Phát triển công nghiệp: Thiết kế, thực thi chính sách là quan trọng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hỗ trợ nhằm phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên là công cụ chính sách phổ biến tại các quốc gia thực thi chính sách công nghiệp. Mục tiêu của chính sách này là thay đổi cơ cấu sản xuất của những ngành công nghiệp được ưu tiên, thông thường là những ngành đóng vai trò trọng yếu, có tính lan tỏa và có tiềm năng tăng trưởng cao.

Cho đến nay đã có nhiều quốc gia trên thế giới đi theo cách làm này và gặt hái được nhiều thành công. Nhật Bản bắt đầu quá trình công nghiệp hóa với ngành dệt may (bông, len và lụa). Hàn Quốc bắt đầu từ việc xuất khẩu hàng may mặc giá rẻ và tóc giả; rồi từ đó mới chuyển sang lắp ráp radio transitor và TV đen trắng; sau đó quay sang ô tô, thép; sau khi đã thành công trong những nỗ lực này mới bắt tay vào sản xuất, xuất khẩu bán dẫn và màn hình LCD.

Ảnh minh họa

Việc lựa chọn các ngành công nghiệp mục tiêu của các quốc gia nêu trên, thực tế dựa trên thực lực công nghệ của quốc gia và bối cảnh thị trường thế giới. Đài Loan trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa cũng phải dựa vào những ngành thâm dụng lao động và công nghệ chậm thay đổi như dệt may, da giày và đồ nhựa; sau đó đến tận thập niên 1980-1990 mới dần chuyển sang thiết bị điện tử, truyền thông, công nghệ thông tin; rồi đến thập niên 2000 mới khẳng định được vị trí vững chắc trên thị trường thế giới trong ngành thiết bị phân tích và tiếp tục khẳng định vị trí trong ngành công nghệ thông tin.

Tuy nhiên với trường hợp của Việt Nam, TS. Vũ Thành Tự Anh, Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, quan điểm lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên trong đó nhắm vào một số sản phẩm cụ thể đã trở nên lạc hậu. Ngay ở những nền kinh tế được coi là thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan thì hiện nay những phân tích định lượng về hiệu quả của chính sách công nghiệp ưu tiên cũng không còn rõ ràng, thậm chí gây nhiều tranh cãi.

Vì vậy, Việt Nam không nên theo đuổi chính sách ưu tiên một số sản phẩm công nghiệp cá biệt như hiện nay. Thay vào đó, Chính phủ nên thực thi chính sách ưu tiên phát triển một số lĩnh vực phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển dài hạn của đất nước.

TS. Vũ Thành Tự Anh cho biết thêm, những cuộc tranh luận về phát triển công nghiệp gần đây chỉ ra rằng, sự thành công phụ thuộc vào việc chính sách được thiết kế và thực hiện như thế nào. Nói cách khác, vấn đề không nằm ở việc có hay không có chính sách công nghiệp, mà nằm ở việc chính sách công nghiệp có được thiết kế tốt và thực hiện hiệu quả hay không.

Tuy nhiên, trong trường hợp Chính phủ không muốn sử dụng cách tiếp cận mới mà vẫn muốn đi theo cách tiếp cận lựa chọn ngành công nghiệp mục tiêu như hiện nay, thì việc lựa chọn các ngành công nghiệp mục tiêu phải được thực hiện một cách thật bài bản, kỹ lưỡng và thận trọng.

Để lựa chọn các ngành công nghiệp mục tiêu, Chính phủ cần tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản là: Ngành công nghiệp ưu tiên phải thuận theo lợi thế so sánh động của Việt Nam; Tuyệt đối không đưa vào danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên một cách duy ý chí, đi ngược lại lợi thế so sánh của Việt Nam; Việc lựa chọn các ngành công nghiệp mục tiêu phải thực tế, dựa trên thực lực công nghệ của quốc gia và bối cảnh thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp ưu tiên nên là các ngành tạo ra tác động lan tỏa tích cực đáng kể cho các ngành khác trong nền kinh tế. Nếu không, việc can thiệp của Chính phủ không giúp sửa chữa thất bại thị trường trong khi tạo ra gánh nặng và sự biến dạng trong nền kinh tế. Một nguyên tắc khác là ngành công nghiệp ưu tiên phải là ngành đang có tốc độ tăng trưởng cao trên thị trường nội địa và/hoặc thế giới, vì điều này chứng tỏ ngành được ưu tiên là ngành có nhu cầu cao và do vậy có tiềm năng phát triển trong tương lai.

Cho đến khi Việt Nam hết giai đoạn dân số vàng (dự báo điều này xảy ra vào khoảng năm 2025), Việt Nam vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh một số ngành công nghiệp thâm dụng lao động mà Việt Nam sẵn có thế mạnh như dệt may và da giày… Nhưng vẫn cần ưu tiên những ngành tạo ra giá trị gia tăng cao, tạo ra năng lực cạnh tranh trong tương lai và các ngành có tính chất kết nối cao.

Các ngành công nghiệp ưu tiên cũng nên là những ngành thân thiện với môi trường. Trong trường hợp cần đưa một ngành có nguy cơ ô nhiễm vào danh mục ưu tiên thì phải đảm bảo cơ chế giám sát và điều tiết để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường, tránh những chi phí to lớn về môi trường và xã hội trong tương lai. 

“Từ kinh nghiệm xây dựng các ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam trong thời gian qua, Chính phủ nên thu gọn lại danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên để đảm bảo có đủ nguồn lực – không chỉ là nguồn lực vật chất mà còn là con người, tổ chức và thể chế để có thể triển khai các hoạt động hỗ trợ ngành ưu tiên một cách có hiệu quả…”, TS. Vũ Thành Tự Anh đề xuất.

Quốc Tuấn
Nguồn: http://thoibaonganhang.vn/phat-trien-cong-nghiep-thiet-ke-thuc-thi-chinh-sach-la-quan-trong-61107.html