Quản lý xỉ thép : Lúng túng trong xử lý
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Do không tính trước việc xử lý nguồn thải từ ngành sản xuất thép, đặc biệt là xỉ thép từ các lò luyện phôi thép. hơn thế, các nhà quản lý chuyên ngành ở tỉnh chưa ngã ngũ trong việc phân định tính chất của xỉ thép, nên 5 năm qua, kể từ khi các nhà máy luyện thép đi vào hoạt động, xỉ thải vẫn được đặt ở trong vòng kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, và buộc phải đem chôn lấp. Mọi cách xử lý khác đều bị xem là vi phạm và phạt rất nặng.

Rắc rối và bê bối

Vào dịp Tết Nguyên đán năm 2009, nhà máy thép Thép Việt đã bị hàng chục hộ dân gần khu vực kéo đến bao vây, không cho hoạt động vì bụi xỉ thép “tấn công”. Mới đây, các hộ dân ở ấp Ngọc Tân tiếp tục kiện ra tận Bộ TN- MT vì bụi từ đống xỉ thép khổng lồ tới hàng trăm ngàn tấn từ khuôn viên nhà máy này bay ra với mật độ rất dày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và đe dọa sức khỏe của người dân, đặc biệt là vào mùa gió chướng.

Cũng liên quan đến chất thải này, ngày 31/7/2010, cơ quan chức năng đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính đối với Cty TNHH Kim Ngưu (chuyên thu gom vận chuyển xỉ thép) vì hành vi đổ 8.000 tấn xỉ thải để san lấp mặt bằng, làm đường nội bộ của dự án đầu tư nhà máy thép Pomina tại KCN Phú Mỹ I, huyện Tân Thành. Tháng 4/2011, cơ quan cảnh sát môi trường, CA tỉnh lại phát hiện một DN thu gom vận chuyển xỉ thép đổ không đúng nơi quy định. Mới đây, các hộ dân ấp 6, xã Tóc Tiên lại có đơn thư khiếu nại về tình trạng Cty cổ phần Kim Quy tập kết và tái chế xỉ thép mà không có các biện pháp bảo vệ môi trường, để bụi xỉ và nước thải từ đống xỉ tràn ngập môi trường xung quanh. Ngoài ra còn rất nhiều vụ các DN đem xỉ thép chôn lén ở các khu vực dân cư thưa thớt, hoặc có dấu hiệu đem đổ xuống biển… Ông Trần Ngọc Thới – Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng nhìn nhận: “Có DN nói là đem sỉ thép sang bán cho Trung Quốc, nhưng có dấu hiệu lén đem ra biển đổ”.

Theo Trung tá Lê Văn Ninh – Phó trưởng phòng cảnh sát môi trường CA tỉnh, cốt lõi của vấn đề này là do trên địa bàn tỉnh không có chỗ cho các DN đổ xỉ thép, và cũng chưa có nhà máy tái chế xỉ thải nào đi vào hoạt động.

Thực tế, cách đây 4 – 5 năm, trên địa bàn tỉnh đã phát sinh xỉ thép, do sự ra đời đi vào hoạt động của ba nhà máy luyện phôi thép, tổng công suất 1,2 triệu tấn phôi thép/năm. Với tỉ lệ xỉ thải chiếm từ 13-18%/1 tấn phôi, lượng xỉ thép phát sinh từ ba nhà máy hàng ngày vào khoảng 400 – 600 tấn. Qua 5 năm, con số xỉ thải phát sinh đã hàng triệu tấn. Đáng nói là lâu nay, các nhà quản lý chuyên ngành ở tỉnh chưa ngã ngũ trong việc phân định tính chất của xỉ thép, chưa có giải pháp hữu hiệu trong bảo quản, quản lý, sử dụng xỉ thép nên thời gian qua lượng thải khổng lồ này vẫn phải đặt ở trong vòng kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Thời gian đầu giải pháp được cơ quan quản lý môi trường tỉnh tham mưu là chôn lấp. Tỉnh cũng dành hẳn một diện tích đáng kể trong khu 100 ha xử lý chất thải Tóc Tiên để chôn lấp chất thải công nghiệp, trong đó có sỉ thép. Tuy nhiên đến nay DA chôn lấp chất thải công nghiệp vẫn chưa hoàn thành. Mới đây, khi Bộ TNMT chính thức có văn bản không cho chôn lấp xỉ thép thì giải pháp mà các DN bất đắc dĩ phải áp dụng là tự lưu giữ xỉ thải. Mọi giải pháp xử lý khác đều được xem là vi phạm và bị xử rất nặng. Nhà máy thép Thép Việt, hay Thép miền Nam, đều phải dành 5 ha đất trong khuôn viên nhà máy để lưu giữ xỉ thép. Qua thời gian dài 4-5 năm, quỹ đất này trở nên quá nhỏ bé so với lượng xỉ thải. Nghịch lý giữa quỹ đất và số lượng xỉ thép dẫn đến nhiều bí bách và hàng loạt vụ việc rắc rối, bê bối liên quan đến xỉ thép diễn biến phức tạp và rất khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát môi trường.

Cần một lời giải

Trong tương lai, khi tất cả các dự án luyện phôi thép đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đi vào hoạt động, với tổng công suất 3,75 triệu tấn phôi thép/năm, hàng ngày lượng xỉ thải phát sinh vào khoảng 1.130 – 1.541 tấn.

Để giải quyết khó khăn cho các DN hoạt động trong ngành sản xuất có phát sinh xỉ thép, huyện Tân Thành đã đồng ý cho 4 DN gồm: Cty TNHH Anh Trung, Vạn Thuận, Gia Quí và Đại Thành thu gom và tạm lưu giữ, song chính các DN này cũng đang rất lúng túng trước lượng xỉ thép khổng lồ, và bản thân họ vẫn có những biểu hiện lén lút đưa xỉ thải đi xử lý trái quy định. Theo Trung tá  Lê Văn Ninh – Phó trưởng phòng cảnh sát môi trường CA tỉnh, việc lưu giữ xỉ thải tại nhà máy, và cả các DN có chức năng tạm lưu giữ như hiện nay vừa lãng phí tài nguyên đất lại vừa rất ô nhiễm về độ bụi cho chính các  nhà máy và các khu vực xung quanh. Với các nhà máy thép ở cách xa khu vực dân cư và lân cận quanh đó hiện chưa có nhiều nhà máy được xây dựng, thì chưa bị kiện tụng nhưng tình trạng không có nơi xử lý xỉ kéo dài thì chuyện bị bao vây, và phải đi hầu kiện như Thép Việt là chuyện trong nay mai.

Về phía chính quyền địa phương tỉnh, trước khó khăn của Cty CP thép Thép Việt, ông Trần Ngọc Thới – Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở TNMT, Cảnh sát môi trường, UBND huyện Tân Thành, làm việc trực tiếp với Cty Thép Việt, yêu cầu Cty dùng lưới, chắn xung quanh để cản bụi, làm giảm bớt bụi ra bên ngoài. Tuy nhiên đây chỉ là  giải pháp tình thế tạm thời.

Công cuộc đi tìm lời giải cho xỉ thải từ các nhà máy luyện phôi thép quả là nan giải, và hiện không còn là chuyện của các nhà sản xuất. Hơn bao giờ hết, các nhà sản xuất thép rất cần sự quan tâm từ các nhà quản lý. Trong đó, căn cơ nhất, hữu hiệu nhất vẫn là thu hút DA xử lý xỉ thép để giải quyết tận gốc, bảo đảm cho các nhà máy sản xuất thép hoạt động lâu dài. Bởi thực tế, như Trung tá Lê Văn Ninh: Phạt các DN thì dễ, nhưng như vậy là không tạo điều kiện cho DN hoạt động.

Trung Huỳnh
 Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp