Sắp tới, giá xăng dầu sẽ còn điều chỉnh nhanh hơn trước
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, mặc dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng hai lần trong quý 1 nhưng vẫn chênh lệch giá tới hơn 2.000 đồng/lít so với các nước có chung đường biên giới trên bộ và trên biển. Vì vậy, xăng dầu vẫn “chảy” qua các cửa khẩu ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Kiên Giang…

Trong khi đó, để đảm bảo lượng xăng dầu cung ứng ra thị trường trong điều kiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất phải ngừng sản xuất để bảo dưỡng, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã phải tăng thêm thị phần thêm 20%.

Việc tăng thị phần này trong quý 1 đã gây ra khoản lỗ 2.630 tỷ đồng cho Petrolimex, trong đó phần phát sinh do chênh lệch tỷ giá từ ngày 11/2 vừa qua là 1.834 tỷ đồng, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Đàm Thị Huyền cho biết.

Với cách tiếp cận giá xăng dầu trong nước theo mặt bằng giá thế giới, nguồn cung trong quý 2 sẽ đỡ khó khăn hơn nhưng Petrolimex vẫn phải gánh khoản dư vay ngoại tệ lên tới 1,061 tỷ USD.

Thêm vào đó, với cách điều hành tỷ giá liên ngân hàng tăng giảm 5-10 điểm/ngày như hiện nay, Petrolimex sẽ tiếp tục bị mất từ 5-10 tỷ đồng/ngày mà không thể cơ cấu vào giá bán do trong giá cơ sở chỉ kết cấu theo tỷ giá mới; không được cộng thêm khoản chi phí phát sinh do xử lý các biến động tỷ giá cũ.

Trong khi đó, quỹ bình ổn giá xăng dầu đang bị âm từ tháng Hai nên mặc dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng nhưng quỹ vẫn âm 703 tỷ đồng. Vì vậy, một “cơ thể ốm yếu” như Petrolimex sẽ rất khó trong đảm bảo nguồn, bà Huyền cảnh báo.

Còn Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) Vũ Quang Nam lại cho hay với sản lượng xăng dầu bán ra thị trường trong quý 1 là 1,3 triệu tấn sản phẩm các loại, PV Oil đã lỗ tới 180 tỷ đồng mặc dù Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã sản xuất được 1,27 triệu tấn xăng dầu.

Để đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu trong nước và xóa bỏ hiện tượng thẩm lậu xăng dầu qua biên giới, trong tháng Tư này, Ban chỉ đạo 127 Trung ương sẽ ban hành quy chế kinh doanh xăng dầu ở biên giới; trong đó sẽ quy định cụ thể về thời gian mở cửa bán xăng dầu, đối tượng được phép mua xăng dầu đựng vào can, phuy chứa. Tuy nhiên, đây chỉ là các giải pháp tình thế khi giá xăng dầu trong nước vẫn trong lộ trình điều chỉnh theo thị trường.

Về phía doanh nghiệp cung ứng xăng dầu, bà Huyền đề nghị: Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện đúng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo nguồn ngoại tệ cho Petrolimex nhập khẩu xăng dầu cung ứng cho thị trường. Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND đối với các khoản dư nợ ngoại tệ của Petrolimex cần được khoanh cố định theo tỷ giá ở mức hợp lý.

Ngoài ra, việc điều hành giá xăng dầu phải linh hoạt hơn theo hướng rút ngắn thời gian quyết định tăng giá xăng dầu để hạn chế tình trạng găm giữ, bán nhỏ giọt mỗi khi điều chỉnh giá bán lẻ. Giá xăng dầu cần điều hành theo thị trường và chỉ hỗ trợ trực tiếp các hộ nghèo, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang đề xuất.   Theo TTXVN