Quyết toán thuế năm 2010: Doanh nghiệp lúng túng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu cho hay thời hạn cuối cùng để quyết toán thuế năm 2010 là ngày 31/3 đang đến gần. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang vướng mắc nhiều chỗ trong việc kê khai thuế thu nhập cá nhân cho các nhân viên.

Chẳng hạn, đối với tiền thưởng Tết, doanh nghiệp này đang băn khoăn không biết đây có phải là khoản thu nhập phải chịu thuế hay không để còn khấu trừ thuế. Ngoài ra, các khoản tiền thưởng cho nhân viên cũng là khoản chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra. Nhưng có nhiều trường hợp nhân viên thuế không chấp nhận đây là chi phí. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp lúng túng trong việc xác định chi phí. Một trường hợp khác, doanh nghiệp có vay tiền của nhân viên và trả lãi hàng tháng. Khi trả lãi đã tạm khấu trừ tiền thuế, đến cuối năm, khi quyết toán thuế, doanh nghiệp không rõ tiền lãi này có phải nộp thuế TNCN không? Khi quyết toán có tính số tiền đó vào thu nhập chịu thuế không?

Lãi vay phải chịu thuế?

Trao đổi xung quanh những vướng mắc của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế, cho hay nếu các khoản tiền thưởng này mang tính chất tiền lương thì được hạch toán vào chi phí. Nếu các khoản tiền thưởng không quy định trong hợp đồng lao động về điều kiện và mức được hưởng hoặc không có trong quy chế của tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thì không được hạch toán vào chi phí.

Đối với tiền thưởng Tết, nếu khoản tiền này được ghi rõ điều kiện để được hưởng, chẳng hạn thưởng tăng suất lao động 10%, tăng lương tương ứng là 8% thì được tính là tiền lương, tiền công. Nếu tiền thưởng Tết chỉ ghi thưởng 5 triệu đồng, 1 triệu đồng thì được xem là không có tính chất tiền lương, tiền công.

Thông tư 18 mới đây đã có sự thay đổi quy định rằng các khoản tiền thưởng chỉ cần có ghi rõ trong hợp động lao động, trong thỏa ước lao động tập thể thì đều coi là tiền lương, tiền công. Tuy nhiên, để thực hiện cần có một thời gian quá độ. Trước mắt, năm 2010, vẫn theo các quy định trong Thông tư 130.

Liên quan đến việc lãi vay, bà Cúc giải thích, chi phí lãi tiền vay khi vay của cá nhân chỉ được hạch toán vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp với lãi suất tối đa 1,5 lần lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố. Nếu chúng ta vay của tổ chức tín dụng, của doanh nghiệp bạn thì được hạch toán theo lãi suất thực tế. Nhưng trả lãi cho cá nhân thì phải khấu trừ thuế 5% ngay trên số thực lãi chi trả chứ không phải theo mức lãi khống chế nói trên. Đây là một khoản tính 5% độc lập, không đưa vào quyết toán. Khi quyết toán chỉ tính thuế thu nhập từ tiền lương, tiền công và kinh doanh, còn những nguồn khác như chứng khoán, đầu tư, chuyển nhượng vốn, xổ số, quà biếu, quà tặng… được quyết toán riêng, không liên quan đến nhau. Nhưng khi xét giảm thuế thu nhập cá nhân thì số tiền giảm thuế được cộng tất cả 10 khoản thu nhập chịu thuế đó để được giảm thuế chứ không phải chỉ từ tiền lương, tiền công.

Hóa đơn tự in: kiểm soát lẫn nhau

Nghị định 51 về tự in hóa đơn được đánh giá là một bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính. Các doanh nghiệp được hoàn toàn chủ động tự in và đặt in hóa đơn, được chủ động tự thiết kế mẫu, tránh tính trạng xếp hàng chờ mua hóa đơn tại cơ quan thuế.
Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện, nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng trong nhiều trường hợp. Chẳng hạn, Công ty Hà Tuệ đã chuẩn bị sử dụng hóa đơn tự in, nhưng hóa đơn mua của cơ quan thuế trước đó vẫn còn và không biết phải xử lý chỗ hóa đơn này thế nào. Theo bà Vũ Thị Mai, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế, hóa đơn không sử dụng nữa thì phải làm thủ tục hủy hóa đơn theo quy định trong Thông tư 153.

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex cho biết khi ngân hàng thu phí và có chịu thuế VAT với thuế suất là 10%, các khoản này được thu theo hệ thống quy định sẵn của ngân hàng. Khi đó hệ thống tự sinh ra một giấy báo nợ có các số thứ tự khác nhau theo hệ thống của ngân hàng. Giấy báo nợ này có các chỉ tiêu như một hóa đơn VAT. Tuy nhiên số các giấy báo nợ này là 13 chữ số còn quy định của các hóa đơn VAT là 7 chữ số. Để thuận tiện cho hoạt động, ngân hàng mong muốn có thể đăng ký mẫu giấy báo nợ này làm hóa đơn thu phí của ngân hàng thay vì phải xuất hóa đơn VAT khác theo quy định. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng không rõ liệu cơ quan thuế có chấp nhận hay không.

Hóa đơn tự in đối với các ngân hàng là một vấn đề rất đặc thù. Theo bà Vũ Thị Mai, đây cũng là vấn đề mà Tổng cục Thuế đang nghiên cứu và sẽ sớm có công văn hướng dẫn theo hướng các hóa đơn thu phí của dịch vụ ngân hàng trong trường hợp này được chấp nhận là hóa đơn VAT. “Tại Thông tư 153 hiện cũng đã có những hướng dẫn về vấn đề này, nhưng trong công văn sắp tới, chúng tôi sẽ có hướng dẫn rõ hơn kể cả về số cũng như về mẫu phát hành”, bà Mai nói.

Trong khi đó, Công ty FSoft tỏ ra lo ngại về việc hóa đơn tự in không có chữ ký, dấu của thủ trưởng đơn vị bên bán. Đại diện công ty này thắc mắc: “Trong trường hợp thủ trưởng đơn vị bên bán ủy quyền cho nhân viên của mình ký hóa đơn thì người mua hàng có được quyền yêu cầu bên bán xuất trình giấy ủy quyền hay không? Còn với những hóa đơn VAT chỉ có dấu treo bên góc mà không có chữ ký của thủ trưởng đơn vị thì tính hợp pháp của hóa đơn do bên mua hay bên bán chịu trách nhiệm?”.

Thông tư 153 quy định trên hóa đơn, người bán hàng ký, đóng dấu và ghi rõ họ tên. Người bán hàng ở đây hiểu là bên bán hàng, tức là thủ trưởng đơn vị ký tên và đóng dấu trên hóa đơn. Trường hợp thủ trưởng ủy quyền cho nhân viên ký và đóng dấu thì phải có giấy ủy quyền.

Trong quan hệ giao dịch giữa hai bên, bên mua muốn kiểm soát tính hợp pháp của hóa đơn có thể yêu cầu được xem giấy ủy quyền bên bán. Tính hợp pháp của hóa đơn do cả hai bên cùng chịu trách nhiệm. Do đó cả hai bên đều có quyền và nghĩa vụ phải kiểm soát các khâu lập hóa đơn và các tiêu thức của hóa đơn.

Bùi Trang
Nguồn: Báo điện tử Tạp Chí Kinh Doanh