Áp dụng luật BHXH 2014: Chi tiết hóa, chống lách luật
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đại diện Bộ LĐTBXH gợi mở một số vấn đề cần trao đổi trong 2 dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH 2014 về BHXH bắt buộc, tự nguyện như đối tượng áp dụng tham gia BHXH bắt buộc; chế độ đối với lao động nữ mang thai hộ; mức đóng, phương thức đóng và chính sách hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện…

Cần có lộ trình hợp lý hơn đối với lao động nữ

Bà Nguyễn Thị Xuân Thảo – Trưởng ban Tổ chức công đoàn Dệt may VN – cho rằng, Điều 60 Luật BHXH 2014 cần phải sửa đổi để phù hợp với nguyện vọng của người lao động và để người lao động có quyền chọn nhận BHXH một lần hay hưởng lương hưu. Bà Thảo dẫn chứng về cách tính tỉ lệ lương hưu hằng tháng. Theo đó từ 1/1/2018, đối với lao động nam, số năm đóng BHXH để được hưởng tỉ lệ 45% đầu tiên tăng dần; đối với lao động nữ, 15 năm đầu đóng BHXH được hưởng 45%, sau đó thêm 1 năm đóng BHXH chỉ được tính thêm 2% (so với hiện tại là 3%); đối với người lao động nghỉ hưu trước tuổi, mỗi năm bị trừ 2% (so với hiện tại là 1%). Theo bà Thảo, quy định này dẫn đến tỉ lệ lương hưu của người lao động nữ giảm đột ngột khi so sánh giữa hai đối tượng trước và sau năm 2018.

Từ nay đến 1/1/2016, Tổng liên đoàn LĐVN sẽ tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền như in tờ rơi, tuyên truyền để cán bộ công đoàn… nắm được Luật BHXH

Bà Thảo cho biết thêm, thực tế hiện nay tại các DN dệt may, nhiều người lao động thuộc đối tượng của quy định trên có ý định xin nghỉ việc hàng loạt, để “lách” chế độ do tiếp tục làm việc, tiếp tục đóng BHXH nhưng chế độ hưởng lại thấp hơn nếu nghỉ việc sau ngày 1/1/2018. Do đó, ngành dệt may đề nghị, để giải quyết bất hợp lý về chế độ khi thực hiện quy định này, cần có lộ trình hợp lý hơn đối với lao động nữ khi xác định tỉ lệ lương hưu tăng thêm của những năm đóng BHXH sau 15 năm đầu và đề nghị chỉ giảm trừ 1% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

Xử phạt mạnh với tình trạng chây ỳ đóng BHXH

Phó Chủ tịch CĐ Giao thông Vận tải VN Nguyễn Văn Toản, góp ý về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tại Điều 14. Theo ông Toản, người sử dụng lao động (NSDLĐ) lợi dụng kẽ hở của quy định hiện hành là đóng BHXH cho người lao động trên tiền lương tối thiểu hoặc cao hơn lương tối thiểu vùng một chút. Luật BHXH 2014 khắc phục được điều này, nhưng lại nảy sinh thêm vấn đề về “lương chuyên cần” vì người lao động tháng có, tháng không và hiện nay, để tối đa hóa lợi nhuận, NSDLĐ thường xuyên lách luật và đóng mức thấp nhất cho người lao động… Do đó cần cụ thể hóa những quy định chi tiết trong nghị định để dễ thực hiện. Về chế tài xử phạt đối với những DN chây ỳ không đóng BHXH cho người lao động, ông Toản đề nghị phải làm rõ hơn, chi tiết hơn trong nghị định, nếu quy định không thể hiện rõ, mạnh mẽ hơn nữa thì đâu vẫn hoàn đấy, khó thực hiện trong thực tiễn. Ông Toản dẫn chứng, có những DN trong ngành GTVT nợ BHXH hàng tỉ đồng, nên nếu mức phạt theo lãi suất như hiện nay, DN sẽ sẵn sàng nộp phạt để chiếm dụng vốn.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động VN Mai Đức Chính nhấn mạnh, 2 dự thảo nghị định trên có ý nghĩa rất quan trọng đối với NLĐ. Từ các góp ý của các đại biểu, Tổng LĐLĐVN sẽ xây dựng văn bản góp ý vào dự thảo nghị định trong tháng 6/2015.

Mai Thanh
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp