SJC – thương hiệu vàng quốc gia: Cần có lộ trình
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sẽ có nhiều cái lợi


Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, vàng SJC hiện nay sau một thời gian hoạt động đã chiếm tới 90% thị phần trong hoạt động của các loại vàng miếng trên thị trường, vàng SJC là thương hiệu của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn thuộc Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh. Ngân hàng Nhà nước đã bàn với UBND Tp. Hồ Chí Minh là hoạt động sản xuất kinh doanh vàng miếng của SJC sẽ trực thuộc Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới. Bằng việc này Nhà nước vẫn thực hiện được hai mục tiêu: Nhà nước độc quyền trong vấn đề sản xuất và kinh doanh vàng miếng đồng thời, Nhà nước sẽ tiết giảm được các chi phí vì hiện nay có tới hàng trăm tấn vàng của chúng ta đã được dập ra vàng SJC và nhãn hiệu này đã được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận.


Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, nếu xét đến yêu cầu có vàng chuẩn quốc gia thì quyết định trên là rất cần thiết. Bởi cũng như các nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới như Nga hay Mỹ thì thời điểm này phù hợp với Việt  Nam. 

Các chuyên gia cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước đứng ra tiếp quản thương hiệu SJC và độc quyền sản xuất sẽ có nhiều mặt tích cực, tránh được độc quyền doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng sẽ dễ dàng can thiệp thị trường khi giá biến động mạnh, đồng thời giải quyết được cơ chế xin cho và cuối cùng là giám sát tốt chất lượng vàng miếng. 


Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng tán đồng với việc Ngân hàng Nhà nước sử dụng SJC làm thương hiệu vàng quốc gia và vì lợi ích quốc gia, bản thân doanh nghiệp đành phải gác lại lợi ích riêng. Bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận – PNJ, nhận định: “Việc Ngân hàng Nhà nước quyết định sẽ là đơn vị độc quyền sản xuất vàng miếng và dùng SJC làm nhãn hiệu vàng quốc gia là hợp lý nhằm điều tiết thị trường vàng. Tôi ủng hộ những giải pháp của Ngân hàng Nhà nước về thị trường vàng trong thời gian qua, dù đó chỉ là giải pháp tình thế. Phải có những giải pháp cho thời kỳ quá độ chứ không thể một ngày, một buổi đưa thị trường đi vào nề nếp”.  


Đại diện Công ty vàng Agribank cũng tỏ ra rất đồng tình với quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bởi nếu bắt buộc phải độc quyền thì phải là độc quyền của Nhà nước. Lúc này, sản xuất vàng miếng không vì mục đích kinh doanh mà là bình ổn thị trường. 


Cần có lộ trình dài 


Nhiều chuyên gia nhìn nhận, để có thể độc quyền sản xuất vàng miếng cần một lộ trình dài bởi sự biến động đầy phức tạp của loại hàng hoá nhạy cảm. Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm nhìn nhận: Đây vẫn chỉ là biện pháp tình thế, một động tác khởi động cho những động thái cần có sau này của Ngân hàng Nhà nước.  


 TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, không thể phủ nhận kỳ vọng của cơ quan quản lý về mục tiêu là giữ vững sự độc quyền trong sản xuất kinh doanh vàng miếng, đồng thời tiết giảm được chi phí. Tuy nhiên, như thế nào mới có thể gọi vàng đạt tiêu chuẩn quốc gia, được quốc tế công nhận mới là chuyện đáng bàn. Cái chúng ta cần là có một cấp thẩm quyền cao hơn Ngân hàng Nhà nước có những tiêu chí cụ thể rõ ràng để khẳng định thương hiệu này. 


Vấn đề quan trong lúc này theo ông Nguyễn Minh Phong là Ngân hàng Nhà nước phải xây dựng được đề án quy định tiêu chí cho một thương hiệu quốc gia như: tiêu chuẩn kĩ thuật, mẫu mã hình thức, số lượng đơn vị tham gia kinh doanh, cơ chế mua bán như thế nào để cả người dân lẫn doanh nghiệp đều có lợi, hay vấn đề liên thông… “Như vậy mới tránh được sự thiếu minh bạch, tránh được tính cập rập, tù mù trong quản lý điều hành thị trường vàng như hiện nay”, ông Phong nói. 


 Bà Cao Thị Ngọc Dung cũng cho rằng nếu độc quyền sản xuất vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước cần quản lý luôn khâu nhập khẩu và phân phối kinh doanh vàng miếng. Còn nếu Ngân hàng Nhà nước độc quyền mà giao cho công ty độc quyền thì không nên. Do vậy, cần phải có một tổ chức nhà nước quản lý kinh doanh thương hiệu vàng quốc gia, lợi nhuận có được đưa vào quỹ bình ổn thị trường vàng. PNJ tin chắc rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ có một lộ trình rõ ràng, tính toán làm sao đặt trên hết là của lợi ích quốc gia và đảm bảo quyền lợi cho người dân.  


Một vấn đề đáng quan tâm nữa là trong dân hiện nay đang tồn tại hàng trăm tấn vàng, trong đó có vàng miếng không mang thương hiệu SJC, vậy số vàng này sẽ được giải quyết ra sao? Bà Cao Thị Ngọc Dung đề nghị: Ngân hàng Nhà nước cần sớm có quy định rõ ràng về việc phân phối vàng miếng SJC, tránh tình trạng mỗi nơi một giá. Một khi công nhận người dân có quyền cất trữ, mua bán vàng miếng thì phải tạo điều kiện để người dân tiếp cận mua vàng một cách thuận lợi mới tạo tâm lý an tâm cho người dân.  


Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Ngân hàng Nhà nước đang gấp rút xây dựng một đề án về Nhà nước huy động vàng và sau khi đề án này được ban hành sẽ có đầy đủ các công cụ để quản lý tốt hơn thị trường vàng theo nguyên tắc là đảm bảo bảo vệ tuyệt đối quyền của người dân về việc mua, bán vàng miếng, về việc gửi ở những địa chỉ an toàn và có khả năng sinh lãi đối với vàng miếng, đảm bảo thực hiện đúng phương châm là dân giàu, nước mạnh, dân giàu mới có tiền mua vàng.

Đỗ Huyền
Nguồn: Báo điện tử Công lý