Sức ép lên tăng trưởng là rất lớn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Các chỉ số kinh tế vĩ mô quý I/2017 đã gây ra nhiều ngạc nhiên cho nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trong đó bất ngờ nhất là tăng trưởng chỉ đạt 5,1%. Chia sẻ quan điểm tại cuộc Tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2017 của VEPR tổ chức ngày đầu tuần này, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra nhiều điểm bất ổn của nền kinh tế.

DN trong nước đuối sức

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR đặc biệt nhấn mạnh, khu vực công nghiệp tăng chậm một cách bất thường đã kéo toàn bộ chỉ số tăng trưởng xuống. Cụ thể, ngành công nghiệp chỉ tăng trưởng 3,85% trong quý I, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. “Sản xuất công nghiệp giảm mạnh, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây là dấu hiệu đáng lo ngại”, ông Thành nhấn mạnh.

Đáng chú ý là suy giảm tăng trưởng quý I đến từ hầu hết các nhóm ngành công nghiệp. Phân tích cụ thể hơn, ông Thành cho rằng khuynh hướng khai khoáng liên tục giảm trong vài năm trở lại đây đã tiếp tục kéo tăng trưởng xuống. Song, diễn biến này nằm trong lộ trình tái cơ cấu sản xuất, dịch chuyển ra khỏi các ngành tiêu tốn nguyên liệu thô. Như vậy, xu hướng này mang tính chủ động có kế hoạch, tuy làm tăng trưởng suy giảm nhưng không nên coi là biểu hiện mang tính tiêu cực.

Xuất khẩu của ngành công nghiệp hiện nay phụ thuộc nặng nề vào khu vực FDI

Trước bối cảnh đó, điểm bất thường tập trung chủ yếu vào diễn biến của công nghiệp chế biến chế tạo. Theo đó, công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 8,3%, thấp hơn mức 9,7% và 8,94% trong 2 năm 2015-2016. Công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm mạnh, làm giảm 0,76 điểm % của tăng trưởng cả quý. Đi sâu vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, có thể thấy sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học giảm 1%, đồng thời xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện điện tử giảm 10,7%, cho thấy việc Samsung giảm sản lượng đã tác động mạnh tới tăng trưởng.

Mặc dù sản xuất công nghiệp sụt giảm khiến tăng trưởng giảm tốc khá nhanh, song nhóm nghiên cứu của VEPR nhận định tính phục hồi của nền kinh tế sẽ cao hơn năm trước vì các động lực khác không giảm mạnh. Ông Thành phân tích, tình hình sản xuất của Samsung là do yếu tố mùa vụ, sản lượng quý I của tập đoàn này tuy giảm nhưng nhập khẩu vẫn nhiều để phục vụ cho hoạt động sản xuất của các quý sau.

Quan sát ở khu vực DN cũng cho thấy tình hình không quá bi quan khi chỉ số PMI vẫn tăng trong các tháng gần đây, thể hiện rằng giới chủ DN vẫn kỳ vọng vào tương lai ở phía trước và tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh.

Song, VEPR khuyến cáo, bất kể diễn biến của quý đầu năm như thế nào thì xuất khẩu từ khu vực trong nước cũng đang giảm dần liên tục, cho thấy khu vực DN có yếu tố nước ngoài ngày càng bành trướng và phần của DN trong nước ngày càng giảm xuống. Trước đây đã có thời kỳ xuất khẩu của DN trong nước chiếm đến 60% nhưng “miếng bánh” đã dần thu hẹp lại và tới nay giảm xuống chỉ còn 28%. Điều này cho thấy sức sản xuất thực sự của nền kinh tế Việt Nam đang rất có vấn đề.

Bên cạnh đó, tình hình đăng ký kinh doanh cho thấy có sự dịch chuyển về cơ cấu, trong đó các DN trong mảng dịch vụ đăng ký trong quý I cao hơn so với sản xuất và chế biến chế tạo. Điều này liên quan đến sự dịch chuyển trực tiếp trong sản xuất hàng xuất khẩu, cho thấy xuất khẩu của ngành công nghiệp hiện nay phụ thuộc nặng nề vào khu vực FDI, đặc biệt những DN lớn như Samsung.

Bất ổn tạo thêm sức ép

Tăng trưởng sụt giảm khiến nền kinh tế càng bộc lộ ra nhiều vấn đề bất ổn khác. Trước hết, theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đó là đầu tư đang có vấn đề do đầu tư nhà nước giải ngân rất chậm. Bên cạnh đó nếu nhìn tổng thể, tổng đầu tư toàn xã hội vẫn chiếm khoảng 32% GDP, không thua các quý khác. Đầu tư FDI tăng nhẹ, vậy chủ yếu là tăng đầu tư tư nhân. Điều này cho thấy tổng đầu tư không giảm mà tăng trưởng giảm mạnh. “Vấn đề là số liệu sai hay chất lượng đầu tư kém?”, ông Thành đặt câu hỏi.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh lưu ý, không thể lơ là tình hình cân đối ngân sách. Ông đánh giá, chi thường xuyên vẫn rất cao, chiếm tới 75,6% tổng chi ngân sách Nhà nước trong quý I. Một số chủ trương nhằm cắt giảm chi tiêu như giảm xe công rất hoan nghênh, nhưng số liệu thực tế cho thấy tình hình cơ bản là chưa thay đổi. Thêm nữa là gánh nặng nợ công, theo ông Doanh cũng không thể xem thường. “Chúng ta đều thấy chi trả nợ công cả nợ gốc và nợ lãi cao gần gấp đôi so với chi đầu tư phát triển trong quý I, là khoản chi rất nặng nề”, ông Doanh lo ngại.

Các diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế quý I cho thấy, tác động từ hội nhập đã hiện hữu và gây nhiều bất lợi khi kinh tế trong nước chưa đủ “sức đề kháng”. Nhóm nghiên cứu của VEPR đánh giá, Việt Nam hiện nay tạm thời mất cơ hội từ TPP, trong khi các tác động tiêu cực từ AEC lại tràn vào nhiều.

Biểu hiện ra là khu vực sản xuất của khối DN trong nước ngày càng thu hẹp, xuất khẩu cũng thu hẹp, khu vực phân phối bị chèn lấn khi Thái Lan mở rộng hệ thống cung ứng để đưa hàng hoá ồ ạt vào Việt Nam, dòng vốn đầu tư dịch khỏi Việt Nam để sang các nước ASEAN khác có điều kiện tốt hơn về môi trường kinh doanh, lao động… Đó là kết quả của quá trình hội nhập bị cạnh tranh mạnh mẽ, trong khi các DN Việt Nam chưa có sự cải thiện kịp thời về năng suất.

Trước bối cảnh căng thẳng từ cả bên trong và bên ngoài, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại lo ngại, sức ép lên tăng trưởng là rất lớn. “Tôi đồng ý là không nên chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng, nhưng Chính phủ cũng có lý vì đây là chỉ số liên quan trực tiếp đến việc làm, cân đối ngân sách, nợ công… tác động cực kỳ quan trọng”, ông phân tích. Bên cạnh đó, nếu không có gì thay đổi thì hai năm đầu của kế hoạch 5 năm không đạt mức tăng trưởng đã đặt ra, thì 3 năm tới liệu có đạt được để hoàn thành chỉ tiêu của cả giai đoạn 2016-2020 hay không? Nếu không được sẽ tạo hệ quả xấu, ảnh hưởng tới các cân đối lớn trong dài hạn…

Với mức tăng trưởng thấp trong quý I, Nhóm nghiên cứu VEPR nhận định mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm 2017 sẽ không đạt được. Trước mắt, VEPR dự báo kinh tế quý II tăng trưởng ở mức 5,7% và cả năm đạt khoảng 6,1%. Đây là mức thấp hơn 0,3 điểm % so với dự báo VEPR đưa ra hồi quý trước.

Ngọc Khanh
Nguồn: http://thoibaonganhang.vn/suc-ep-len-tang-truong-la-rat-lon-61532.html