Sửa thông tư 184 sẽ giải tán ngành công nghiệp ô tô?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ai được lợi?

Cuộc họp do Bộ Tài chính chủ trì có sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Cty Toyota Việt Nam không có đại diện tham dự.

Ngoài phương án chính được nêu trong dự thảo sửa đổi Thông tư 184 là “chỉ áp thuế suất nguyên chiếc cho các linh kiện không đảm bảo độ rời rạc theo Quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN, thay vì áp thuế suất nguyên chiếc cho cả bộ linh kiện có một linh kiện không đảm bảo độ rời rạc”, Bộ Tài chính cũng đưa ra phương án “giữ nguyên như hiện nay” và phương án “áp thuế suất của bộ linh kiện đối với linh kiện không đảm bảo rời rạc”.

Theo ý kiến của ông Laurent Charpentier, Phó Chủ tịch VAMA, thì các thành viên của VAMA không chỉ muốn sửa đổi Thông tư 184 mà còn muốn sửa đổi cả Quyết định 05 của Bộ KHCN vì quy định độ rời rạc không còn phù hợp với thực tế sản xuất ô tô hiện nay. Ý kiến này trùng với phần thuyết trình của Bộ Tài chính về các lý do phải sửa đổi Thông tư 184.

Theo ý kiến của đại diện Cty CP ô tô TMT, phương án sửa đổi Thông tư 184 sẽ mang lại lợi ích nhiều nhất cho các nhà nhập khẩu linh kiện. Vì với phương án này, họ sẽ tránh được hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế phải nộp. Hiện chính sách ưu đãi đối với ngành công nghiệp ô tô chưa có sự công bằng. Trong đó, các doanh nghiệp nội địa hóa chưa đến 1% cũng được hưởng ưu đãi như doanh nghiệp nội địa hóa đến 40%.

Do đó, nếu phương án sửa đổi được thông qua thì các doanh nghiệp sẽ chuyển sang nhập khẩu. Đặc biệt, hàng linh kiện giá rẻ từ Trung Quốc luôn đầy ắp nguồn cung. Như thế, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ chuyển hướng từ công nghiệp sản sản xuất sang công nghiệp… gia công, lắp ráp.

Tiếp tay cho gian lận thương mại

Mặc dù Phó Chủ tịch VAMA tán đồng việc sửa đổi Thông tư 184 nhưng một số thành viên của VAMA lại không đồng ý. Như chúng tôi đã phản ánh, Cty Toyota Việt Nam, doanh nghiệp giữ vị trí Chủ tịch VAMA còn bày tỏ quan điểm, nếu sửa Thông tư 184 thì phải sửa theo theo hướng cấm nhập khẩu linh kiện không đảm bảo độ rời rạc và phạt thật nặng các doanh nghiệp nhập khẩu loại linh kiện này. Như vậy mới đảm bảo phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Một doanh nghiệp hàng đầu của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khác cũng phản đối việc sửa đổi Thông tư 184, đó là Cty ô tô Trường Hải. Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty Trường Hải thì nếu sửa đổi Quyết định 05 và Thông tư 184 sẽ có quá nhiều nguy cơ cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Hiện Quyết định 05 đang bị lợi dụng để thực hiện các hành vi gian lận thương mại trong lắp ráp. Khe hở ở lớn nhất của Quyết định 05 là doanh nghiệp “muốn rời rạc bao nhiêu thì đi xin”. Thực tế Bộ KHCN đã có văn bản xác định “đảm bảo độ rời rạc” cho nhiều bộ linh kiện không rời rạc.

Điều tệ hại nữa là các các doanh nghiệp có thể mua xe rồi tháo rời, mang về trong nước lắp ráp lại để trốn thuế nguyên chiếc. Đó là gian lận thương mại. Trong trường hợp này, phương án sửa Thông tư 184 có thể sẽ hợp thức hóa cho gian lận thương mại.

Theo ông Trần Bá Dương, việc sửa đổi Quyết định 05 và Thông tư 184 phải hết sức thận trọng. Cần kiểm tra thực chất việc lắp ráp ô tô ở Việt Nam là gì?. Việt Nam cần điều chỉnh chính sách theo hướng phát triển ngành phụ trợ, đặc biệt là phát triển phụ tùng, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất phụ tùng. Nếu sửa Thông tư 184 thì nhiều doanh nghiệp sẽ dẹp sản xuất phụ tùng ô tô và bản thân Trường Hải cũng sẵn sàng “dẹp” để làm cái khác.

Chia sẻ quan điểm với Trường Hải, đại diện Cty CP ô tô TMT cũng cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp lắp ráp ô tô tải đang lợi dụng Quyết định 05. Ví dụ, quy định cabin là 37 chi tiết, nhưng có doanh nghiệp nhập luôn cabin, thông đồng móc ngoặc để áp thuế từng linh kiện. Nếu sửa đổi Thông tư 184 theo phương án mà Bộ Tài chính đưa ra thì chả ai đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất ô tô nữa thì có khác gì giải tán ngành này.

Và sẽ làm tăng nhập siêu

Đây là quan điểm của Bộ Công Thương trong văn bản gửi Bộ Tài chính và tại cuộc họp. Theo Bộ Công thương, nếu sửa Thông tư 184 sẽ đi ngược lại với chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ô tô theo Quyết định 12 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, phương án sửa đổi sẽ làm giảm hiệu lực của Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Vì nếu nhập khẩu mãi thì không kiềm chế được lạm phát. Trong 2010, nhập khẩu linh kiện ô tô đã lên đến 1,6 tỷ USD.

Theo ông Ngô Văn Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương thì đến năm 2018, thuế nhập khẩu linh kiện ô tô là bằng không. Hiện nhiều doanh nghiệp đang chờ thời điểm đó, người ta chỉ đầu tư cửa hàng, đại lý, không quan tâm đến ngành công nghiệp ô tô. Họ sẵn sàng chờ để nhập khẩu, phân phối. Nếu không tuân thủ Quyết định 12 thì Việt Nam sẽ không có ngành công nghiệp ô tô. Nếu đã như vậy thì đừng ban hành Quyết định 05 và Thông tư 184 làm gì mà để cho doanh nghiệp chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu luôn.

Cũng theo ông Trụ, muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô thì cần có ngành công nghiệp phụ trợ, phải có thị trường. Một doanh nghiệp đầu tư cả tỷ USD để sản xuất ngành công nghiệp ô tô, bây giờ sửa đổi Thông tư 184 thì “bức tranh” sản xuất ô tô sẽ như thế nào?

Thông tư 184/2010/TT-BTC mới được thực hiện 6 tháng nhưng đã có những tác động tích cực đến việc sản xuất ô tô, góp phần hạn chế nhập khẩu linh kiện và kích thích ngành công nghiệp phụ trợ của ngành công nghiệp ô tô. Phương án sửa đổi mà Bộ Tài chính đưa ra đã không đánh giá hết các hậu quả của nó đối với ngành công nghiệp ô tô và chính sách quản lý kinh tế vĩ mô năm 2011. Đặc biệt, có thể tạo ra những khe hở pháp luật làm đất sống cho tiêu cực trong thương mại và thực hiện chính sách thuế. Vậy lý do thực sự của việc Bộ Tài chính lại muốn sửa văn bản quy phạm pháp luật vừa mới ban hành này là gì?.

Bình Minh – Việt Hưng
Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử