Phát hành trái phiếu vàng có khả thi không?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trước khi nghĩ đến trái phiếu vàng, chắc chắn nhiều quan điểm cho rằng nên xem xét đến trái phiếu tiền đồng trước. Nhưng lâu nay, trái phiếu Chính phủ phát hành với lãi suất thấp, chủ yếu bán cho các Ngân hàng thương mại hoặc một số tổ chức tài chính lớn. Trái phiếu này lại không hấp dẫn với người dân. Thông thường, lãi suất trái phiếu phải cao hơn lãi suất tiền gửi cùng kỳ hạn mới thu hút được người mua. Nếu lãi suất huy động của ngân hàng từ 13% – 13,5%, thì lãi suất trái phiếu cũng phải trên 13%/năm. Nếu lãi suất trái phiếu và lãi suất huy động tương tương, chưa hẳn người dân đã chọn trái phiếu mà chọn cách gửi vào ngân hàng, vì khi cần có thể linh hoạt rút ra, trong khi trái phiếu phải đến thời gian đáo hạn cố định.

Một số chuyên gia kinh tế đề xuất nên phát hành trái phiếu nhằm huy động vàng trong dân, vì vừa tài trợ tốt cho ngân sách, vừa đáp ứng nhu cầu ngoại tệ. Bởi vàng có thể dễ dàng chuyển sang ngoại tệ, và có thể tránh tình trạng vàng hóa. Dưới góc độ chuyên gia kinh tế độc lập, chuyên gia Nguyễn Thanh Bình cho rằng, đây phải là trái phiếu bằng vàng thật và trả lãi suất cũng bằng vàng thật. Nếu quy đổi ra tiền đồng, người dân sẽ không mặn mà vì lo ngại lạm phát. Nhưng chuyên gia Nguyễn Thanh Bình phân tích, về lâu dài thì giải pháp này ẩn chứa nhiều rủi ro. Đầu tiên là rủi ro nợ công của Chính phủ sẽ rất lớn. Sẽ nguy hiểm, nếu đến thời điểm đáo hạn, giá vàng tăng mạnh theo giá thế giới, ngân sách Nhà nước vừa phải bù đắp khoản chênh lệch do giá vàng tăng, vừa phải trả lãi suất. Lúc đó nếu Chính phủ chưa cân đối được vàng thì sẽ mất khả năng thanh toán.

Rủi ro khác là: nếu lượng vàng huy động tốn kém, nhưng không sử dụng hiệu quả, thì có khả năng vỡ nợ ngay đối với người dân trong nước. Trong một phân tích mới đây cũng nhấn mạnh đến việc phát hành trái phiếu để thu vàng về phải qua rất nhiều khâu và tốn kém như: ấn định đơn vị mệnh giá trái phiếu cho phù hợp với khả năng mua trái phiếu vàng của người dân; vàng huy động về phải có trang thiết bị để kiểm tra chất lượng, tỷ lệ vàng, tuổi vàng; phải có nhân lực để thực hiện các công việc này. 

Vàng hóa cũng là rủi ro được cảnh báo ngay cả thời điểm này. Nếu phát hành trái phiếu vàng, gần như công nhận vàng là công cụ tiền tệ và được chính thức thừa nhận. Hiện nay vàng chỉ có một số chức năng của tiền tệ, nhưng về mặt luật pháp vẫn bị hạn chế. Do đó biện pháp huy động vàng tốt hơn là huy động qua các ngân hàng thương mại. Nếu gửi vào ngân hàng được hưởng lãi suất, người dân sẽ đi gửi dù lãi suất thấp. Song để huy động vàng ra, thì lãi suất cũng phải trả bằng vàng, đồng thời phải bảo đảm thống nhất lãi suất giữa các ngân hàng thương mại. 

Về việc huy động vàng qua các ngân hàng thương mại dường như ngược chiều với chủ ý siết chặt tín dụng vàng của Ngân hàng Nhà nước mới đây. Nhiều chuyên gia cho rằng, biện pháp hạn chế huy động vàng là do cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối không đủ mạnh. Ngân hàng Nhà nước lo ngại nếu tiếp tục để các ngân hàng thương mại huy động vàng, thì kích thích người dân tích trữ vàng và lại gửi vàng vào ngân hàng, đẩy giá vàng tăng. Trong khi đó, tiền để mua vàng từ thế giới là USD. Nếu thực hiện biện pháp huy động vàng qua ngân hàng, thì USD sẽ lại bị rút ra mua vàng, gây thêm áp lực nhập siêu, áp lực ngoại hối. Điều này trái với mong muốn tăng dự trữ ngoại hối của NHNN nên buộc phải siết chặt.

Song huy động vàng vào hệ thống ngân hàng vẫn là giải pháp tình thế. Về dài hạn, để giải quyết khó khăn ngoại hối và ngân sách vẫn phải là điều chỉnh tỷ giá để không cho phép thâm hụt vãng lai trong hai, ba năm tới. Thậm chí, tiến tới phải thặng dư vãng lai, tức tiền kiều hối và xuất khẩu dịch vụ phải bù đắp được thâm hụt thương mại, tiến tới thặng dư thương mại.

Vũ Dũng
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân