Áp dụng luật cứng nhắc, doanh nghiệp “cùng đường“
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

4,7% “Định mệnh”

Tiền thân là DNNN, được thành lập cách đây 35 năm, sau khi cổ phần hóa, Nhà nước (đại diện là Tcty Dược VN) vẫn sở hữu 29,47% vốn điều lệ tại MKP. Với mục tiêu thu hút nguồn vốn trên thị trường chứng khoán (TTCK) để phát triển và mở rộng công ty, tháng 6/2010 MKP niêm yết cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) với vốn điều lệ 92,1 tỉ đồng, cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại thời điểm ngày tháng 4/2011 gần 4,33 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 4,7%.

Dù đã thực hiện SXKD thuốc từ nhiều năm nay nhưng tháng 9/2010 khi thực hiện việc đăng ký kinh doanh lại, MKP đã bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh “bán buôn, bán lẻ dược phẩm”. Tuy nhiên, Sở KHĐT TP.HCM đã từ chối cấp phép ngành nghề bổ sung dựa trên các quy định pháp lý của Luật Đầu tư, Nghị định 23/2007/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 09/2007/TT-BTM và Quyết định 10/2007/QĐ-BTM của Bộ Thương mại.

Theo các văn bản trên, việc MKP có 4,7% cổ phần sở hữu của nhà ĐTNN từ mua cổ phiếu trên HoSE được Sở KHĐT TP.HCM xem là DN có vốn ĐTNN. Điều này đồng nghĩa với việc MKP bị ràng buộc về hạn chế tiếp cận thị trường thông qua biểu cam kết về dịch vụ thương mại với Tổ chức Thương mại thế giới.

Theo bà Huỳnh Thị Lan – Tổng giám đốc MKP việc MKP không được cấp lại đăng ký kinh doanh để thực hiện chức năng phân phối thuốc đồng nghĩa với việc sản xuất và kinh doanh của Mekophar sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không được xét công nhận chuỗi nhà thuốc đạt GPP, không được xét công nhận đạt GDP, từ đó sẽ không có đủ điều kiện để đấu thầu thuốc tại các bệnh viện…

Vô vọng…

Suốt gần 10 tháng qua, MKP đã gửi hàng chục đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng để “kêu cứu”. Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) có văn bản gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Công thương, Sở KH&ĐT TP.HCM về việc hướng dẫn các DN có vốn ĐTNN, trong đó, về kiến nghị của MKP, SSC cho rằng việc xem xét để yêu cầu MKP có vốn ĐTNN và không cấp phép phân phối dược phẩm cho Mekophar là “khá cứng nhắc, gây bất lợi cho DN và các cổ đông”.Theo SSC, về chuyên môn, việc bán thuốc hay phân phối thuốc của một DN sản xuất hay nhập khẩu dược phẩm chỉ là quy trình hoạt động của DN. Do vậy, việc bán buôn, bán lẻ thuốc có thể coi là một chu trình hoạt động của DN sản xuất. Về mặt pháp lý, SSC cũng cho rằng do chưa có một quy định chung và đồng bộ nên việc hạn chế một DN có vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài (với mức sở hữu chưa đến 5%) là gây bất lợi cho DN trong nước. Ngoài ra, theo SSC , khoản 4, điều 29, Luật Đầu tư quy định: “Nhà ĐTNN được áp dụng điều kiện đầu tư như nhà đầu tư trong nước, trong trường hợp các nhà đầu tư VN sở hữu từ 51% vốn điều lệ của DN trở lên”.

Tuy nhiên, Bộ KHĐT lại dẫn khoản 6, điều 3, Luật Đầu tư, trong đó quy định: “DN có vốn ĐTNN bao gồm DN do nhà ĐTNN thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại VN; DN VN do nhà ĐTNN mua cổ phần, sáp nhập, mua lại”. Do đó, MKP với 4,7% sở hữu của nhà ĐTNN là DN có vốn ĐTNN .

Thoái cổ phần “ngoại” – không dễ!

Tại Đại hội cổ đông bất thường của MKP diễn ra ngày 11/7 vừa qua, 99% cổ đông đã tán thành quyết định hủy niêm yết của MKP trên HoSE. Đây là một quyết định khó khăn bởi MKP phải cân nhắc các lợi ích bởi nếu huy động được vốn trên TTCK mà sản phẩm không có đầu ra thì cũng không còn ý nghĩa.

Thực ra MKP không phải là DN dược duy nhất có cổ đông nước ngoài.Theo thống kê, hiện trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán có 15 công ty dược đã niêm yết cổ phiếu, thì tất cả đều đã có cổ đông nước ngoài. Thống kê không chính thức, tính đến ngày 11/7/2011, tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN tại Cty Dược phẩm Imexpharm (IMP) là 47,91%; tại Cty Dược Hậu Giang (DHG) là 47,15%. Tỷ lệ này tại DMC là 35,2%, TRA là 31,37%, DCL 24,428%, VMD 0,51%, DHT 0,54%… Thế nhưng khác với MKP, các DN này đã được cấp phép bán buôn, bán lẻ dược phẩm, sau đó mới niêm yết và có nhà ĐTNN góp vốn còn MKP thì ngược lại.

Câu chuyện pháp lý của vấn đề này còn dài dài, thế nhưng hủy niên yết rồi MKP vẫn đang phải đau đầu tìm cách “đẩy” gần 5% cổ phần của cổ đông nước ngoài ra khỏi công ty, để được quyền bán buôn, bán lẻ dược phẩm. Bởi chỉ cần một nhà ĐTNN vẫn tha thiết giữ cổ phiếu của MKP, dẫu chỉ là 1 cổ phiếu tượng trưng thì nỗ lực ấy của MKP coi như phá sản.

Trong lúc các cơ quan chức năng đang lúng túng về trường hợp của MKP thì đây hẳn là kinh nghiệm quý cho những DN ở những lĩnh vực đặc thù đang có ý định tìm cổ đông chiến lược ngoại để tiếp cận với nguồn vốn và kinh nghiệm quản trị của thế giới …

Thanh Thanh
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam