Sáu kiến nghị cải thiện môi trường kinh doanh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tổng kết sớm môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam năm 2011, ông đánh giá như thế nào và có thay đổi gì so với năm 2010?

Phải thừa nhận thực tế, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ít được cải thiện trong năm qua. Trong khi đó, các công ty châu Âu đã kiên nhẫn và vẫn hy vọng rằng, sự cải thiện lớn sẽ được thực hiện. Vì điều này mà niềm tin của họ về môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam đã giảm kể từ đầu năm 2011. Các báo cáo khảo sát của EuroCham về chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) hàng quý tại Việt Nam cho thấy sự giảm điểm rõ rệt, từ 78 xuống 52 điểm trong quý IV/2011.

Trong bảng xếp hạng về Sự thuận lợi trong kinh doanh năm 2012 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam rơi từ vị trí 90 xuống vị trí 98/183 quốc gia và vùng lãnh thổ xếp hạng. 

Nguyên nhân là tỷ lệ lạm phát cao, tiếp cận tín dụng khó khăn, thiếu cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính phức tạp, một số quy định về tiếp cận thị trường đang gây trở ngại cho nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam…

Những điều này sẽ được EuroCham gửi tới Chính phủ thông qua kênh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra vào ngày 2/12 tới?

Hơn một thập kỷ qua, VBF là một kênh quan trọng để thúc đẩy đối thoại công – tư với mục đích phát triển một môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững tại Việt Nam.

Các thành viên của VBF đã nhất trí thành lập một ban thư ký VBF mới bắt đầu từ ngày 1/1/2012, thông qua Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp với khu vực tư nhân cung cấp một nền tảng cho đối thoại xây dựng giữa cộng đồng DN và chính phủ của Việt Nam. Cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), EuroCham sẽ là một trong những thành viên hàng đầu của VBF mới.

Hy vọng thông qua VBF, chúng tôi sẽ cùng nỗ lực để nâng cao hình ảnh, môi trường đầu tư của Việt Nam như là điểm đến cho DN châu Âu.

Theo ông, giới đầu tư châu Âu muốn thấy những cải thiện gì trong môi trường kinh doanh để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam?

Việt Nam cần bước sang một trang mới trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là cần giải quyết dứt điểm những kiến nghị mà giới đầu tư đã đề nghị từ lâu, nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Thứ nhất, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô. 

Thứ hai, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư tốt hơn, đặc biệt là việc cấp giấy phép trong các lĩnh vực.

Thứ ba, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IPR) và thực thi có hiệu quả trong các trường hợp vi phạm IPR. 

Thứ tư, tiếp tục thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng thương mại và đảm bảo cung cấp năng lượng đáng tin cậy qua việc thúc đẩy các dự án PPP khả thi.

Thứ năm, Chính phủ nên tiếp tục nâng cao chất lượng lực lượng lao động Việt Nam. 

Thứ sáu, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và  tiếp tục giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử