Quản lý an toàn thực phẩm: Không nên đổ lỗi cho các quy định của pháp luật
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đoàn giám sát cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2016, cả nước đã  thành  lập  được 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm, chiếm 20,3%.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các chế tài xử phạt đã được đẩy mạnh qua các năm. Cụ thể, tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền (trước đây chỉ là cảnh cáo) tăng từ 30% năm 2011 lên 67,1% trong năm 2016; số tiền phạt trung bình 1 cơ sở tăng từ 1,35 triệu đồng (2011) lên 3,73 triệu đồng (2016).

Đặc biệt trong năm 2016, Bộ Y tế đã tiến hành thanh tra Công ty URC, Công ty Coca Cola và Công ty Minh Thái Lộc cung cấp phụ gia thực phẩm cho Công ty URC, đã xử phạt vi phạm hành chính 3 Công ty này gần 6,5 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2016, các cơ quan thuộc Bộ và 44 tỉnh/thành phố đã tổ chức được 14.787 cuộc kiểm tra về an toàn thực phẩm theo kế hoạch đối với 151.017 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản, xử phạt cảnh cáo 11.324 cơ sở (chiếm 7%), xử phạt tiền 6.138 cơ sở (chiếm 4%) với tổng số tiền phạt là 18.968 triệu đồng; tổ chức 1.071 cuộc thanh, kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với 7.672 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản, xử phạt cảnh cáo 1.146 cơ sở (chiếm 15%), xử phạt tiền 1.050 cơ sở (chiếm 14%) với tổng số tiền phạt là 4.907 triệu đồng.

Đặc biệt năm 2015, 2016, Bộ đã tổ chức 2 đợt cao điểm thanh, kiểm tra đấu tranh đẩy lùi đi đến chấm dứt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ngăn chặn, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Trong khi Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, ngành Công Thương đã kiểm tra, xử lý 55.580 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP; tổng số tiền thu được từ việc xử phạt vi phạm hành chính là 143,445 tỷ đồng; trị giá hàng hóa là 90,084 tỷ đồng. Ngành Công an, nòng cốt là Cảnh sát môi trường cũng đã phát hiện 13.296 vụ việc vi phạm pháp luật về ATTP, trực tiếp xử lý 8.276 vụ, xử phạt hành chính 64,942 tỷ đồng, chuyển cơ quan khác xử lý 5.020 vụ.

Tuy nhiên, thực phẩm bẩn vẫn đang là “quốc nạn” và nhiều nguyên nhân đã được Ủy ban Thường vụ quốc hội đề cập đến, trong đó có những nguyên nhân dường như là bất khả kháng. Đó là việc nước ta mới triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về ATTP được trên 10 năm, một thời gian quá ngắn để giải quyết vấn đề quá lớn đó là vấn đề ATTP.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, vi phạm về ATTP có thể bị tù chung thân, tử hình. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm nhẹ nhất là 2 – 5 năm tù. Nếu vi phạm nghiêm trọng có thể bị tù chung thân hoặc tử hình. Do vậy, hành lang pháp lý hiện nay hoàn toàn đủ sức răn đe với các tội phạm liên quan tới vấn đề ATTP.

Song theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, luật có đầy đủ nhưng đưa ra xử lý rất khó. Vì không có tiêu chí nào đánh giá sức khỏe tổn hại như thế nào. Chính vì vậy, nghe rất nghiêm khắc nhưng lại không xử được ai.

Giải trình ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu về lý do tại sao số vụ xử lý hình sự rất ít trong khi chúng ta đánh giá việc vi phạm về ATTP hiện nay rất nghiêm trọng, Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, Bộ Luật Hình sự có quy định các tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, ít nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, nhưng lại chưa được cụ thể hóa hậu quả này là như thế nào nên việc xử lý là rất khó. Trong khi đó, việc giám định người bị ảnh hưởng, chất gây ảnh hưởng tới sức khỏe, độc tố cũng rất khó khăn vì nhiều khi hậu quả không xảy ra ngay. Có những vụ uống rượu vài ngày mới ngộ độc. Vì vậy, danh mục sử dụng chất cấm các lĩnh vực, các ngành cần phải đầy đủ và rõ ràng hơn…

Ông Nguyễn Mai Bộ, thành viên đoàn giám sát thì cho rằng chúng ta cứ nói thiếu chế tài về hình sự là chưa phải. Các văn bản pháp luật đã quy định rất đầy đủ nhưng vấn đề ở đây là những người có trách nhiệm không thi hành. Để xảy ra các vụ mất ATTP ở các địa phương trách nhiệm của các bộ là rất lớn, nhưng các bộ không thể về hết các địa phương. Vì vậy vấn đề hiện nay các bộ phải tư vấn cho Chính phủ như thế nào để các địa phương cần phải thực hiện nghiêm túc các quy định về ATTP chứ không nên đổ lỗi cho các quy định của pháp luật.

Dương Công Chiến
Nguồn: http://thoibaonganhang.vn/quan-ly-an-toan-thuc-pham-khong-nen-do-loi-cho-cac-quy-dinh-cua-phap-luat-61901.html