Sẽ rút giấy phép các công ty chứng khoán yếu kém
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

105 Cty là quá nhiều

Ông Vũ Bằng – trong buổi họp báo giới ngày 16.11 – thừa nhận, giao dịch thị trường năm 2011 giảm mạnh, thống kê chỉ bằng 40-50% so với năm 2010, trong khi năm 2010 cũng không phải là năm có lượng giao dịch cao. Do đó, hoạt động của các CTCK gặp khó khăn là điều đã nhìn thấy trước. Năm 2011 cũng là năm ghi nhận doanh thu, lợi nhuận của các CTCK biến động mạnh. Ông Vũ Bằng cho biết, năm 2007 các CTCK có lợi nhuận rất cao, nhưng năm 2008 tụt xuống chỉ còn trên 1.000 tỉ đồng. Sang năm 2009, nhờ các chính sách hỗ trợ thị trường con số tăng lên được 3.000 tỉ đồng, nhưng năm 2010 lại rơi xuống còn 1.800 tỉ đồng. Tình cảnh bi thảm hơn khi 9 tháng đầu năm nay, các CTCK lỗ tới 2.000 tỉ đồng. Theo con số của UBCK, tổng số CTCK lỗ lũy kế đến thời điểm này là 71 CTCK.

Theo Chủ tịch UBCK, số lượng 105 CTCK như hiện nay là nhiều quá. Để nuôi sống được tất cả số CTCK sẽ khó, và sẽ có Cty có năng lực tài chính kém sẽ “làm bậy”. Liên hệ sang các thị trường bên cạnh, Trung Quốc trước kia có tới 2.000 CTCK, sau thời gian cấu trúc chỉ còn 74 CTCK và con số hiện nay là là 107. Đài Loan trước kia cũng có tới trên 200 CTCK, sau 8 tháng cơ cấu chỉ còn lại 58 CTCK. Thị trường Thái Lan cũng tương tự như vậy. Do đó, ông Vũ Bằng cho rằng, xu hướng giảm số lượng CTCK là điều tất yếu, phù hợp với quy mô thị trường.

Khốc liệt và quyết liệt

Việc tái cấu trúc các CTCK, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cho biết, không phải bây giờ mới đặt ra mà ngay từ năm 2008, 2009 khi thị trường khó khăn, cơ quan quản lý nhà nước đã tính đến và đã nghiên cứu kinh nghiệm một số nước để lên phương án. Phương châm tái cơ cấu không phải ủng hộ các Cty lớn mà sẽ dựa trên cơ sở chỉ tiêu an toàn tài chính. CTCK lớn mà mất an toàn tài chính cũng phải bị xử lý” – ông Vũ Bằng khẳng định.

Chính vì vậy, UBCK cho biết khi ban hành thông tư 226 quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính “là đã đi vào câu chuyện tái cấu trúc”. Trên cơ sở thông tư 226 đã có quy định phân loại CTCK. “Và từ tháng 7, tháng 8 vừa rồi UBCK đã làm việc với 40 CTCK để rà soát, nắm lại thực trạng tài chính các Cty. Gần đây nhất, sau khi có báo cáo soát xét của các CTCK, UBCK đã tiến hành phân loại một lần nữa và cử đoàn kiểm tra xuống 10 Cty để xử lý” – ông Vũ Bằng cho hay. Việc tái cấu trúc sẽ dựa trên ba trụ cột theo chuẩn quốc tế là: 1- An toàn tài chính (theo thông tư 226). 2- Nhận diện rủi ro mà các CTCK có thể gặp phải, quy trình nhận diện và xử lý các rủi ro phân cấp nội bộ để quản trị rủi ro. (khâu này UBCK cho biết, đã có dự án). 3- Quản trị Cty. “Quản trị Cty chúng ta đã xây dựng rồi và đang áp dụng cho Cty niêm yết. Giờ sẽ đưa vào chuẩn áp dụng cho các CTCK” – ông Bằng nói – “việc áp các chuẩn này để tạo áp lực cải cách CTCK”.

Hiện các CTCK hầu hết đều đã là CTCP. Do đó, quyết định sáp nhập, giải thể hay bán là quyền của cổ đông. Chúng tôi sẽ kết hợp 2 giải pháp hành chính và kinh tế, trong đó chủ yếu là giải pháp kinh tế” – ông Bằng nói. Đối với biện pháp hành chính, UBCK sẽ tăng các chỉ tiêu an toàn tài chính theo thông tư 226, đặt các CTCK vào tình trạng kiểm soát buộc các Cty này phải tái cấu trúc (khoanh nợ, bán tài sản xấu, giảm rủi ro, thu hẹp hoạt động…). “Khi đã vào nhóm kiểm soát đặc biệt thì “ông” phải có các biện pháp hành chính như họp ĐHCĐ rút nghiệp vụ môi giới chẳng hạn”. Việc tái cấu trúc các TCKC – theo ông Vũ Bằng, khác với tái cấu trúc các NH vì nó không tác động dây chuyền trên toàn hệ thống.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải giải quyết được ba vấn đề khách hàng, cổ đông (nếu là Cty đại chúng) và vấn đề liên thông với các NH. “Do đó, khi ứng xử phải theo hướng hoàn thiện, không gây đổ vỡ. UBCK rất cân nhắc trong chuyện này, cái gì sẽ công bố ra thị trường, cái gì không công bố” – Chủ tịch UBCK cho biết. Ngay trong tuần này, UBCK sẽ tiến hành họp với HĐQT và ban GĐ của một số CTCK yếu kém. “Đầu tiên là rút hoạt động môi giới các CTCK yếu kém để bảo vệ khách hàng. Sau đó, nếu CTCK tốt lên sẽ được cấp lại. Còn nếu tình trạng không đảm bảo thì từ 1.4.2012 UBCK có quyền đình chỉ” – ông Bằng khẳng định.

Theo quy trình tái cấu trúc, từ nay đến 1.4.2012 sẽ tiến hành xử lý các CTCK có rủi ro về an toàn tài chính. “UBCK sẽ xử lý ngay trên cơ sở pháp lý hiện hành. Tiếp theo, từ 1.4.2012 sẽ phân loại một cách “tương đối khốc liệt” theo thông tư 226. Trong đó, các CTCK sẽ được chia làm 3 nhóm để có giải pháp ứng xử với từng nhóm. Giai đoạn phân nhóm sẽ tiến hành đến hết 2012. Và dự kiến trong năm tới, một bộ tiêu chuẩn phân loại theo thông lệ quốc tế (Camels) sẽ được ban hành và sẽ thực hiện tái phân nhóm CTCK chặt chẽ hơn nữa. Đây sẽ là áp lực lớn đối với các CTCK để chuẩn bị cho giai đoạn tái cơ cấu thực hiện từ năm 2013.

Lưu Thuỷ
Nguồn: Báo Điện tử Lao động