Số liệu gây sốc về ‘gánh nặng’ kiểm tra với DN
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Điều này cho thấy thủ tục kiểm tra chuyên ngành (gồm kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng và kiểm dịch) đang được áp dụng quá mức cần thiết. Đây cũng là lực cản cơ bản đối với nỗ lực cải thiện chỉ số “giao dịch thương mại qua bên giới” trong môi trường kinh doanh của Việt Nam, làm tăng chi phí bất hợp lý và tạo gánh nặng quá mức đối với doanh nghiệp.

Tại hội nghị do Tổng cục Hải quan tổ chức chiều 26/6 về cơ chế một cửa quốc gia, đề án kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại, ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhận định dù đã có những cải tiến mạnh mẽ về thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, song doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa do những trở ngại chính có liên quan tới thủ tục kiểm tra hàng hóa chuyên ngành.

Đây cũng được coi là một trong những “nút thắt” cần được cởi bỏ, đúng với tinh thần của Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông Đào Duy Tám, đại diện Cục Giám sát quản lý hải quan cho biết trong khi thủ tục hải quan chỉ chiếm 28% thời gian thông quan hàng hóa thì thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 72% và làm tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

Đặc biệt là tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan còn rất cao (khoảng 30%), trong khi tỷ lệ không đạt yêu cầu rất thấp, chỉ dưới 1%.

Số liệu rất đáng chú ý từ Cục Hải quan TPHCM cho thấy, năm 2016 chỉ phát hiện 30/67.224 lô hàng (chiếm 0,04%) không đạt yêu cầu về kiểm tra an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, Nghị quyết 19 đã  yêu cầu “giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 – 35% xuống còn 15% vào năm 2016”. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan thừa nhận mục tiêu này đến nay chưa đạt được.

Ông Tám cho biết qua đánh giá của các tổ chức quốc tế cho thấy mức độ phức tạp trong công tác quản lý chuyên ngành của cơ quan Việt Nam hiện đang ở mức cao hơn so với nhiều nước trong khu vực.

Số lượng các biện pháp quản lý chuyên ngành của các bộ ngành đang áp dụng cũng ngành càng tăng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 98, Bộ Công Thương là 94 và Bộ y tế là 93.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội cho rằng, việc giải quyết thủ tục hành chính của ngành Hải quan đang ở cấp độ 3 và tới đây cần nâng lên cấp độ 4 để các thủ tục đều giải quyết trực tuyến.

Đặc biệt, các thủ tục cấp giấy chứng nhận C/O chỉ nên giao cho 1 đầu mối là cơ quan Hải quan, thay vì doanh nghiệp phải đi từ 3-5 đầu mối với nhiều bộ hồ sơ, nhiều thủ tục giống nhau gây mất thời gian.

Hơn nữa, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không thanh kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần trong năm, do vậy ngành Hải quan cần đẩy mạnh hậu kiểm, giảm thủ tục tiền kiểm gây mất nhiều thời gian cho doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất khẩu.

“Đơn cử như việc nhập khẩu thép vẫn có nhiều Bộ quản lý như Công Thương, Khoa học và Công nghệ nên có những doanh nghiệp tồn kho nguyên liệu đến 30 ngày mới đưa ra để sản xuất. Thủ tục nhiều và rườm rà dẫn đến thời gian giải quyết quá lâu, nếu xác định tinh gọn được các thủ tục, nên hạn chế quy định riêng theo từng bộ ngành, như vậy mới giải quyết nhanh chóng các thủ tục thông quan cho doanh nghiệp”, ông Anh kiến nghị.

Thành Đạt

Nguồn: http://canhtranhquocgia.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/So-lieu-gay-soc-ve-ganh-nang-kiem-tra-voi-DN/309688.vgp