Quỹ ngoài ngân sách lại “xin” ngân sách? 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa công bố dự thảo Nghị định về thành lập và quản lý quỹ phòng chống thiên tai. Trong đó đáng chú ý, tại Điều 7 của dự thảo Nghị định quy định vốn điều lệ của quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương là 500 tỷ đồng do ngân sách trung ương cấp và sẽ được bổ sung hàng năm từ ngân sách nhà nước để đạt tổng mức vốn điều lệ của quỹ.

Trước đây, quỹ phòng, chống thiên tai chỉ có ở cấp tỉnh. Nhưng theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sẽ có hiệu lực từ tháng 7.2021, bổ sung quy định về quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý với mục tiêu thu hút các nguồn lực ở khu vực ngoài nhà nước, các tổ chức kinh tế và viện trợ. Dù luật đã quy định rõ đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, nhưng việc đề nghị cấp tới 500 tỷ đồng làm vốn điều lệ, phải chăng quỹ này sẽ “sống” dựa chủ yếu vào ngân sách? Luật Ngân sách nhà nước quy định quỹ tài chính ngoài ngân sách “độc lập với ngân sách”, vậy quy định như dự thảo có trái luật?

500 tỷ đồng không phải là số tiền nhỏ, trong khi đại dịch Covid-19 đang khiến ngân sách chịu áp lực thu – chi lớn, đòi hỏi từng đồng thuế của người dân được chi tiêu một cách hiệu quả nhất, thiết thực nhất. Vậy, quỹ này sẽ hoạt động thế nào để tránh tình trạng phụ thuộc vào ngân sách trong trường hợp các nguồn thu khác không đáng kể? Hoạt động thế nào để tránh tình trạng trùng lặp với nhiệm vụ, phương thức hoạt động, đối tượng phục vụ của quỹ ở cấp tỉnh hoặc trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước gây phân tán nguồn lực nhà nước? Đặc biệt, Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh hiện nay có nguồn thu từ tiền đóng góp bắt buộc hàng năm của người dân, doanh nghiệp; nếu quỹ trung ương xin cấp vốn từ ngân sách, nghĩa là người dân đang phải đóng thuế 2 lần cho loại quỹ này?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng nhấn mạnh rằng: “Ngân sách nhà nước như dòng sông cạn nước, nhưng các quỹ như hồ lớn, hồ nhỏ giữ nước lại bên trong”. Thực tế, nhiều loại quỹ chỉ có thu mà không chi, thu – chi bất hợp lý, chi phí cho quản lý còn lớn hơn cả nội dung chi cho hoạt động quỹ đã được đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 – 2018 đề cập đến. Thậm chí, một số quỹ hoạt động chưa có hiệu quả hoặc không có đủ căn cứ để đánh giá hiệu quả nhưng vẫn làm tăng chi phí quản lý và phát sinh tổ chức, bộ máy, biên chế, phân tán nguồn lực nhà nước…

Không nói đâu xa, ngay cả Quỹ Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh hiện nay cũng được đánh giá là bất cập. Theo báo cáo của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, ngoài 3 địa phương không thành lập quỹ, thì nhiều địa phương có quỹ nhưng không chi, hoặc chi rất thấp. Điển hình như Yên Bái thu 12,8 tỷ đồng, Ninh Bình thu 17,4 tỷ đồng, Quảng Trị 2,9 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế thu 8,9 tỷ đồng, Quảng Ngãi 10,3 tỷ đồng, Bình Định 27 tỷ đồng, Ninh Thuận 1,8 tỷ đồng nhưng tất cả các địa phương này đã không chi bất kỳ đồng nào từ quỹ. Trong 6 năm thực hiện quỹ phòng chống thiên tai, đến nay vẫn còn dư 1.692 tỷ đồng. Cũng không có sự khác nhau giữa những địa phương thu quỹ và những địa phương không thu quỹ, gây sự bất bình đẳng.

Trên thực tế, thiệt hại do thiên tai ngày càng lớn, tạo áp lực trong điều tiết ngân sách. Chỉ tính trong năm 2019, trong điều kiện ngân sách rất khó khăn, Chính phủ đã phải chi trên 10.300 tỷ đồng để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai và xử lý sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở, di dời dân… Với tình hình thiên tai ngày càng khó lường, nhu cầu cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai rất lớn lại dồn hết áp lực về ngân sách mà lại để quỹ phòng, chống thiên tai lại “đóng băng” tới 1.962 tỷ đồng là rất vô lý, gây lãng phí nguồn lực.

Rõ ràng, khi quỹ địa phương còn chưa bảo đảm được nguyên tắc hoạt động cơ bản là kịp thời, hiệu quả; thì quỹ ở Trung ương cần tính toán lại, hạn chế tối đa quỹ ngoài ngân sách sử dụng ngân sách. Về lâu dài, phải kiên quyết dừng hoạt động, giải thể hoặc cơ cấu lại đối với các quỹ không có khả năng tự cân đối, hoạt động hiệu quả hoặc quỹ có nguồn thu, nhiệm vụ chi trùng với ngân sách nhà nước. Sáp nhập các quỹ trùng lặp mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ để giảm đầu mối, tập trung nguồn lực và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đặt ra.