Phòng vệ thương mại: Thua đậm: 42-1
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bỏ ngỏ ‘sân nhà”

Đây là cách so sánh được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra để nói về câu chuyện phòng vệ thương mại. Từ năm 1994 đến nay, Việt Nam phải đối mặt với 42 vụ tranh chấp thương mại ở thị trường nước ngoài, gồm có 35 vụ kiện chống bán phá giá, 6 vụ kiện tự vệ và 1 vụ kiện chống trợ cấp. Thế nhưng, trên sân nhà, tính đến thời điểm hiện nay, chỉ mới có duy nhất 1 trường hợp DN trong nước sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Đó là “vụ kính nổi Viglacera” – cách mà người ta gọi việc TCty Thủy tinh và Gốm xây dựng Viglacera (được Cty kính nổi Viglacera và Cty TNHH Kính nổi Việt Nam ủy quyền) – gửi đơn tới Bộ Công Thương yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi nhập khẩu vào Việt Nam. Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã có quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi nhập khẩu. Rõ ràng, công tác điều tra đã ít nhiều tác động vào thị trường kính nổi, làm giảm nhập khẩu mặt hàng này, gián tiếp giúp DN trong nước tăng lượng hàng bán ra.

Dù kết quả không được như “bên nguyên” mong muốn, nhưng vụ việc này cũng đã mở đầu một tiền lệ, khởi động tư duy phòng vệ thương mại chủ động.

Nhìn vào thực tế tình hình xuất nhập khẩu của nước ta những năm gần đây có thể thấy, việc nhập siêu không chỉ tác động cán cân tài chính, mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới nền sản xuất trong nước. Thậm chí, trong quá trình xâm nhập thị trường, nhiều khi DN nước ngoài ồ ạt tràn vào Việt Nam, có thể gây hại hoặc tác động tiêu cực tới sự tồn tại của các DN sản xuất trong nước. Thế nhưng, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ như thế nào là điều mà rất nhiều DN trong nước chưa nghĩ tới và chưa biết cách thực hiện.

Đánh thức “tiềm năng”

 Ông Lê Bá Phú – Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng, sở dĩ DN chưa sử dụng hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại này là do chưa thực sự hiểu biết hết lợi ích, tác dụng của nó.

 Để sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, ngoài việc “có tình”, DN còn phải biết trình bày “có lý”. Mà, để làm được điều đó, phải có hiểu biết sâu sắc về các quy định phòng vệ thương mại trong WTO. Thế nhưng, một con số thống kê sơ bộ cho thấy có tới 66% DN được hỏi thừa nhận không hiểu rõ về các nội dung cơ bản của các Hiệp định trong khuôn khổ WTO và gần 50% DN không biết về các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam liên quan đến ngành hàng của mình.

Một nguyên nhân khác khiến các DN Việt Nam “ngại” các biện pháp phòng vệ thương mại là “có vẻ liên quan đến tranh chấp”, “không muốn khơi ra việc kiện tụng”, và điều kiện để áp dụng công cụ phòng vệ thương mại của Việt Nam còn khá phức tạp, dường như nằm ngoài sức của DN Việt Nam trong việc thu thập số liệu ở trong nước cũng như điều tra thông tin ở nước ngoài.

Các chuyên gia về cạnh tranh cho rằng, DN nên liên kết với nhau trong các Hiệp hội để tạo sức mạnh và sự thống nhất trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại. Nhưng hơn hết, DN phải chủ động trang bị kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó cần chú trọng hơn tới các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tuy nhiên, một điều người viết bài này nhận thấy rằng, dù DN Việt Nam luôn kêu không có điều kiện tìm hiểu bài bản các quy định và kinh nghiệm hội nhập kinh tế thế giới, thế nhưng, ngay cả khi DN Việt Nam đối mặt với các vụ kiện thương mại gay gắt ở “sân khách”, thì nhiều hội thảo với sự góp mặt của các chuyên gia uy tín về lĩnh vực cạnh tranh được cơ quan chức năng tổ chức công phu vẫn chỉ nhận được sự tham gia ơ thờ của DN. Phải chăng, không phải DN Việt Nam không thể vận dụng hợp lý các quy định phòng vệ thương mại, mà là DN chẳng mấy quan tâm tới điều này?

Tuấn An
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam