Sức ép tăng giá năm 2011
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sau Tết, giá cả một số hàng lương thực, thực phẩm ổn định khi lấy mốc so sánh là trước Tết Nguyên đán. Nhưng thực tế đến thời điểm này, một mặt bằng giá mới đã hình thành trong đời sống hàng ngày của người dân. Do vậy, nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, thu nhập trung bình ổn định vẫn thấy đang phải chịu nhiều áp lực. Trong khi đó, đã và đang xuất hiện những áp lực và nút thắt mới về giá.

Sức ép đầu tiên là động thái điều chỉnh tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD thêm 9,3% của Ngân hàng Nhà nước cuối tuần trước. Nhiều quan điểm đồng tình với quyết định này để kiểm soát thị trường ngoại tệ, nhưng kéo theo đó là hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng, bao gồm cả hàng tiêu dùng trực tiếp như: điện máy, hàng xa xỉ, ô tô, một số nguyên nhiên vật liệu đầu vào (xăng dầu, phôi thép, vật liệu xây dựng,

Vậy thời điểm nào thì tác động của tỷ giá tăng sẽ rõ nét?

Độ trễ của chính sách thuế, tỷ giá đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ít nhất phải 1 tháng. Nghĩa là từ khoảng cuối tháng 2 này, có thể giá cả nhiều loại hàng hóa sẽ chịu tác động của tỷ giá. Thế nhưng, theo chuyên gia tài chính Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, thì không có chuyện giá cả tăng sốc do tỷ giá, vì thực tế, trước đó các doanh nghiệp đã phải tiếp cận USD với giá ở thị trường tự do. Khi tỷ giá chính thức của các ngân hàng thương mại là 19.500 đồng/USD, thì thực tế trên thị trường tự do đã trên 21.000 đồng/USD. Do vậy, việc điều chỉnh này sẽ không tác động lớn đến các doanh nghiệp.  

Song thực tế, tỷ giá là một sức ép đã hiện hữu. Và có lẽ sau đó, các sức ép về giá khác mà nền kinh tế sẽ phải đối mặt là việc tăng giá điện. Theo thông tin mới nhất, thì giá điện sẽ được Chính phủ quyết định điều chỉnh tăng từ ngày 1.3 tới. Hiện có nhiều phương án giá khác nhau được Bộ Công thương trình Chính phủ. Chủ tịch Tập đoàn điện lực Việt Nam Đào Văn Hưng cho rằng, nếu không tăng giá điện, thì khoản lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng của ngành điện không biết lấy đâu để bù.

Việc tăng giá than cho điện, rồi giá điện là lộ trình được Chính phủ chấp thuận. Đây là bước đi cần thiết để thu hút đầu tư cho ngành điện, dần khắc phục tình trạng thiếu điện. Tuy nhiên, tăng ở thời điểm nào với mức độ tăng giá điện bao nhiêu luôn được người dân quan tâm, vì tác động đến sinh hoạt và đời sống của họ cũng như tác động đến sản xuất kinh doanh.

Về giá xăng dầu, Chính phủ đã chỉ đạo giữ nguyên giá, nhưng nút thắt này cũng đang có xu hướng tăng vì việc bình ổn trông chờ vào quỹ bình ổn, trong khi theo nhiều đánh giá thì lượng tồn trong quỹ không thể cầm cự được lâu. Trong khi đó, những người làm công ăn lương, cán bộ viên chức Nhà nước đang rất mong chờ đến thời điểm ngày 1.5 tới, mức lương tối thiểu tăng từ 730.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng. Thêm vào đó, yếu tố lãi suất hiện vẫn cao. Không hiếm doanh nghiệp vẫn phải vay ngân hàng với mức giá vốn đến 20%/năm.

Theo Bộ Tài chính, năm nay doanh nghiệp và nền kinh tế phải cảnh giác với giá cả thế giới có thể tăng, khi nền kinh tế phục hồi. Vì chúng ta vẫn nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước như xăng dầu, nguyên liệu dệt may, sản xuất thép, phân bón… Trước mắt, giá một số mặt hàng thiết yếu đã tăng như giá thép, xi măng, giá ga… đang tạo thêm sức ép nữa về giá. Tổng giám đốc Công ty Lâm nghiệp Việt Nam Trần Đức Sinh cho rằng, những doanh nghiệp chủ động được nguyên liệu trong nước thì thuận lợi hơn khi tỷ giá tăng. Nhưng những doanh nghiệp không chủ động được nguyên liệu, phải nhập khẩu, thì sẽ khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh không chỉ có sức ép về tỷ giá, mà còn chịu sức ép từ nhiều yếu tố đầu vào như lãi suất và các chi phí khác đều tăng.

Và một yếu tố quan trọng hơn là tâm lý xã hội, phản ứng của doanh nghiệp và người tiêu dùng đối với giá. Việc chấp nhận giá tăng, cộng với việc thiếu thông tin đến người tiêu dùng cũng như thiếu động thái kiểm soát giá thì có thể phát sinh những hệ lụy lớn hơn cả việc chấp nhận giá. Đó là lạm phát, là sự chuyển dịch đồng tiền, đổ xô đầu tư theo đám đông, khiến việc điều hành vĩ mô trở nên khó khăn hơn.

Vũ Dũng
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân