Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Chính sách mở ra cơ hội
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tăng mức hỗ trợ

Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công thương Phan Đăng Tuất khẳng định, đây là thời cơ “vàng”, thời điểm chín muồi để phát triển CNHT. Kinh nghiệm của các nước phát triển CNHT như Nhật Bản, Hàn Quốc… cho thấy điều kiện đầu tiên và kiên quyết chính là quốc sách, là sự vào cuộc của chính quyền. Nghị định 111/2015/NĐ-CP vừa ban hành và tới đây Chính phủ giao Bộ Công thương soạn thảo Luật về CNHT, đó là sự mở đường cho CNHT, tạo sự lan tỏa và thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển.

CNHT là nền tảng đặc biệt quan trọng trong phát triển công nghiệp, thông qua việc cung cấp linh kiện, phụ tùng và các quy trình kỹ thuật. CNHT không phải là ngành công nghiệp mang tính chất phụ trợ hay hỗ trợ, đây là ngành “xương sống” của nền công nghiệp quốc gia.

Để phát triển ngành CNHT trong nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT, có hiệu lực từ ngày 1.1.2016. Với sự ra đời của Nghị định này, doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư vào CNHT sẽ được hưởng nhiều ưu đãi. Cụ thể, đối với tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên sẽ được hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí đối với dự án sản xuất thử nghiệm. Dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển sản xuất CNHT sẽ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai; được xem xét hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu từ Chương trình phát triển CNHT.

Điểm mới của Nghị định này, theo các chuyên gia, đó là thay đổi về mức độ hỗ trợ như ở khâu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chi phí chế tạo thử nghiệm sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên được hỗ trợ tối đa đến 50%; hay như Nhà nước hỗ trợ tối đa đến 75% chi phí chuyển giao công nghệ đối với Dự án sản xuất vật liệu có sử dụng trên 85% nguyên liệu là sản phẩm của quá trình chế biến sâu khoáng sản trong nước để phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ…

Bên cạnh đó, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương Phạm Tuấn Anh cho biết, thủ tục hành chính được cải thiện triệt để, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN. Nếu như chính sách phát triển CNHT trước đây không rõ ràng do phải tham chiếu quá nhiều văn bản khác nhau, khiến DN khó tham gia. Để khắc phục tồn tại này, chính sách phát triển CNHT mới được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết 19/2015/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nên nội dung sẽ đưa thẳng vào văn bản thay vì tham chiếu hết các văn bản này đến văn bản khác.

Trong bối cảnh ngành CNHT đang phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn và việc hoàn thiện cơ chế, chính sách là điều các DN mong mỏi hơn bao giờ hết.

Chủ động mở rộng thị trường

Điều kiện và chính sách phát triển ngành CNHT đã sẵn sàng. Tuy nhiên, có tận dụng được cơ hội hay không phụ thuộc vào sự nhạy bén của mỗi DN. Để CNHT phát triển có hai yếu tố quan trọng, đó là thị trường và năng lực sản xuất.

Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa, nên việc đầu tư phát triển các loại linh kiện, chi tiết gặp không ít khó khăn do thiếu công nghệ đạt tiêu chuẩn cạnh tranh quốc tế cần thiết. Theo các chuyên gia, DN trong từng ngành công nghiệp chuyên sâu cần chủ động, tích cực thay đổi mô hình đầu tư, lấy đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn cần đạt được theo nhu cầu khách hàng làm căn cứ. Các DN CNHT cần nâng cao năng lực sản xuất để tận dụng được cơ hội tại thị trường nội địa, từng bước hình thành quy trình và làm chủ công nghệ sản xuất.

Trong thời gian tới, khi Việt Nam hội nhập sâu với việc ký kết nhiều FTAs, các DN cũng cần chủ động tìm kiếm đối tác không chỉ ở thị trường nội địa mà cả ở các nước khác. Đây là bước đi vững chắc cho DN. Giám đốc Trung tâm SIDEC, Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công nghiệp, Bộ Công thương – TS. Trương Thị Chí Bình cho biết, nhiều DN rất khó khăn trong thị trường nội địa nhưng ra nước ngoài lại có thể tìm được đơn hàng. Vì thị trường nước ngoài rất đa dạng và DN đáp ứng được những đơn hàng đó và những thị trường ngách mà trong nước không có. Chi phí tìm thị trường ngách này sẽ đắt đỏ nhưng nó tạo nhiều cơ hội và những bước phát triển mới cho DN. Nếu DN quyết tâm theo đuổi cuộc chơi này thì phải nhìn có tầm nhìn rộng hơn.

Mai Phương
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân