Quy định mới về an toàn sản phẩm xuất khẩu vào Hoa Kỳ: Tăng gánh nặng lên doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Càng chủ lực, càng khó!

Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2008, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của VN vào Hoa Kỳ đã đạt 12 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của VN. Nhiều mặt hàng của VN như dệt may, đồ gỗ, thủy sản… đã đứng vào top những quốc gia có thế mạnh xuất khẩu vào nước này. Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của VN trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, như lời của Cục trưởng Cục An ninh nội địa Hoa Kỳ Janet Napolitano: “Chúng ta cần có một chiến lược an toàn để cân bằng giữa an ninh và thương mại đang diễn ra”, và việc Hoa Kỳ đã thông qua một số đạo luật và các văn bản quy định liên quan đến việc nhập khẩu hàng loạt mặt hàng (trong đó có nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN) là để thực hiện được mục tiêu kép nêu trên. Có ít nhất 3 đạo luật của Hoa Kỳ đã và sẽ có hiệu lực, gồm Đạo luật Nông trại (có thêm một số quy định mới); Đạo luật Lacey sửa đổi, thực thi toàn bộ từ ngày 22-5-2009 và Luật Cải tiến an toàn sản phẩm tiêu dùng. Theo đó, Hoa Kỳ sẽ tăng cường kiểm tra, giám định những lĩnh vực liên quan đến hàng dệt may, sở hữu trí tuệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp…

Theo bình luận của luật sư Brenda A. Jacobs, Công ty Luật Sidley Austin (Hoa Kỳ), những đạo luật này sẽ được áp dụng trên diện rộng với hơn 3/4 tổng mặt hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ có nguồn gốc từ VN sẽ phải chịu giám sát bằng cách này hay cách khác. Trong số đó, các mặt hàng của VN sẽ chịu tác động rất lớn như cá tra, cá ba sa; đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ; hàng may mặc và giày dép… Riêng đối với những quy định liên quan đến thủy sản, các nhà sản xuất của nước này đang vận động mạnh mẽ từ nhiều phía để Hoa Kỳ áp dụng bắt buộc phải phân loại theo chất lượng và điều này phải được thể hiện ngay trên bao bì sản phẩm. Cách làm này đồng nghĩa, chi phí cho các doanh nghiệp (DN) sẽ tăng dẫn đến giá thành sản phẩm cũng sẽ đội lên tạo sự cạnh tranh quyết liệt giữa các đối tác.

Tương tự, theo quy định mới từ Đạo luật Nông trại 2008, nhà nhập khẩu phải đáp ứng yêu cầu khai báo nhập khẩu chi tiết. Đạo luật này xuất phát từ việc các nhóm môi trường tại Hoa Kỳ khẳng định rằng 10% các sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Hoa Kỳ hàng năm trị giá khoảng 3,8 tỷ USD là từ gỗ chặt đốn trái phép.

Phải cẩn trọng hơn

Bà Cathy Sauceda, Giám đốc phụ trách An toàn nhập khẩu và các yêu cầu liên quan ngành Cơ quan Thương mại Quốc tế, cũng cho rằng, mục đích của việc soạn thảo và thực thi các quy định mới là nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh mới đây trong việc nhập khẩu hàng hóa không an toàn để tránh rủi ro bên ngoài biên giới Hoa Kỳ.

Do vậy, những quy định này không chỉ gia tăng gánh nặng cho nhà nhập khẩu mà các nhà xuất khẩu cũng sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Đối với một số đạo luật, hình phạt được áp dụng rất nặng và được xác định “hình phạt làm thay đổi yêu cầu của người mua”. Chẳng hạn, trong Đạo luật Lacey, trường hợp nhà nhập khẩu cố ý vi phạm mua bán các loại gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp, phạt 500.000 USD đối với 1 DN và 250.000 USD đối với 1 cá nhân; có thể chịu mức án tù lên đến 5 năm và tịch thu hàng hóa. Trường hợp khai báo nhập khẩu sai, sẽ chịu mức tội như trên hoặc phạt dân sự lên đến 100.000 USD…

Để xuất khẩu thành công vào Hoa Kỳ, các chuyên gia của Hoa Kỳ lưu ý, DN VN phải nghiên cứu kỹ các quy định mới cũng như các đạo luật mới, đồng thời quan tâm nhiều hơn đến các công đoạn trong chuỗi cung ứng, cùng với nhà nhập khẩu khai báo chính xác nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Việc Hoa Kỳ đồng loạt áp dụng các quy định mới sẽ đặt các nhà sản xuất trước những thử thách mới, song nếu thực hiện đúng những yêu cầu đặt ra thì đây cũng sẽ là cơ hội tốt để DN VN gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ. Làm được việc này, không còn cách nào khác DN phải sản xuất ra những sản phẩm chất lượng và có một “lý lịch” rõ ràng với mức giá cạnh tranh.

Theo khuyến cáo của một quan chức Bộ Công thương, các quy định của Hoa Kỳ thực chất là các hàng rào kỹ thuật mới, rất phức tạp nhằm bảo hộ sản xuất trong nước. Do vậy, các DN cần khai thác tối đa mối quan hệ với các nhà nhập khẩu bản địa để nắm bắt, tổng hợp và phân tích thông tin, từ đó định hướng sản xuất sản phẩm có chất lượng phù hợp với các quy định.

Nguồn: Báo điện tử Sài Gòn Giải phóng