để thu mua hàng xuất khẩu và được trực tiếp mua hàng hóa của nông dân trực tiếp sản xuất và của thương nhân có đăng ký kinh doanh mua bán hoặc có quyền phân phối hàng hóa đó để xuất khẩu. Như vậy, các doanh nghiệp nước ngoài mới được trực tiếp tham gia thu mua cà phê của nông dân, nhờ đó, có sự cạnh tranh về giá, đảm bảo sự hợp lý, công bằng, bình đẳng, để nông dân trồng cà phê không bị chèn ép giá. “Thực hiện cơ chế thị trường cạnh tranh và bình đẳng là góp phần thực hiện mục tiêu người nông dân trồng cà phê có lợi nhuận tối thiểu 30% từ sản phẩm của mình làm ra như Nhà nước mong muốn”, Y5cafe nhấn mạnh.

Y5cafe cũng đề nghị Hội Nông dân Việt Nam chính thức lên tiếng vì lợi ích của nông dân trồng cà phê. Trao đổi với chúng tôi, Phó chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Duy Lượng cho biết, Hội ủng hộ quan điểm cho phép doanh nghiệp nước ngoài tổ chức mạng lưới thu mua trực tiếp cà phê để có sự cạnh tranh về giá, đảm bảo lợi ích cho nông dân trồng cà phê. Tới đây, Hội sẽ có văn bản góp ý với Chính phủ về vấn đề này.

Hồng Loan
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân