Rủi ro kinh tế của Việt Nam đã giảm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đà chậm lại
 
Theo hai chuyên gia của ANZ là Paul Gruenwald và Tamara Henderson, mặc dù Việt Nam không nằm trong nhóm bị tác động mạnh nhất của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, song về khía cạnh nào đó, tình trạng suy giảm đã hỗ trợ cho những cố gắng của chính phủ Việt Nam kiểm soát nền kinh tế từng phát triển quá nóng.
 
Bản báo cáo được đưa ra cuối tuần qua cho rằng sự tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 3,1% vào quý I năm 2009, giảm từ mức 8-9% vào cuối năm 2006 và 2007.
 
“Theo như mô hình phân tích của chúng tôi có tên là “sự phân chia châu Á”, những nền kinh tế bị tác động mạnh mẽ nhất chủ yếu là các quốc gia Đông Bắc Á và Singapore, những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào xuất khẩu ròng để đạt được tăng trưởng”, Paul, Kinh tế trưởng phụ trách vấn đề châu Á của ANZ nói.
 
Nền kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây chủ yếu nhờ vào nhu cầu nội địa trong khi đó lĩnh vực tài chính của Việt Nam vẫn đang tách rời với các thị trường toàn cầu. “Vì vậy, Việt Nam cũng như các quốc gia như Indonesia và Philippines vẫn có thể duy trì được tăng trưởng, cho dù ở mức thấp”, Paul nói.
 
Rủi ro giảm
 
Sự tăng trưởng chậm có nghĩa là hai rủi ro chính mà Việt Nam phải đương đầu vào giữa năm 2008 – là lạm phát tăng cao và thâm hụt thương mại tăng – đã rút lui, ít nhất là vào thời điểm hiện nay, Tamara, Giám đốc Bộ phận Chiến lược Tỷ giá và Tiền tệ nói.
 
Lạm phát đã giảm mạnh từ tháng 9/2008 và điều này phần nào có được nhờ sự quay đầu nhanh và mạnh của giá cả hàng hóa toàn cầu vào quý III năm ngoái.
 
Tamara cho rằng cán cân thương mại của Việt Nam cũng đã quay đầu rất nhanh. “Việt Nam đã đạt mức kỷ lục về thặng dư thương mại vào quý I năm nay”, Tamara nói. Theo số liệu thống kê, chỉ số thặng dư thương mại của Việt Nam là 1,6 tỉ USD trong ba tháng đầu năm, so với chỉ số thâm hụt của cùng kỳ năm 2008 là 8,4 tỉ USD.
 
Một diễn biến tích cực rõ ràng là tình hình xuất khẩu. Thực tế là vào thời điểm báo cáo này được đưa ra, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất trong các nền kinh tế châu Á mới nổi đạt được sự tăng trưởng dương cho xuất khẩu, Tamara nhận định.
 
Tiếp tục tăng trưởng
 
Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý I là 3,1% được ANZ cho là đã chạm mức đáy và điều này phản ánh tình trạng ổn định của sự tăng trưởng thương mại toàn cầu, tình hình sản xuất và đặc biệt phản ánh những tác động có thể có được từ gói kích cầu của chính phủ.
 
Nội dung của kế hoạch kích cầu được tập trung vào tài trợ tín dụng cho hoạt động kinh doanh, hoãn việc thanh toán thuế doanh nghiệp và thuế cá nhân, bãi bỏ một số loại thuế xuất khẩu và tăng đầu tư vào việc phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp.
 
Kể từ khi gói kích cầu được đưa ra, một số dấu hiệu phục hồi đã xuất hiện trong lĩnh vực xây dựng với mức tăng trưởng trong quý I đạt 6,9%.
 
“Xét về hiệu quả của kế hoạch này, sự tham gia mạnh mẽ của nhà nước trong lĩnh vực tài chính và sản xuất có thể mang lại cho Việt Nam một thuận lợi giống như Trung Quốc để kích hoạt hoạt động tài chính”, báo cáo khẳng định.
 
Tuy nhiên, Paul và Tamara cảnh báo rằng nếu không có các biện pháp mang tính chính sách để làm chậm lại nhu cầu hoặc làm tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế, thì khả năng lặp lại những vấn đề như giữa năm 2008 có thể xảy ra, mặc dù không phải là ngay tức thời.
 
“Chúng tôi hy vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt lãi suất cơ bản thêm 50 điểm xuống mức 6,5% vào giữa năm – đảm bảo rằng tình trạng tài chính vẫn đủ linh hoạt để hỗ trợ cho tăng trưởng năm 2009 – khoảng thời gian mà cầu thế giới phục hồi”, hai nhà kinh tế khẳng định và chia sẻ mong muốn nhà nước sẽ duy trì chính sách đồng tiền yếu để hỗ trợ xuất khẩu.
 
Riêng trong năm nay, ANZ dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 4,5%, mức thấp nhất kể từ những năm cuối thập kỷ 80. “Nhìn xa hơn, chúng tôi chưa thấy khả năng nền kinh tế trở lại thời kỳ phát triển nhanh chóng của những năm 2006- 2007” nhưng mức 4,5% sẽ đưa Việt Nam vào “nhóm đứng đầu của khu vực kinh tế đang nổi tại châu Á”, hai nhà kinh tế khẳng định trong báo cáo.

Việt Giang (Vietnam+)