Siết hoạt động cho thuê tài chính: Doanh nghiệp kêu và…cãi
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía doanh nghiệp.

Theo dự thảo, tài sản cho thuê của các công ty cho thuê tài chính phải là máy móc thiết bị (không phải là dây chuyền thiết bị toàn bộ), phương tiện giao thông (không phải là tàu thủy, tàu hỏa, máy bay, dàn khoan dầu khí) và các động sản khác.

Ông Đàm Đức Long, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho rằng, NHNN dự thảo cấm cho thuê tàu vì gần đây, các khoản nợ xấu của một số công ty cho thuê tài chính có liên quan đến hoạt động này.

“Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng trên là do năng lực quản trị của các công ty cho thuê tài chính, chứ không phải do bản chất của hoạt động cho thuê tàu. Vì vậy, hạn chế việc cho thuê tàu với các công ty cho thuê tài chính là bất hợp lý”, ông Long nói.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, cho thuê tài chính là loại hình cho thuê tài sản mà phần lớn rủi ro về tài sản được chuyển giao cho bên thuê, vì vậy, không nên hạn chế các loại tài sản được phép cho thuê tài chính.

Liên quan đến việc huy động vốn, dự thảo quy định, các công ty cho thuê tài chính chỉ được huy động vốn có kỳ hạn trên 1 năm. Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng lý giải rằng, quy định này nằm trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã cho phép các công ty tài chính được nhận tiền gửi có kỳ hạn của các tổ chức.

Một vấn đề khác cũng gây nhiều tranh cãi là quy định việc huy động vốn (kể cả vay từ các tổ chức tín dụng trong nước) của các công ty tài chính sẽ phải phải thông qua phát hành công cụ nợ trên thị trường, chứ không được huy động theo hình thức nhận tiền gửi (vay) của cá nhân, tổ chức khác để cho vay như hiện nay.

Ông Hoàng Gia Hiệp, giám đốc công ty cho thuê tài chính Vinashin cho rằng, quy định này thiếu tính thực tế. “Ở Việt Nam, thị trường vốn chưa phát triển, kể cả thị trường trái phiếu hay các công cụ nợ thông thường, chứ chưa nói đến các sản phẩm phái sinh”, ông Hiệp phân tích.

Giám đốc một công ty cho thuê tài chính cũng cho rằng, quy định về việc hạn chế các công ty tài chính trực thuộc các tập đoàn kinh tế đầu tư vào tập đoàn mẹ đã được ban hành và đang có hiệu lực (Thông tư 13/2001/TT-BTC), nên Dự thảo Nghị định về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính tiếp tục đưa ra quy định về vấn đề này là chồng chéo.

Theo ĐT