Sau năm 2014, nhượng quyền thương mại sẽ phát triển mạnh?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhiều tiềm năng…

Luật sư Hồ Hữu Hoành- Giám đốc Trung tâm thông tin Việt Franchise- nhận định, trong 5 năm qua thị trường nhượng quyền tại Việt Nam phát triển rất ồ ạt với những cái tên như Goloria Jeans Coffees, Lee’s Sandwiches, Jollibee, BBQ, Pizza Hut, Bud San Francisco… Nhiều thương hiệu khá thành công với số lượng cửa hàng tăng lên nhanh chóng. KFC là một điển hình, nếu như năm 1997 hệ thống này chỉ có một nhà hàng thì tới cuối năm 2011 KFC đã đạt cột mốc 100 cửa hàng và đang có mục tiêu nhân đôi con số vào năm 2015.

Thương hiệu Pizza Hut của Yum Brands cũng có mặt tại Việt Nam năm 2007 và đến nay đã phát triển với gần 20 cửa hàng…

Song song đó, hệ thống nhượng quyền nội địa cũng đang trong giai đoạn khá phát triển. Đi tiên phong trong lĩnh vực này phải kể tới cà phê Trung Nguyên. Thương hiệu Trung Nguyên phát triển mạnh vào những năm 2001- 2002 với hàng trăm cửa hiệu trên khắp cả nước và từng bước thâm nhập ra thị trường nước ngoài. Một thương hiệu Việt khác đáng chú ý là Phở 24, phát triển mạnh vào những năm 2004- 2005 và đã có một số cửa hiệu vươn ra nước ngoài…

Ông Sean Ngô- Giám đốc điều hành Vietnamfranchises- cho rằng, có mặt tại Việt Nam từ những năm 90 nhưng hình thức franchise vẫn còn khá mới mẻ. Tới nay mới chỉ có khoảng 90 thương vụ đã được mua nhượng quyền qua các năm, trong khi đó các nước cùng khu vực như Philippin là 400 và Indonesia là 1.200 thương vụ. Vì vậy, thị trường franchise tại Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng và sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

“Đặc biệt, đến năm 2014 khi Việt Nam bắt buộc phải mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ, franchise sẽ phát triển mạnh và trở thành một phương thức kinh doanh tiềm năng đồng thời tạo cơ hội cho thương nhân trong và ngoài nước để phát triển hệ thống bán lẻ” – ông Sean Ngô khẳng định.

Cần tính kỹ bài toán chi phí

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, franchise được xem là mô hình giúp họ sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả thông qua việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, bí quyết kinh doanh và thương hiệu của các công ty đi trước. Tuy nhiên, người mua nhượng quyền đưa vào thị trường Việt Nam cần phải hiểu rất rõ mình mua nhượng quyền để làm gì và thời gian mua trong bao lâu để có những chuẩn bị tốt cho việc tiến hành mua.

Giám đốc một doanh nghiệp đang kinh doanh nhượng quyền cho biết, tại thị trường Việt Nam hầu hết mọi người đều cho rằng kinh doanh nhượng quyền có rất nhiều thuận lợi và ít ai nói đến khó khăn gặp phải. Theo vị này, khó khăn chính trong kinh doanh nhượng quyền hiện nay là tài chính. Chẳng hạn nếu doanh nghiệp chỉ có mục đích mua thương hiệu để bổ sung vào hồ sơ thương hiệu của mình và 5 năm sau bán công ty đi thì chỉ cần vốn để duy trì đến năm thứ 5. Còn nếu có mục đích phát triển thương hiệu trong 10 năm thì cần chuẩn bị rất kỹ lưỡng để tránh tình trạng “nửa đường đứt gánh”.

Bà Nguyễn Phi Vân- Phụ trách tư vấn tiếp thị của Công ty Goloria Jeans Coffees International- chia sẻ, trong thời gian đầu đưa một thương hiệu vào Việt Nam rất khó khăn. Hầu hết doanh nghiệp cho rằng, khi mình đưa thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam thì người ta làm sẵn hết rồi và chỉ cần bỏ vốn ra mua thương hiệu sau đó mở cửa hàng hoạt động. Điều này chỉ đúng với những thương hiệu lớn, đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới và được nhiều người biết đến. Còn với những thương hiệu chỉ mới nổi tiếng tại thị trường nội địa của họ thì lại hoàn toàn khác. Trong trường hợp này, bản thân người nhận nhượng quyền phải đứng ra xây dựng thương hiệu trong mắt người tiêu dùng và quá trình này sẽ mất một thời gian khá dài. “Thực tế, sau 6 năm hoạt động tại Việt Nam chúng tôi đã có mạng lưới 7 cửa hàng nhưng tới nay vẫn chưa thu hồi được vốn đã bỏ ra”- bà Vân cho biết. 

Đại diện thương hiệu KFC Việt Nam cho biết, phần lớn dân số Việt Nam là người trẻ, nên trong chiến lược tiếp thị của KFC phải tập trung vào khu vực thị trường chiếm số đông. Trong giới trẻ, KFC Việt Nam đặc biệt hướng sự quan tâm vào trẻ em thông qua chương trình tiếp thị dành riêng cho nhóm khách hàng này với mục tiêu thương hiệu KFC trở thành bạn đồng hành của khách hàng tiềm năng ngay từ khi họ còn nhỏ. Vì vậy, KFC đã không ngừng nghiên cứu phát triển thêm một số món hợp với khẩu vị của người Việt như gà giòn không xương, gà quay, bánh trứng Egg Tart… Đó là lý do tại sao KFC đã thành công như vậy.

Thùy Dương
Nguồn: Báo điện tử Công thương