Quỹ đầu tư lớn chưa để mắt đến thị trường chứng khoán
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lâu nay, có nhiều nhận định, đánh giá rằng: Việt Nam là một thị trường mới nổi hấp dẫn… Tuy nhiên, qua những gì tôi nghe, tìm hiểu được thì 90% nhà đầu tư nước ngoài gần như không có bất cứ sự quan tâm nào tới thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Những trường hợp coi TTCK Việt Nam là kênh đầu tư hấp dẫn cũng có, nhưng rất tiếc chỉ nằm trong tỷ lệ rất nhỏ còn lại.

Bên hành lang “hội nghị tài chính quốc tế” tổ chức tại London cuối tháng 9 vừa qua, một anh bạn học cũ, người nước ngoài, giờ là đại diện một ngân hàng tại Mỹ, đặt câu hỏi: “Anh cho tôi biết, tại sao chúng tôi lại phải quan tâm đến TTCK Việt Nam?”

Thú thực, khi ấy tôi không nghĩ được lý do nào. Nếu nói về tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam không thể bằng Trung Quốc; nếu nói về tốc độ tăng của TTCK vừa qua, chúng ta không bằng Indonesia hay Philippines… Mà với các quỹ đầu tư, mối quan tâm hàng đầu của họ phải là lợi nhuận – có thể nhìn thấy và nắm bắt được ngay.

Trong thời gian diễn ra hội nghị, tôi cũng có dịp trò chuyện với một số nhà phân tích, hoạch định chiến lược về phân bổ đầu tư toàn cầu của các tổ chức đầu tư lớn và được họ chia sẻ, với Việt Nam, ngoài lo ngại rủi ro rất lớn về tỷ giá là lo ngại về nguy cơ “lạm phát đình đốn” của nền kinh tế hiện nay.

Cụ thể, họ phân tích: lạm phát đang có dấu hiệu tăng trở lại, lãi suất tín dụng đứng ở mức cao trong một thời gian dài, khiến cho sản xuất trong nước gần như không phát triển. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp và tốc độ tăng doanh số bán lẻ có một sự chênh lệch quá lớn, cho thấy nhập khẩu sẽ phải tăng lên, nghĩa là sẽ thâm hụt thương mại, nghĩa là sẽ dẫn tới sự giảm giá đồng nội tệ và tất cả những yếu tố đó là biểu hiện của “lạm phát đình đốn”.

Bên cạnh đó, họ cũng bày tỏ mối quan ngại lớn khác là rủi ro chính sách. Như tại Mỹ, khi cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị điều chỉnh chính sách nào đó, liên quan đến lãi suất hay cung tiền, bao giờ cũng có những thông tin định hướng trước, chẳng hạn như: “Nền kinh tế của chúng ta đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại”. Những thông điệp kiểu này sẽ giúp giới đầu tư, người dân hiểu rằng, FED sẽ giữ nguyên lãi suất, hoặc duy trì ở mức thấp.

Trong khi đó ở Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài rất khó dự báo để hoạch định chính sách cho mình.

Về sản phẩm đầu tư, ngay cả những quỹ đã và đang quan tâm đến Việt Nam đều nói rằng, chưa biết sẽ làm gì nếu vào Việt Nam. Mới đây, chúng ta hồ hởi thông tin cho nhau, Citibank – một ngân hàng hàng đầu của Mỹ đang đàm phán để mua một công ty chứng khoán tại Việt Nam nhưng thực ra cách nay vài ngày, họ đã làm điều đó ở Malaysia và trước đó là ở Indonesia và Philippines, Việt Nam là những nước cuối cùng.

Vậy chúng ta có thể hy vọng gì ở tương lai? Đại diện một số quỹ nói với tôi rằng, họ rất kỳ vọng vào điểm mốc năm 2012, khi mà chúng ta có những chính sách nới lỏng nhất định cho giới đầu tư ngoại, theo lộ trình của WTO. Và đó cũng là niềm tin nho nhỏ của tôi.

Nguồn: Báo Điện tử Sài gòn Tiếp thị