Áp dụng mức lương tối thiểu mới: Xoay xở với khoản tăng thêm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chấp nhận giảm lợi nhuận

Ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty May túi xách Minh Tiến (Miti), so sánh việc tăng lương tối thiểu ở thời điểm buôn bán khó khăn như hiện nay “ngang như một khoản vay thêm”, bởi doanh nghiệp phải chi thêm một khoản không nhỏ hàng tháng cho phí bảo hiểm xã hội (BHXH) tính theo mức lương mới.

Theo ông Kiên, với 400 công nhân hiện nay, phần chênh lệch BHXH đóng theo mức lương tối thiểu mới so với mức cũ của công ty gần 100 triệu đồng mỗi tháng. Đó là chưa tính khoản chi phí dùng để thưởng động viên và giữ chân người lao động, bởi từ ngày 1-10 người lao động cũng bị tăng mức đóng BHXH theo mức mới, đồng nghĩa với việc tổng thu nhập mỗi tháng sẽ giảm đi ít nhiều.

Lâu nay nhiều doanh nghiệp có hai bảng lương. Một bảng lương theo mức tối thiểu của Nhà nước nhân với hệ số bậc lao động (tùy thâm niên, tay nghề). Một bảng khác là lương thực nhận của người lao động, tính theo mức lương Nhà nước quy định cộng với các khoản khác như tăng ca, thưởng… hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên.

Nhiều doanh nghiệp căn cứ vào bảng lương thứ nhất để đóng BHXH. Nhưng sắp tới, họ có thể sắp xếp lại bậc lao động cho hợp lý hơn, theo thực tế công việc chứ không theo thâm niên để giảm phần hệ số, bậc lương, qua đó giảm phần nào số tiền đóng BHXH.

Ông cho rằng lâu nay lương tối thiểu chỉ là hình thức, còn mức lương thực tế đã vận hành theo quy luật thị trường với sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Mức lương thấp nhất hiện nay là 2,5 triệu đồng/người/tháng. Do vậy, việc tăng lương tối thiểu không có tác dụng với người lao động vào lúc này.

Còn đối với doanh nghiệp, đây lại là một áp lực không nhỏ khi sức mua đang giảm tới 30-40% so với cùng kỳ. Khoản BHXH phát sinh theo mức mới sẽ được tính vào chi phí sản xuất nhưng doanh nghiệp chưa nghĩ ra cách nào để bù đắp. “Tăng giá lúc sức mua yếu thì mạo hiểm. Càng không thể cắt giảm công nhân. Chỉ còn mỗi cách chịu giảm lợi nhuận”, ông Kiên nói.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 3 (Gatexim), cho rằng việc tăng lương tối thiểu sẽ mang lại lợi ích cho người lao động khi về hưu hoặc khi nghỉ việc. Còn tăng ở thời điểm này chỉ gây khó cho doanh nghiệp, qua đó gián tiếp gây khó cho người lao động.

Ông Hồng lý giải: phí BHXH tăng lên gấp rưỡi giữa lúc doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Khó chồng thêm khó thì không thể tăng lương nhiều, giúp cải thiện đời sống cho công nhân như mục tiêu của những người làm chính sách.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho hay các thành viên của hiệp hội phản ánh việc tăng lương tối thiểu với mức cao nhất 2 triệu đồng/người/tháng là lỗi nhịp so với thực tế vì lương công nhân ở TPHCM hiện nay dao động từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Lương công nhân vì thế không thay đổi gì nhưng quỹ lương của doanh nghiệp lại đội thêm 10% cho phần tăng thêm của BHXH.

“Doanh nghiệp cho biết nếu không tăng lương tối thiểu, họ có thể tăng lương thêm 500.000 đồng/người/tháng cho công nhân vì trượt giá. Bây giờ họ chỉ có thể tăng thêm 300.000 đồng, 200.000 đồng dùng để bù vào khoản BHXH tăng thêm”, ông Hưng cho biết.

Theo ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 2, phần đóng thêm BHXH cho gần 2.000 công nhân tại đây chắc chắn sẽ tính vào chi phí sản xuất. Trong khi đó, với hàng xuất khẩu, công ty không thể đòi tăng giá với đối tác vì hợp đồng đã ký theo năm. Ông Toàn cho biết thêm, hiện nay khách hàng ngành may có nhiều lựa chọn, không gia công tại Việt Nam thì họ đưa sang Bangladesh, Indonesia… Tăng giá quá nhiều sẽ làm mất tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Do vậy, với việc tăng lương tối thiểu lần này, doanh nghiệp đành tạm chấp nhận giảm lợi nhuận, từ từ tính tiếp.

Điều chỉnh

Ông Hưng nhận định, trong tình hình kinh doanh khó khăn, sức mua yếu, hàng hóa ở nhiều ngành sản xuất bán ra không được, doanh nghiệp chắc sẽ không mạo hiểm tăng giá bán sản phẩm để bù cho khoản mới phát sinh. Bởi tăng giá bán lúc này sẽ ảnh hưởng ngay đến sức tiêu thụ. Bên cạnh đó, khả năng cắt giảm lao động cũng ít xảy ra khi người lao động có kinh nghiệm, tay nghề không dễ kiếm. Do vậy, “trời mưa thì đất chịu”, nhưng doanh nghiệp sẽ điều chỉnh lại bảng lương cho hợp lý.

Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên gia công hàng may mặc xuất khẩu cho hay đã thay đổi cách tính lương theo bậc thang lao động như nhiều doanh nghiệp trong ngành đang áp dụng để giảm phần BHXH phải đóng. Trước đây doanh nghiệp vẫn dùng bậc thang cũ với khoảng cách hệ số khá xa để xây dựng bảng lương đóng BHXH, do đó khoản phải đóng rất lớn. Hiện nay, doanh nghiệp áp dụng cách tính mới với độ chênh giữa các bậc lương không nhiều để giảm chi phí phải đóng. Lãnh đạo doanh nghiệp trên phân tích: “Cùng số lượng công nhân như nhau nhưng nếu tính theo bậc thang cũ, số tiền BHXH phải đóng mỗi tháng có thể lên tới 2 tỉ đồng. Trong khi đó, cách điều chỉnh mới chỉ còn 1,1 tỉ đồng. Mỗi năm tính ra cũng bớt được hơn 10 tỉ đồng”.

Đối phó với khoản tăng mới, ông Kiên cho biết công ty sẽ tập trung quản lý quy trình sản xuất tốt hơn nữa để kiểm soát chặt năng suất lao động của từng công nhân, vận dụng quy trình sản xuất tinh gọn để tăng năng suất…

Tuy nhiên, theo ông Hưng, không thể để tình trạng doanh nghiệp sản xuất dùng công nhân đúng tuổi, đóng BHXH đầy đủ phải cạnh tranh với doanh nghiệp, cơ sở dùng lao động chui… Muốn vậy, lực lượng thanh tra phải hoạt động tích cực hơn nữa. Bên cạnh đó, cũng cần có biện pháp xử lý mạnh tay với doanh nghiệp chây ì nợ BHXH 2-3 tháng…

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online