Phạt không nghiêm, nói mãi cũng “nhờn” 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất giấy vàng mã và bột giấy đối với Công ty TNHH Tân Thái Thanh, tại xã Thiết Kế, huyện Bá Thước. Quyết định này được đưa ra sau khi cơ quan chức năng xác định công ty này đã xả nước thải chưa xử lý gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài việc đình chỉ hoạt động, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Công ty TNHH Tân Thái Thanh khắc phục triệt để tồn tại vi phạm, xây dựng hoàn chỉnh công trình xử lý nước thải. Không chỉ doanh nghiệp này, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khu vực sông Mã đã phát hiện một số doanh nghiệp xả thải ra môi trường chưa qua xử lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến môi trường nước bị ô nhiễm khiến cá lồng chết hàng loạt, gây thiệt hại về kinh tế cho nhiều hộ dân.

Câu hỏi đặt ra là vai trò và trách nhiệm của Phòng Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan có chức năng ở đâu khi để xảy ra tình trạng doanh nghiệp đã hoạt động mà vẫn nói “không” với xử lý nước thải? Có hay không tình trạng buông lỏng quản lý trong những trường hợp này?

Tình trạng xả thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm đã trở thành vấn đề gây bức xúc thời gian qua. Dù đã có quy định về quy trình xử lý nước thải, song không ít doanh nghiệp đã cố tình phớt lờ các quy định, vẫn vô tư xả thải trực tiếp ra môi trường. Điều đáng nói là, những trường hợp này đều không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời bởi lực lượng chức năng mà chỉ đến khi hậu quả xảy ra, truyền thông lên tiếng, các cơ quan quan chức năng mới vào cuộc, phát hiện thì đã quá muộn. Câu chuyện về xả thải của Công ty Vedan ra sông Thị Vải trước đây là một ví dụ điển hình.

Để giảm thiểu hành vi vi phạm gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, để xử lý hành vi vi phạm, pháp luật hiện hành có quy định chế tài cụ thể đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Nghị định số 33/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định mức phạt cao nhất từ 220 – 250 triệu đồng áp dụng đối với hành vi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 3.000m3/ngày đêm trở lên; hành vi xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 300.000m3/ngày đêm. Hành vi xả nước thải vào lòng đất thông qua các giếng khoan, giếng đào và các hình thức khác.

Không chỉ bị xử lý hành chính, người có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường có thể bị xem xét để xử lý hình sự. Điều 235 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định, người có hành vi xả thải ra môi trường 500 mét khối (m3)/ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 3 lần đến dưới 5 lần hoặc từ 300 mét khối (m3)/ngày đến dưới 500 mét khối (m3)/ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 5 lần đến dưới 10 lần… thì có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Ngoài ra, người có hành vi xả thải ra môi trường 10.000 mét khối (m3)/ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 5 lần đến dưới 10 lần hoặc 5.000 mét khối (m3)/ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên thì bị phạt từ 1 – 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm…

Quy định pháp luật về tiêu chuẩn kỹ thuật xử lý nước thải cũng đã có. Chế tài xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cũng đã có, nhưng các doanh nghiệp vẫn cố tình phớt lờ các quy định để xả thải ra môi trường. Điều đó cho thấy, ý thức tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của một số chủ doanh nghiệp chưa nghiêm. Do đó, ngoài tuyên truyền để nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ môi trường, rất cần sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, giám sát để phát hiện, ngăn chặn sớm hành vi vi phạm pháp luật xảy ra. Tránh trường hợp hậu quả xảy ra mới bắt tay vào xử lý thì quá muộn.

Cùng với đó, cơ chế xử lý trách nhiệm phải nghiêm minh, không được “nương tay” với hành vi gây ô nhiễm môi trường. Chỉ khi xử lý nghiêm thì mới đủ sức răn đe. Như khi còn là Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã nói: chúng ta không có chế tài nghiêm, xử phạt nghiêm thì nói mãi cũng “nhờn”.