Quản lý lao động nước ngoài: “Quả bóng trách nhiệm” về chân ai?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vì thế, để nắm được chính xác tình hình sử dụng lao động nước ngoài, bộ Lao động – thương binh và xã hội đã tổ chức hai đoàn thanh tra tại các địa phương từ đầu tháng 5 vừa qua. Chiều ngày 26.5, trả lời báo Sài Gòn Tiếp Thị, thứ trưởng bộ Lao động – thương binh và xã hội Nguyễn Thanh Hoà cho biết hiện tại một đoàn kiểm tra vẫn đang thực hiện công việc của mình tại Hà Nội và chưa có kết quả. Như vậy chỉ còn năm ngày nữa để bộ này vừa đưa ra kết quả, vừa cùng với liên bộ (Ngoại giao, Kế hoạch và đầu tư, Công an, Quốc phòng, Xây dựng…) bàn và trình Thủ tướng xem xét sửa đổi cơ chế quản lý lao động nước ngoài hiện nay.

Nhầm đối tượng

Hiện nay, nghị định 34 vẫn còn hiệu lực và vẫn là minh chứng cho một tư duy quản lý không rõ ràng, thậm chí còn nhầm lẫn về các đối tượng điều chỉnh. Từ đó chính sách quản lý lao động nước ngoài trở nên khó hiểu, khó thực hiện như lời bình luận của một chuyên gia: “Tất cả những người nào muốn chấp hành thì không chấp hành được, ai muốn lách luật thì quá dễ”.

Tất cả những người nước ngoài vào Việt Nam để làm việc được phân ra thành ba đối tượng chính, đó là dạng dịch chuyển thể nhân theo thị trường dịch vụ (được WTO quy định), dịch chuyển lao động trên thị trường lao động và những người làm việc tại văn phòng đại diện của các tổ chức phi chính phủ (NGO). Với kỳ vọng quản lý tất cả các đối tượng này và sự nhầm lẫn về khái niệm, nghị định 34 đã gom cả ba dạng dịch chuyển này vào đối tượng điều chỉnh và đưa ra chính sách quản lý chung, đó là, cứ vào Việt Nam làm việc trên ba tháng thì phải xin giấy phép từ cơ quan lao động địa phương.

Theo quy định của WTO, dạng dịch chuyển thể nhân theo thị trường dịch vụ là đương nhiên. Người lao động dịch chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác làm việc theo hiện diện thương mại là điều bắt buộc trong WTO và họ không phải xin giấy phép lao động. WTO chỉ quy định ba loại trong dịch chuyển thể nhân, đó là M (Manager – quản lý), E (Executive – điều hành) và S (Specialist – chuyên gia). Các nước trong WTO không yêu cầu cả ba đối tượng M, E và S phải xin giấy phép lao động, cơ quan quản lý họ là cơ quan quản lý lĩnh vực thương mại dịch vụ. Những người làm việc trong các tổ chức phi chính phủ thường thuộc quản lý của bộ Ngoại giao và họ cũng không phải xin giấy phép lao động.

Vòng lẩn quẩn

Như vậy trách nhiệm của ngành lao động là quản lý dịch chuyển lao động trên thị trường lao động. Việc mở cửa hay đóng cửa thị trường lao động của mỗi nước là chủ định của mỗi quốc gia. Chỉ dạng dịch chuyển này mới phải quản lý bằng giấy phép. Sự nhầm lẫn ngay từ trong đối tượng điều chỉnh của nghị định 34 và tham vọng quản lý tất cả ba dạng dịch chuyển liên quan đến lao động đã khiến cho nghị định này trở nên phức tạp và khó thực hiện. Chính ngành lao động là cơ quan cấp giấy phép nhưng cũng không biết số lao động được cấp phép là bao nhiêu và bao nhiêu người đang làm việc không phép. Bộ có thể xa, nhưng các sở, phòng lao động tại địa phương cũng không quản lý được, xuất phát từ sự rối rắm của nghị định 34. Theo nguồn tin riêng của Sài Gòn Tiếp Thị, ở thời điểm này bộ Lao động – thương binh và xã hội không có ý định trình Chính phủ sửa nghị định 34. Nhưng chừng nào nghị định 34 còn có hiệu lực thì việc quản lý dòng dịch chuyển của người nước ngoài vào nước ta làm việc vẫn còn lẩn quẩn. Cơ quan thanh tra phát hiện ra lao động làm việc không giấy phép nhưng cũng chỉ phạt hành chính và không có quyền trục xuất lao động.

Tây Giang

TPHCM: kiến nghị “buộc xuất cảnh” đối với lao động nước ngoài

Điều chỉnh từ “trục xuất” thành từ “buộc xuất cảnh” vì trục xuất thuộc thẩm quyền của bộ trưởng bộ Công an nên trình tự và thủ tục phức tạp và kéo dài, còn buộc xuất cảnh thuộc thẩm quyền của giám đốc Công an thành phố sẽ đơn giản và hiệu quả hơn là đề nghị của sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM trong báo cáo về tình hình cấp giấy phép và quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn thành phố.

Cũng theo báo cáo gần đây của sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM thì tính đến cuối tháng 4.2009, thành phố đã cấp phép lao động cho 14.656 lượt lao động nước ngoài. Hiện nay, vẫn còn nhiều nhà tuyển dụng và doanh nghiệp cố tình không chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về tuyển dụng và sử dụng lao động nước ngoài trong đó có việc sử dụng nhiều lao động nước ngoài không phép. Báo cáo cũng cho biết, việc quản lý lao động nước ngoài dựa trên tính chủ động chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và bản thân lao động nước ngoài nên sở Lao động – thương binh và xã hội chỉ có thể quản lý được số lao động đã cấp phép, đối với những doanh nghiệp cố tình vi phạm thì các cơ quan chức năng thực sự khó khăn trong vấn đề quản lý và thống kê.

Hà Dịu

Nguồn: Báo điện tử Sài Gòn tiếp thị