Sẽ có làn sóng nhượng quyền thương hiệu
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đến thời kinh doanh nhượng quyền?

Chuyên gia tư vấn nhượng quyền thương mại Albert Kong của Singapore đang có mặt tại TPHCM để chuẩn bị cho việc khởi sự làm ăn ở Việt Nam. Công ty tư vấn nhượng quyền Asiawide Franchise Consultants (AFC) do ông làm chủ tịch và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) vừa thành lập liên doanh SATRA-AFC nhằm đáp ứng nhu cầu nhượng quyền thương mại bằng cách cung cấp dịch vụ tư vấn và môi giới để đưa các thương hiệu mạnh của nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại.

Ông Kong cho rằng nếu các công ty cứ vin vào những khó khăn trước mắt mà lãng quên chiến lược dài hạn thì khó có thể tiến xa. Quả thực trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn như hiện nay, người ta đã nghe nhiều chuyên gia kinh tế chia sẻ kinh nghiệm về những trường hợp thành công trên thương trường. Trong đó, những nhà điều hành thành công hiểu rất rõ rằng “khó khăn của người này sẽ tạo ra cơ hội cho người khác”.

Đồng tình với quan điểm đó, ông Kong khẳng định “vấn đề nằm ở chỗ ai là người biết nắm bắt và đủ năng lực khai thác các cơ hội”. Với gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại, ông Kong lý giải sự có mặt của AFC tại Việt Nam lúc này là do tin rằng sắp có một làn sóng nhượng quyền thương mại ở thị trường Việt Nam.

Ông Kong cho biết mặc dù sức cầu nhìn chung có sụt giảm từ giữa năm 2008, nhưng thị trường Việt Nam vẫn còn nguyên mức độ hấp dẫn mà nhiều nhà thương mại trên thế giới đang muốn chen chân vào, nhất là ngành bán lẻ. Mặt khác, ông cũng cho rằng “trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, quá trình kinh doanh nhượng quyền sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn các ngành kinh tế khác, kể cả sản xuất hàng hóa và dịch vụ tài chính”.

Một lý do khác được ông Kong đề cập như để minh chứng cho nhận định kinh doanh nhượng quyền sẽ phát triển, đó là khi dòng tiền đầu tư đang phân vân không biết đổ vào đâu thì kinh doanh qua nhượng quyền là một trong những phương thức đầu tư có độ rủi ro thấp.

Theo ông, việc kinh doanh nhượng quyền được thực hiện đối với những thương hiệu đã thành công trên thị trường nên người mua nhượng quyền được thụ hưởng ngay hệ thống kinh doanh đã thành công, có mạng lưới cung cấp nguyên vật liệu giúp cắt giảm chi phí, kỹ năng quản lý và phương thức kinh doanh hiệu quả.

“Chính yếu tố kinh doanh cho chính mình nhưng không hoạt động bởi chính mình đã trở thành động lực kích thích hoạt động nhượng quyền thương mại phát triển mạnh tại nhiều nước trên thế giới”, ông nói.

Thị trường mới và cơ hội

Thực ra, kinh doanh nhượng quyền không phải là vấn đề mới ở Việt Nam. Nhưng theo ông Kong, nếu như những thương hiệu nổi tiếng từ nước ngoài đã có quá nhiều kinh nghiệm thì các thương hiệu Việt Nam lại đang rất lúng túng, đặc biệt là về năng lực quản lý chất lượng trong chuỗi hệ thống và bảo vệ bản quyền thương hiệu để duy trì giá trị của thương hiệu nhượng quyền.

Ngoài ra, “công nghệ nhượng quyền” hiện đại còn bao gồm cả việc chuyển giao nguồn cung cấp các dịch vụ bổ sung như tư vấn kinh tế, kiểm toán, hướng dẫn tiếp thị, cơ cấu lương… Theo ông Kong, đây chính là khoảng trống dịch vụ mà AFC muốn liên kết với SATRA để khai thác ở thị trường Việt Nam. Ông cũng lưu ý về tầm quan trọng của việc chọn thời điểm thực hiện chiến lược nhượng quyền thương hiệu, chẳng hạn ở giai đoạn mà nhiều doanh nghiệp đang loay hoay tìm kiếm cơ hội kinh doanh như hiện nay, nhượng quyền thương mại có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.

Ở góc độ năng lực cạnh tranh, các công ty bán lẻ trong nước cũng như những thương hiệu sản phẩm, dịch vụ đã có sẵn mạng lưới phân phối đang phải chịu một áp lực nặng nề khi chẳng còn bao lâu nữa là đến thời điểm mở cửa hoàn toàn thị trường. Vì thế, ngoài việc gia tăng đầu tư, mở rộng mạng lưới bán lẻ, một số công ty đang cố gắng phát triển thêm những loại hình dịch vụ liên quan.

Ông Trần Thành Nam, Phó tổng giám đốc SATRA, cho biết công ty đã nhìn thấy nhu cầu nhượng quyền của nhiều thương hiệu trong nước và xu hướng “xuất nhập khẩu thương hiệu”. Do đó, để đón bắt thị trường, SATRA muốn dựa vào kinh nghiệm của AFC để đi tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn nhượng quyền thương mại chuyên nghiệp.

Hiện tại, liên doanh SATRA-AFC đang cung cấp dịch vụ tư vấn phát triển cho một số thương hiệu mạnh trong nước như Vissan, Agrex Sài Gòn (Công ty cổ phần Thực phẩm nông sản xuất khẩu Sài Gòn), Mỹ phẩm Sài Gòn để nhượng quyền thương mại ở thị trường trong nước trước khi tiến sang thị trường các nước trong khu vực. Ngược lại, SATRA-AFC cũng rất hy vọng ở nhóm khách hàng của AFC từ nước ngoài đang hăm hở thâm nhập thị trường Việt Nam.

Về tiềm năng phát triển nhượng quyền thương mại theo ngành hàng, ông Kong cho biết còn tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi quốc gia. Ông đơn cử trường hợp Ấn Độ, do chất lượng dịch vụ của các cơ sở chăm sóc y tế công quá thấp nên việc kinh doanh nhượng quyền các thương hiệu y tế tư nhân tại nước này khá thành công.

Hay như tại một số nước Đông Âu, sau khi chấm dứt thời kỳ nhà nước bao cấp nhà ở, thị trường nhà thương mại phát triển mạnh đã kéo theo sự thành công của hoạt động kinh doanh nhượng quyền trong lĩnh vực dịch vụ trang trí nội ngoại thất.

“Nhìn chung, ở các thị trường tiêu dùng đang phát triển, những ngành có nhiều khả năng nhượng quyền thành công là chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng, thực phẩm và đồ uống, mỹ phẩm, dịch vụ làm đẹp, cửa hàng sách, cơ sở giáo dục đào tạo, chăm sóc y tế…”, ông Kong nói.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online