Quản lý ô tô NK: Cần hàng rào kỹ thuật hơn hạn chế thương mại
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vụ Hợp tác quốc tế cho rằng: Quan điểm bãi bỏ Thông tư 20 sẽ dẫn đến lượng nhập khẩu ô tô tăng, làm tăng thu ngân sách là chưa hoàn toàn đúng. Lượng xe nhập khẩu tăng sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, dẫn đến ảnh hưởng nguồn thu thuế nội địa và việc làm, phúc lợi xã hội. 

Trên thực tế nếu xét về góc độ cạnh tranh bình đẳng thì Thông 20 có phần làm hạn chế khả năng thương mại của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, hạn chế này cũng chỉ dừng ở khía cạnh về thương mại, còn vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm và các dịch vụ đi kèm thì vẫn cần phải cân nhắc có những đánh giá cụ thể hơn về hiệu quả của Thông tư này. 

Theo Vụ Hợp tác quốc tế, nếu xét về góc độ người tiêu dùng thì có phần hạn chế quyền được lựa chọn các sản phẩm khác nhau ở các mức giá khác nhau.

Nêu ra một số đề xuất, Vụ Hợp tác quốc tế cho rằng nên đề nghị Bộ Công Thương có đánh giá cụ thể về kết quả đạt được kể từ khi ban hành Thông tư cho đến nay và nhận định xem Thông tư đã đạt được những mục tiêu đề ra chưa. 

Dựa trên việc phân tích lợi ích và bất cập đứng trên góc độ của người tiêu dùng, các doanh nghiệp nhập khẩu, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp và các cơ quan quản lý Nhà nước để phân tích và đề xuất kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ.

Về khía cạnh pháp lý, đơn vị cũng đề nghị Bộ Công Thương có đánh giá về sự phù hợp của Thông tư 20 với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các cam kết quốc tế khác trong các Hiệp định thương mại để báo cáo Thủ tướng.

Bên cạnh đó, theo quan điểm của Vụ Hợp tác quốc tế, trong bối cảnh hiện nay, với xu thế loại bỏ hàng rào thuế quan của các FTA thì càng cần nghiên cứu xây dựng các quy định tập trung vào hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật hơn là hạn chế thương mại để đảm bảo quyền lợi và lợi ích của người tiêu dùng, cũng như là góp phần đẩy mạnh đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực sản xuất còn non trẻ của Việt Nam.

Đặc biệt, cần xây dựng các quy định này theo tinh thần Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với tiêu chí đến năm 2020, sản xuất xe 9 chỗ trong nước phải đáp ứng 60% nhu cầu nội địa và đến năm 2035 là 75% nhu cầu nội địa. “Do đó, Bộ Công Thương càng cần có những công cụ hiệu quả để bảo vệ nền sản xuất trong nước trong giai đoạn khó khăn này” – văn bản nêu rõ.

Ở một khía cạnh khác, Vụ Hợp tác quốc tế cho biết: Hiện nay, mặt hàng ô tô từ 9 chỗ trở xuống được phân loại vào nhóm 8703. Theo Danh mục Biểu thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN) 2017, toàn bộ nhóm hàng này sẽ được cơ cấu lại, xuất hiện thêm nhiều mặt hàng mới, trong đó có loại xe kết hợp giữa chạy xăng và chạy điện, chạy dầu và chạy điện. 

Mức thuế suất của các dòng xe này do bị gộp nên có thể sẽ phải lấy mức thuế nhập khẩu thấp của dòng xe chạy điện. Do đó tình hình nhập khẩu các loại xe sẽ có thể có nhiều sự thay đổi phù hợp với xu hướng thị trường. 

Trong bối cảnh đó, cần thiết phải có sự phối hợp giữa Bộ Công Thương với Bộ Khoa học và Công nghệ để xây dựng các quy định quản lý đồng bộ, phù hợp với tình hình mới.

Nguồn: Báo điện tử Hải quan