Phải minh bạch giá điện
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực VN (EVN) Nguyễn Tấn Lộc khẳng định: phương án tăng giá điện với mức tăng ít nhất 5% được tính đến do áp lực tăng giá đầu vào của giá bán khí cho điện đã tăng theo lộ trình từ đầu năm, rồi giá dầu diezel mới được điều chỉnh tăng và sức ép từ các khoản lỗ khi đầu tư vào điện còn treo lại từ trước… Tuy nhiên, điều này đã vấp phải rất nhiều ý kiến phản biện từ các chuyên gia trong và ngoài ngành.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, sự minh bạch, công khai trong cách tính giá điện vẫn ở trạng thái của 10-15 năm trước. Với trích dẫn của Bộ Công thương về kết quả kiểm toán lỗ của điện là có thực sẽ không thuyết phục các nhà nghiên cứu chuyên ngành, bởi họ không chỉ dựa vào những con số báo cáo để nói về giá điện, theo ông Ánh, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm soát các số liệu về tài chính có hợp lý hợp lệ hay không chứ cũng không thể thuyết minh được là liệu cái lỗ trong báo cáo đó có đúng hay không và nguyên nhân lỗ là do đâu. Vấn đề này liên quan đến việc quản lý của cả một ngành mà điển hình ở đây là Tập đoàn Điện lực bởi vì tập đoàn chi phối gần như tuyệt đối thị trường điện ở VN ở trên tất cả các khâu… Và như thế kết quả của kiểm toán không phải là bằng chứng đủ sức thuyết phục để giải thích câu chuyện lỗ lãi của ngành điện…

Chuyên gia kinh tế, Ts Nguyễn Minh Phong khẳng định, muốn minh bạch giá điện, trước tiên phải minh bạch được giá thành sản xuất điện. Hệ thống điện hiện có rất nhiều nguồn phát, từ thủy điện nhỏ, thủy điện vừa và thủy điện lớn; từ nhiệt điện chạy than, chạy dầu và chạy khí; từ xuất – nhập khẩu điện… Giá thành sản xuất điện hiện nay chưa được tính toán cụ thể và cân đối bù trừ đối với từng nguồn phát điện trên hệ thống khi mà EVN vẫn còn chiếm tới hơn 70% nguồn phát của toàn hệ thống. Một yêu cầu quan trọng thứ 2 là phải minh bạch được giá truyền tải và phân phối điện – khoản cộng thêm không nhỏ vào giá thành điện khi tới tay người tiêu dùng. Và khi EVN còn độc quyền trong khâu truyền tải và phân phối điện thì các khoản chi phí do quản lý yếu kém, hao hụt đường truyền, hay lương, thưởng lớn…người tiêu dùng điện vẫn phải cõng vào giá điện. Điều tiên quyết thứ 3 là không được phân biệt đối xử trong đàm phán mua bán điện với các đối tác, dù đó là nhà máy sản xuất thuộc EVN hay ngoài EVN.

Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) khi đề nghị được điều chỉnh giá bán điện cho EVN cũng đưa ra những ví dụ cụ thể khi EVN mua điện của 2 nhà máy Nhiệt điện Na Dương và Cao Ngạn thuộc Vinacomin với mức giá hơn 700 đồng/kWh và suốt 5 năm qua không được điều chỉnh – trong khi giá EVN mua của Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng ký cuối năm 2011 là 1.008 đ/kWh (xin lưu ý là dự án này có vốn góp của EVN) – một dẫn chứng thể hiện rõ sự phân biệt đối xử trong quá trình đàm phán mua điện của EVN với các đối tác.

Không ít ý kiến cho rằng, trong việc điều hành giá điện, để có được sự đồng thuận của người tiêu dùng, cần có những căn cứ hợp lý và quan tâm hơn đến lợi ích của người dân. Người tiêu dùng không thể chấp nhận những áp đặt thiếu minh bạch, không hợp lý. Giá điện chỉ có thể điều chỉnh khi giá vật tư đầu vào tăng chứ không thể bù lỗ cho những hoạt động quản lý yếu kém và để trả lương không hợp lý cho ngành.

Qua những phân tích của các chuyên gia – thì EVN đòi tăng giá bán lẻ điện liệu có hợp lý nếu chưa minh bạch được giá thành sản xuất điện từ các nguồn EVN hiện mua? Và nếu như vẫn còn nhiều nhà sản xuất điện bán cho EVN với giá dưới 800 đồng/kWh thì liệu EVN kinh doanh điện có thực lỗ để đòi tăng giá bán? khi mà giá bán lẻ điện sinh hoạt đang được tính theo 7 bậc – mà bậc thang đầu tiên – áp dụng cho hộ nghèo và hộ thu nhập thấp (0- 50kWh) đã có giá 993 đồng/kWh? Câu trả lời thuộc về các cơ quan chức năng.

Nguyên Long
 Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân