Quản lý hoạt động xuất nhập khẩu vàng bằng chính sách thuế hợp lý
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Agribank TS Phạm Hoài Bắc: Tiến tới tự do hóa xuất nhập khẩu vàng

Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư vào thị trường vàng lớn như hiện nay, việc thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia góp phần tạo một kênh đầu tư an toàn hiệu quả. Đồng thời, thông qua đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể kiểm soát điều tiết thị trường vàng. NHNN sẽ thành lập công ty theo dõi, điều hành các hoạt động của Sở Giao dịch vàng và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cao để quản lý hoạt động này một cách chuyên nghiệp.

Các ngân hàng chuyển hình thức huy động vàng bằng sổ tiết kiệm sang chứng chỉ tiền gửi bằng vàng, tuy nhiên lãi suất thì không thay đổi. Người dân sẽ mạnh dạn gửi tiết kiệm vàng vì vừa an toàn vừa được hưởng lãi. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu cho doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn, có uy tín với khách hàng xuất, nhập khẩu nhiều hơn nữa và tiến dần tới việc tự do hóa hoạt động này, chỉ nên điều chỉnh bằng chính sách thuế, để tránh mất cân đối cung cầu. Nếu chỉ cho nhập, mà không cho xuất như hiện nay sẽ càng làm mất cân đối về cán cân ngoại tệ. Vì vậy, cần cho xuất khẩu vàng khi cần thiết để tạo ra ngoại tệ cho đất nước.

Trong điều hành thị trường vàng, không nhất thiết phải công bố vàng nhập khẩu cụ thể là bao nhiêu, bởi thông tin trong kinh tế nhiều khi chỉ cần là đòn gió để đánh vào tâm lý bầy đàn. NHNN nên hoàn thiện phương pháp luận xây dựng các chỉ tiêu thống kê tiền tệ, cán cân thanh toán quốc tế và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác phù hợp với phương pháp luận của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và thông lệ quốc tế. NHNN nên phối hợp với các tổ chức tài chính quốc tế về xây dựng hệ thống các chỉ số lành mạnh tài chính của hệ thống ngân hàng Việt nhằm phục vụ hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo sớm về kinh tế vĩ mô và hoạt động tiền tệ, ngân hàng của NHNN.

PGS TS Nguyễn Thị Phương Liên, ĐH Thương mại: Nên đánh thuế thu nhập cá nhân với nhà đầu tư vàng

Phải cân nhắc tỷ lệ ký quỹ trong kinh doanh vàng trên tài khoản. Nếu chỉ án định tỷ lệ ký quỹ quá thấp như trước đây (5 – 7%) cũng có nghĩa là khuyến khích dòng vốn chảy vào hoạt động đầu cơ; mặt khác, còn làm gia tăng mức độ rủi ro cho cả nhà đầu tư và ngân hàng. Nhưng nếu tỷ lệ ký quỹ quá cao cũng sẽ không hợp lý vì giá trị của vàng rất lớn và điều này cũng dễ dẫn đến các tình trạng kinh doanh chui, vi phạm pháp luật.

Từ lâu, nhà đầu tư chứng khoán chỉ được vay không quá 40% giá trị tài sản của mình để mua thêm chứng khoán. Còn nhà đầu tư bất động sản về lý thuyết thì được vay số tiền không quá 70% giá trị tài sản thế chấp, nhưng thực tế do ngân hàng định giá tài sản thấp nên người vay chỉ được vay khoảng 50% giá trị tài sản để mua bất động sản. Vì vậy, trước mắt nên yêu cầu mức ký quỹ kinh doanh vàng qua tài khoản trên sàn vàng khoảng 50 – 70%, sau đó tùy theo tình hình phát triển thực tế, sự hoàn chỉnh của hoạt động giao dịch sàn vàng mà có thể xem xét giảm dần. Nghĩa là khi nào hoạt động sàn vàng đi vào ổn định, trình độ quản lý được nâng cao thì có thể từng bước giảm mức ký quỹ để tăng thêm tính hấp dẫn của sàn vàng. Mặt khác cần bổ sung những người kinh doanh trên sàn vàng vào đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân như với kinh doanh chứng khoán.

TGĐ Công ty CP Sài Gòn Kim Hoàn ACB – SJC ThS Trần Trọng Quốc Khanh: Cần quy định quy cách vàng miếng

Cần quy định đến một quy mô giao dịch nào đó, việc mua bán vàng miếng hoặc vàng vật chất phải thực hiện bằng chuyển khoản thay cho tiền mặt, góp phần giảm áp lực kiểm điểm tiền mặt, tăng tuổi thọ của tiền polymer, giảm thiểu hoạt động kinh tế ngầm, phòng chống rửa tiền. Doanh nghiệp nào cố tình chia tách hóa đơn thành nhiều khoản nhỏ để lách việc thanh toán bằng chuyển khoản nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt nặng.

Sau khi xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, cần quy định quy cách sản phẩm vàng miếng. Cụ thể, quy định hình dạng các loại sản phẩm vàng miếng, vàng thỏi phù hợp tập quán trong nước và quốc tế. Quy định nhà sản xuất vàng miếng phải cấp giấy chứng nhận nguồn gốc sản phẩm, ghi rõ địa chỉ và thông tin liên lạc của nhà sản xuất. Quy định phân loại tỷ lệ hàm lượng vàng (tuổi vàng) được phép giao dịch trên thị trường; quy định xử lý vi phạm về gian lận tuổi vàng, gian lận trọng lượng vàng. Mặt khác, cần hỗ trợ hoạt động khai khoáng vàng trong nước. NHNN cũng cần cung cấp các sản phẩm/dịch vụ tiên tiến cho thị trường vàng; xây dựng trung tâm giám định vàng quốc gia độc lập để đóng dấu hợp chuẩn chất lượng của trung tâm, kiểm soát chất lượng tuổi vàng, chống tình trạng gian lận tuổi vàng.

Đối với hoạt động quản lý xuất nhập khẩu vàng, nên duy trì thuế nhập khẩu vàng ở mức 0% như hiện nay, có thể nâng nhẹ lên 0,5% khi cần thiết; giảm thuế xuất khẩu vàng ở mức 10% như hiện nay xuống còn 0,5%. Mức thuế cao không khuyến khích việc xuất khẩu vàng để đưa ngoại tệ về đất nước, trái lại còn tạo điều kiện hoạt động xuất khẩu vàng lậu qua biên giới.
Xây dựng sàn giao dịch vàng quốc gia. Đây là sàn vàng thuộc sở giao dịch hàng hóa, tức xem vàng như một loại hàng hóa. Các ngân hàng, doanh nghiệp là thành viên của sàn vàng; điều tiết hoạt động sàn vàng bằng các giải pháp kỹ thuật như: đối tượng tham gia, tỷ lệ ký quỹ, quy mô trạng thái mở qua đêm được phép duy trì, dư nợ tín dụng tại sàn vàng, xử lý vi phạm. NHNN xem xét tổ chức thi và cấp chứng chỉ kinh doanh vàng cho những cá nhân, tổ chức hoạt động trong ngành vàng, tương tự như chứng chỉ kinh doanh chứng khoán.

Hải Dương thực hiện
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân