PCI 2009: Không phải cuộc đua thứ hạng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đây là năm thứ 5 VCCi và VNCI xây dựng và công bố chỉ số PCI – Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh về môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Nhiều nét mới trong xây dựng PCI 2009
So với 4 lần xây dựng chỉ số PCI trước đây (bắt đầu từ năm 2005) việc xây dựng chỉ số PCI năm nay đã có những nét mới khác biệt mà theo đại diện của Nhóm nghiên cứu thì những thay đổi này là cần thiết và hiệu quả. Thay đổi lớn nhất của PCI 2009 là việc bỏ một chỉ số thành phần “Ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước” trên cơ sở tham vấn ý kiến chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách cho thấy vấn đề ưu đãi doanh nghiệp nhà nước không còn là trở ngại lớn đối với môi trường kinh doanh ở các địa phương. Lý do là các doanh nghiệp nhà nước thuộc địa phương quản lý (thường gọi là doanh nghiệp nhà nước địa phương) phần lớn đã được cổ phần hóa và không còn là rào cản đối với sự tăng trưởng và phát triển của khu vực tư nhân.

Tiếp theo là con số ấn tượng 9.890 doanh nghiệp (năm 2008 là 7.820 doanh nghiệp) tham gia, thể hiện “tiếng nói” đánh giá chất lượng điều hành kinh tế và môi trường thể chế của các tỉnh, thành trên cả nước. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn đến “chất lượng” công việc của hệ thống chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở, và điều này cũng cho thấy “chất lượng” công tác của chính quyền các cấp có ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ quyết định có đầu tư hay không vào một địa phương mà cả những hiệu quả “hậu đầu tư” của doanh nghiệp. Nói cách khác, chất lượng điều hành của chính quyền địa phương có liên hệ chặt chẽ tới quy mô, kết quả hoạt động của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế chung của địa phương.

Theo đại diện VCCI và VNCI, điểm mới trong phân tích vai trờ quan trọng của điều hành kinh tế năm nay là câu hỏi về quyết định lựa chọn địa điểm mở rộng đầu tư nếu doanh nghiệp có cơ hội. Sự lựa chọn của doanh nghiệp thể hiện tiềm năng đầu tư của các tỉnh trong hai năm tới và được đặt tên là “Nhiệt kế doanh nghiệp” cho phép dự báo tình hình phát triển và tăng trưởng của doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai. Và kết quả phân tích cho thấy, trong thời điểm môi trường kinh doanh có nhiều biến động, chất lượng điều hành có ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp, thậm chí còn quan trọng hơn cả cơ sở hạ tầng và các yếu tố sẵn có của địa phương.

Điều tra PCI năm 2009 còn cung cấp các thông tin quan trọng về tác động của những sáng kiến cải cách ở cấp Trung ương và địa phương, trong đó có Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước (Đề án 30) do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo là nỗ lực cải cách thể chế mang tính đột phá tại Việt Nam. Đặc biệt, điều tra PCI 2009 cho thấy, có khoảng 42% doanh nghiệp trên cả nước biết đến Đề án 30, hứa hẹn sức lan tỏa của việc sử dụng rộng rãi Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính đầu tiên được thiết lập, cho phép tra cứu trực tuyến rễ dàng và thuanạ tiện tới 5.700 thủ tục và 9.500 văn bản pháp luật.

Như vậy, những điểm mới trong điều tra về môi trường kinh doanh của cả nước trong PCI sẽ giúp xác định các lĩnh vực cần cải thiện nhằm xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và đóng góp vai trò như một công cụ giám sát hiệu quả thực hiện.

Những điểm nhấn về chỉ số thành phần

Trước hết, chỉ Chất lượng đào tạo lao động có đóng góp lớn trong việc tăng điểm số cho các tỉnh, thành phố bởi nó chiếm tới 20% trọng số PCI. Và với khoảng 45% số doanh nghiệp tham gia điều tra PCI năm 2009 đánh giá chất lượng giáo dục đào tạo ở mức Tốt hoặc Rất tốt có thể thấy vấn đề đào tạo lao động, nâng cao tay nghề cho người lao động sau nhiều năm bị doanh nghiệp “kêu ca” đã dẫn được cải thiện. Tiếp theo, Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước chiếm 15% trọng số cũng được cải thiện hơn sau nhiều năm giậm chân tại chỗ. Thời gian doanh nghiệp bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính đã giảm từ 22% xuống 15%. Đặc biệt, có 47% số doanh nghiệp tham gia điều tra ở tỉnh trung vị cho biết các công việc liên quan đến giấy tờ, thủ tục hành chính đã giảm trong vòng 2 năm qua; 44% số doanh nghiệp nhận định cán bộ, công chức giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả hơn.

Chi phí gia nhập thị trường cũng là chỉ số thành phần được cải thiện trong năm vừa qua, thể hiện cụ thể qua thời gian doanh nghiệp phải chờ đăng ký kinh doanh đối với tỉnh trung vị giảm từ 12,25 ngày xuống còn 10 ngày. Bên cạnh đó, các chỉ số Tiếp cận đất đai và Sự ổn định trong sử dụng đất (5% trọng số) cũng được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao.

Mặc dù vậy, cùng còn khá nhiều vấn đề có thể coi là “căn bệnh mãn tính” sau nhiều năm liên tục vẫn chưa tìm ra “thuốc trị”. Đầu tiên phải kể đến Chỉ số Tính minh bạch. Nó chiếm tới 20% trọng số PCI và năm nay đang có dấu hiệu đi xuống. Vẫn có tới 41,32% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng việc thương luwongj với cán bộ thuế là một phần thiết yếu trong họat động kinh doanh của họ.

Chi phí không chính thức không đồng nhất về kết quả trong các chỉ số thành phần. Về phía tích cực, tỷ lệ doanh nghiệp tại các tỉnh trung vị cho biết thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức giảm từ 65% xuống 59%; số doanh nghiệp phải chi hơn 10% thu nhập cho các loại chi phí này giảm từ 10% của năm 2008 xuống còn 9%.

Nhưng có tới 52% doanh nghiệp cho rằng, cán bộ sử dụng các quy định riêng của tỉnh với mục đích trục lợi, tăng so với 37% của năm 2008; 53% doanh nghiệp cho biết cần phải trả hoa hồng khi tham gia đấu thầu để có được hợp đồng với cơ quan nhà nước.

Cùng với đó, cảm nhận của doanh nghiệp đối với chỉ số Tính năng động tiên phong của lãnh đạo tỉnh cũng sụt giảm về mức năm 2007. Chỉ có 43% doanh nghiệp tin tưởng chính quyền tỉnh có thái độ tích cực đối với khu vực tư nhân, giảm 10% so với mức năm 2008.

Đáng lưu ý là chỉ có 72,65 % doanh nghiệp đánh giá tỉnh rất linh họat trong khuôn khổ pháp luật tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân, trong khi đó tỷ lệ này là 77,28% theo Báo cáo PCI năm 2008. Ngoải ra, việc giải quyết những trở ngại khi quy định của trung ương chưa rõ ràng cũng thấp hơn năm 2008.

Kết quả cụ thể PCI 2009

Trước hết phải nói đến sự tăng điểm đồng đều của các chỉ số thành phần và tăng tổng điểm cuối cùng của các địa phương trong bảng xếp hạng PCI 2009. Trong đó, chi phí gia nhập thị trường, theo báo cáo PCI 2009, chỉ số này ở một số tỉnh trung vị đạt 8,35 điểm, đã có sự cải thiện nhờ các tỉnh triển khai cơ chế một cửa và việc thực hiện Đề án 30 của Chính phủ trong cắt giảm thủ tục hành chính. Do vậy, thời gian để hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh và chính thức đi vào hoạt động của doanh nghiệp đã giảm đáng kể. Cùng với đó là những tiến bộ của chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; khả năng tiếp cận thông tin của doanh nghiệp, đặc biệt là các chủ trương chính sách của tỉnh, cũng tăng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, chỉ số tính minh bạch ngày càng tăng thể hiện qua việc chỉ có 41,32% số doanh nghiệp (giá trị trung vị) năm nay cho biết việc thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh.

Đi vào kết quả cụ thể, theo kết quả PCI 2009, cũng như năm 2008, Đà Nẵng tiếp tục vững vàng ngồi đầu bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2009, lần thứ hai liên tiếp đẩy Bình Dương “về nhì”. Trong khi đó, Cao Bằng lùi ba bậc thế chỗ Điện Biên “đội sổ” năm nay. Trong khi đó, các tỉnh Lào Cai, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã chuyển từ Tốt lên Rất tốt, thế nhưng Hòa Bình lại “rơi” khỏi nhóm Trung bình xuống Tương đối thấp. Với hai thành phố tập trung lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Mình tiếp tục “giật lùi”, mức điều chỉnh giảm tương ứng là 2 và 3 bậc.

Mặc dù có những thay đổi trong vị trí các địa phương, song nhìn chung Bản đồ PCI năm 2009, màu đỏ và hồng (tỉnh, thành phố xếp hạng Thấp và Tương đối thấp) chỉ còn thưa thớt, trong khi màu xanh lam, xanh dương (xếp hạng Tốt và Khá) chiếm tỷ lệ áp đảo.

Có tới 61/63 tỉnh, thành phố có sự cải thiện về điểm số trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2009. 10 vị trí dẫn đầu năm nay đều đạt số điểm trên 65,7 (năm ngoái chưa đến 60 điểm), trong khi vị trí cuối cùng cũng tăng hơn tỉnh bét bảng năm 2008 trên 4 điểm.

Theo các chuyên gia, mặc dù các tỉnh, thành đã “an vị” trong bảng xếp hạng PCI 2009, song tại lễ công bố sáng nay, đại diện Nhóm nghiên cứu nhận định, sự “ổn định” này hoàn toàn không đồng nghĩa là “cố định”.

Điều này có thể thấy rất rõ trong hai năm qua, rất nhiều tỉnh, thành, sau những kỳ xếp hạng, đã nỗ lực khắc phục những yếu điểm, tích cực cải cách toàn diện và họ đã thành công với thứ hạng ngày càng cao trong bảng xếp hạng. Nhìn vào bảng xếp hạng PCI 2009 có thể thấy các tỉnh Cà Mau, Điện Biên hay Thừa Thiên-Huế đã có bước tiến ngoạn mục trong bảng xếp hạng PCI. Điểm chung của các địa phương này là họ đã tập trung cải thiện mạnh mẽ những lĩnh vực có thể “làm ngày” trong nỗ lực tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng cho các doanh nghiệp, như Điện Biên cải thiện đáng kể trong cắt giảm các chi phí không chính thức, nâng cao tính năng động của lãnh đạo tỉnh và thúc đẩy chất lượng đào tạo lao động. Trong khi Cà Mau thực hiện các biện pháp giảm chi phí gia nhập thị trường và chi phí không chính thức. Còn Thừa Thiên-Huế lại tập trung cải thiện chỉ số tính minh bạch tăng.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho đến nay đã có trên 40 tỉnh, thành phố sử dụng chỉ số PCI để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu trong môi trường kinh doanh của địa phương mình, học hỏi kinh nghiệm của địa phương tốt hơn, làm thước đo giám sát việc thực hiện công tác quản lý điều hành bộ máy hành chính… Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự “cạnh tranh” gay gắt khiến các tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng PCI 2009 khác biệt không nhiều về điểm số. Chênh lệch trong vòng một điểm đã có thể cách xa nhau tới 5-6 vị trí. Cho nên, kết quả năm nay sẽ dễ dàng thay đổi vào năm tới.

Mặc dù có những thay đổi về vị trí trong bảng xếp hạng PCI cũng như những thay đổi của các chỉ số thành phần.
Song, cơ bản có thể nói, với những cải tiến mới trong phương pháp xây dựng và công bố PCI 2009, kết quả trên phản ánh một cách khá trung thực chất lượng điều hành của chính quyền các cấp. Đồng thời, kết quả PCI 2009 một lần nữa đưa ra những gợi ý cho các địa phương tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, mà đương nhiên không phải vì thứ hạng trong bảng xếp hạng PCI 2010 mà vì sự phát triển lành mạnh của môi trường đầu tư, của doanh nghiệp dân doanh và kinh tế địa phương.

Hoàng Châu
Nguồn: Báo điện tử Công thương